Họp báo giới thiệu Đề án 'Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu', ngày 24/9. (Nguồn: Vietnam+) |
Với mục tiêu cải cách căn bản, toàn diện công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, ngày 16/9, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”.
Theo mô hình đề án, nhiều thủ tục kiểm tra đã được đơn giản hóa nhờ nguồn thông tin, cơ sở dữ liệu của người nhập khẩu được tập trung vào một đầu mối là cơ quan hải quan.
Cụ thể, khi hàng hóa đủ điều kiện được áp dụng chế độ miễn kiểm tra chất lượng hoặc kiểm tra giảm thì hệ thống điện tử hải quan tự động cập nhật, người nhập khẩu không phải làm thủ tục xin miễn giảm như hiện hành, theo đó sẽ giảm nhiều giấy tờ trùng lặp giữa hồ sơ hải quan và hồ sơ kiểm tra chất lượng.
Chưa chuyển biến đột phá
Theo ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự nỗ lực của các bộ, ngành, công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu đã đạt được một số kết quả quan trọng song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính, chưa tạo được bước chuyển biến mang tính đột phá cũng như kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp.
Trên thực tế, các công tác kiểm tra chuyên ngành hiện nay vẫn còn một số tồn tại, bất cập. Báo cáo thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy tính đến ngày 31/12/2019 cả nước vẫn còn khoảng 70.000 mặt hàng trong thuộc diện điều chỉnh bởi các chính sách, quy định liên quan đến quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành.
“Đây là kết quả của việc cắt giảm danh mục hàng hóa chuyên ngành của các bộ, ngành. Tuy nhiên với số lượng mặt hàng được cắt giảm là 12.600 trên tổng số 82.698 mặt hàng (số liệu quý II/2015) là con số rất thấp (khoảng 15,2%). Điều này chưa đáp ứng yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ là phải cắt giảm được 50% hàng hóa thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành vào năm 2018-2019”, ông Cẩn cho hay.
Bên cạnh đó, các trình tự, thủ tục và phương thức kiểm tra chưa thống nhất, khi mà mỗi loại hình kiểm tra lại có trình tự, thủ tục khác nhau được quy định chi tiết tại các luật chuyên ngành và các nghị định hướng dẫn.
Về thực tế triển khai, các bộ, ngành cũng không thống nhất với nhau giữa luật và nghị định hướng dẫn. Do đó, doanh nghiệp vẫn phải thực hiện nhiều bước, làm thủ tục tại nhiều cơ quan, tổ chức…
Người đứng đầu ngành hải quan cũng thẳng thắn chỉ ra những quy định chưa phù hợp, thậm chí quá mức cần thiết, như việc áp dụng kiểm tra đối với từng lô hàng của từng chủ hàng, hay một số hàng hóa không có khả năng gây mất an toàn tại cửa khẩu và có thời gian kiểm tra lâu nhưng vẫn thuộc diện kiểm tra trước thông quan như thang máy, cần cẩu…
Trích thống kê từ Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan chỉ ra tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành nhiều nhưng phát hiện vi phạm rất thấp. Cụ thể, tỷ lệ hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành trong những năm qua đã có xu hướng giảm dần từ khoảng 30% (năm 2015) xuống còn 19,1% (năm 2019), trong đó tỷ lệ phát hiện lô hàng không đáp ứng chất lượng qua các năm rất thấp chỉ từ 0%-0,03%.
“Với những tồn tại, bất cập hiện nay, thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn là gánh nặng cho doanh nghiệp, là một trong yếu tố chiếm tỷ trọng khá lớn cấu thành thời gian thông quan hàng hóa mà hiện vẫn chưa được cải thiện đáng kể theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, từ đó dẫn đến giảm năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong trao đổi thương mại qua biên giới”, đại diện của Cục Giám sát quản lý về hải quan chia sẻ.
Giao cơ quan hải quan làm đầu mối
Nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, Chính phủ đã chỉ đạo tạo bước đột phá trong công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Trên cơ sở đánh giá, phân tích thực trạng công tác kiểm tra chuyên ngành hiện nay và nghiên cứu mô hình kiểm tra chất lượng của một số nước trên thế giới, Bộ Tài chính đã xây dựng Đề án “Cải cách Mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”.
Theo đó, phạm vi của đề án nhằm cải cách hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu với 7 nội dung cải cách lớn.
Cụ thể, cơ quan hải quan sẽ là đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Phương thức kiểm tra áp dụng đồng bộ cho cả 3 lĩnh vực chất lượng, an toàn thực phẩm nhằm cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra, gồm kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường, kiểm tra giả. Theo đó, các thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu được đơn giản hóa.
Bên cạnh đó, đề án cũng đề xuất áp dụng kiểm tra theo mặt hàng để cắt giảm số lượng các lô hàng phải kiểm tra (chuyển đổi phương thức kiểm tra từ kiểm tra chặt sang kiểm tra thông thường, từ kiểm tra thông thường sang kiểm tra giảm áp dụng đối với hàng hóa giống hệt, không phân biệt nhà nhập khẩu).
Theo đề án, việc áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để đảm bảo vai trò quản lý nhà nước và nâng cao tính tuân thủ của doanh nghiệp.
Thêm vào đó, các đối tượng được miễn kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm sẽ được mở rộng, dự kiến bổ sung 18 nhóm đối tượng để giảm chi phí quản lý nhà nước và chi phí của doanh nghiệp.
Để đáp ứng yêu cầu thực tế, đề án cũng đề xuất ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin trong mô hình mới để cắt giảm thời gian, hỗ trợ doanh nghiệp và các cơ quan hữu quan.
Bảng so sánh các bước cắt giảm thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm. (Nguồn: Tổng cục Hải quan) |