Mức giá trần 60 USD/thùng do EU và G7 áp dụng đối với dầu Nga được kỳ vọng làm giảm doanh thu từ dầu khí của Moscow trong khi vẫn giữ đủ nguồn cung dầu thô trên thị trường năng lượng toàn cầu. (Nguồn: Reuters) |
Đầu tháng 12, một mức giá trần đối với dầu thô nhập khẩu từ Nga vận chuyển bằng đường biển trên toàn cầu đã được Liên minh châu Âu (EU) và Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) nhất trí áp dụng.
Mức giá trần 60 USD/thùng được kỳ vọng làm giảm doanh thu từ dầu khí của Nga trong khi vẫn giữ đủ nguồn cung dầu thô trên thị trường năng lượng toàn cầu.
Kể từ khi triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2 năm nay, Nga-nhà cung cấp khí đốt hàng đầu cho châu Âu và là quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ hai trên thế giới, vẫn tiếp tục bán dầu giá rẻ cho các thị trường rộng lớn ở châu Á như Ấn Độ và Trung Quốc.
Tác động của lệnh cấm vận đối với thị trường dầu mỏ EU
Trước khi nổ ra xung đột ở Ukraine, khối 27 quốc gia thành viên chủ yếu phụ thuộc vào nguồn cung cấp dầu của Nga. Năm 2021, tổng lượng dầu thô và các sản phẩm dầu đã qua chế biến mà EU mua từ Nga trị giá 74,8 tỷ USD.
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), mỗi ngày, EU nhập khẩu tổng cộng 2,2 triệu thùng dầu từ Nga, bao gồm 700.000 thùng thông qua đường ống và 1,2 triệu sản phẩm đã qua chế biến.
IEA cũng nhận định rằng, EU sẽ phải tìm nguồn thay thế 1 triệu thùng dầu thô và 1,1 triệu sản phẩm dầu tinh chế mỗi ngày sau khi lệnh trừng phạt của khối này đối với dầu Nga bắt đầu có hiệu lực, lần lượt vào ngày 5/12 năm nay và tháng 2/2023.
Mats Cuvelier, một luật sư chuyên về luật thương mại quốc tế tại Brussels (Bỉ) nói với Al Jazeera rằng, khoảng 10% lượng dầu nhập khẩu qua đường ống dẫn dầu Druzhba của Nga sẽ tiếp tục chảy trong ngắn hạn. Lệnh cấm vận của EU đối với dầu của Moscow sẽ không có tác động đáng kể đến cung và cầu tại khối trong trung hạn.
Ông nói: “Các quốc gia EU đã có đủ thời gian (nửa năm) để thiết lập các tuyến đường ống cung cấp dầu mỏ khác nhằm bù đắp nguồn cung từ Nga”.
EU sẽ không bị thiếu hụt dầu thô vì khối này đang tập trung vào các tuyến đường ống thay thế từ Trung Đông và các khu vực khác.
Trong khi đó, Philipp Lausberg, một chuyên gia về chính sách năng lượng tại Trung tâm chính sách châu Âu, đã chỉ ra rằng, tác động chính của việc phong tỏa dầu mỏ có thể là làm tăng giá dầu.
Trao đổi với Al Jazeera, ông cho biết: "Dầu Brent sẽ đắt hơn và đó là điều mà EU sẽ phải lên kế hoạch đối phó”.
Thực tế cho thấy, giá dầu toàn cầu tăng tới 2% vào ngày giá trần đối với dầu Nga có hiệu lực (5/12).
Lausberg khẳng định, suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ khiến nhu cầu dầu mỏ trên toàn thế giới sụt giảm trong những tháng tới, kéo theo một đợt giảm giá dầu mới.
Giá trần hoạt động như thế nào?
G7 và Australia đã tham gia đề xuất áp đặt hạn chế giá đối với các lô hàng dầu thô của Nga, ở mức 60 USD/thùng, sau khi EU cho biết họ bắt đầu thực hiện áp trần giá vào ngày 5/12. Kế hoạch này lần đầu tiên được đề xuất vào tháng 5/2022.
Mục đích chính của áp giá trần là cấm các công ty ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ vận chuyển, bảo hiểm, môi giới và các dịch vụ khác cho bất kỳ lô hàng dầu thô nào của Nga được bán với giá cao hơn giá quy định cho mỗi thùng, hiện là 60 USD.
Mức trần này không áp dụng đối với hàng hóa quá cảnh và có hiệu lực kể từ ngày 5/12 đối với các lô hàng được "chất" lên tàu.
Việc cấm các dịch vụ hàng hải cho phép vận chuyển dầu của Nga, đặc biệt là tới các quốc gia thứ ba - những quốc gia không phải là Nga cũng như quốc gia bị trừng phạt - cũng sẽ được Anh và EU thực hiện.
Bảo hiểm, môi giới và các đội tàu chở dầu có trụ sở tại EU, bao gồm các tàu thuộc sở hữu của Hy Lạp và Cyprus, nằm trong danh sách các dịch vụ bị cấm. Lệnh cấm không áp dụng đối với những thùng dầu được mua bằng hoặc thấp hơn mức giá trần.
Một trong những dịch vụ thiết yếu giúp vận chuyển dầu bằng đường biển có thể thực hiện được là bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm bảo vệ và bồi thường (P&I), bao gồm các yêu cầu bồi thường trách nhiệm của bên thứ ba.
Thông thường, Nhóm Câu lạc bộ P&I quốc tế ở London cung cấp bảo hiểm cho các tàu chở dầu. Nhóm này chủ yếu dựa vào EU cho chương trình tái bảo hiểm của mình, cho nên, lệnh cấm khiến các dịch vụ của họ bị hạn chế đối với các lô hàng dầu nằm trong giới hạn.
Lệnh trừng phạt sẽ ảnh hưởng đến Nga như thế nào?
Thu nhập từ xuất khẩu của Nga đã giảm kể từ quý II/2022 do giá dầu hạ trên toàn cầu và doanh số bán khí đốt cũng thu hẹp do nước này quyết định cắt giảm bơm hàng sang châu Âu thông qua đường ống Nord Stream 1 bị hư hại.
Tuy nhiên, bất chấp tất cả những điều trên, Moscow dự kiến sẽ có thặng dư tài khoản vãng lai trong năm nay cao hơn 250 tỷ USD, chỉ đứng sau Trung Quốc.
Cụ thể, theo Ngân hàng Trung ương Nga, tính trong 11 tháng đầu năm 2022, thặng dư tài khoản vãng lai của nước này đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái lên 225,7 tỷ USD. Điều này mang lại dư địa tài khóa rất cần thiết khi nền kinh tế Nga bước vào năm 2023 với rất nhiều thách thức.
Thặng dư tài khoản vãng lai của Moscow cao kỷ lục, do nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây, trong khi giá khí đốt thế giới cao thúc đẩy doanh thu xuất khẩu của Nga.
Viện Tài chính Quốc tế cho biết, xuất khẩu đóng góp phần lớn cho mức tăng thặng dư tài khoản vãng lai.
Và với giá dầu thô về cơ bản vẫn không thay đổi ở mức 60 USD, mức giá trần không ảnh hưởng đến thu nhập của Nga trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, có thể sẽ là một bức tranh hoàn toàn khác nếu giá trần được duy trì trong khi giá dầu thô giảm.