📞

APEC 2017: Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC

14:27 | 08/11/2017
Trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng, Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (CEO Summit) đã khai mạc vào 14h ngày 8/11. Chương trình sẽ kéo dài đến ngày 10/11, quy tụ sự tham dự của hơn 2.000 CEO đến từ các nền kinh tế thành viên APEC.

Phát biểu khai mạc APEC CEO Summit, Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ sự vui mừng trước sự tham gia đông đảo và đóng góp của các doanh nghiệp thuộc các nền kinh tế APEC, thể hiện trách nhiệm và tâm huyết của các doanh nghiệp trong việc chung tay phối hợp xây dựng khu vực châu Á - Thái Bình Dương phát triển bao trùm.

Chủ tịch nước khẳng định, sau gần ba thập niên phát triển, APEC không chỉ chứng kiến nhiều sự thay đổi mang tính bước ngoặt của thế giới mà còn là một phần của những thay đổi đó. Là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu ở khu vực, APEC đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đưa hàng trăm triệu người thoát cảnh đói nghèo. Ngày nay, APEC là cơ chế hợp tác hiệu quả nhất trong việc phát huy vai trò của doanh nghiệp, đưa châu Á - Thái Bình Dương trở thành động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu và là vườn ươm của các ý tưởng mới cho tương lai. Các thành tựu đó của APEC có sự đóng góp rất quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, nhờ những đóng góp mang tính quyết định của cộng đồng doanh nghiệp, từ các doanh nghiệp hàng đầu thế giới đến các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, châu Á - Thái Bình Dương đã trở thành đầu tàu kinh tế năng động, là trung tâm đầu tư, khoa học - công nghệ, đóng góp gần 50% tổng đầu tư, thương mại và gần 60% GDP toàn cầu. Cộng đồng doanh nghiệp APEC còn đóng vai trò tiên phong trong phát triển các ngành công nghệ, năng lượng mới, các hình thức hợp tác kinh doanh, các lĩnh vực thương mại, đầu tư thế hệ mới, đem lại của cải, vật chất dồi dào hơn, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của người dân.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu khai mạc APEC CEO Summit. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Để APEC tiếp tục là diễn đàn liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, Chủ tịch nước mong muốn cộng đồng doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc cùng chính phủ giải quyết những vấn đề cấp bách như sau:

Thứ nhất, ưu tiên hàng đầu hiện nay là duy trì đà liên kết và phục hồi kinh tế toàn cầu, phát huy vai trò tiên phong trong tự do hóa thương mại và đầu tư, hoàn tất các Mục tiêu Bogor vào năm 2020. Đẩy mạnh hợp tác công - tư trong tăng cường kết nối toàn diện và bao trùm, phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng, kết nối các chuỗi cung ứng, thương mại và đầu tư thế hệ mới.

Thứ hai, APEC cần đẩy mạnh nỗ lực bảo đảm tính bao trùm của phát triển, cần biến “câu chuyện thần kỳ kinh tế” thành “câu chuyện thần kỳ về phát triển bao trùm” của khu vực, đi đầu thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Cộng đồng doanh nghiệp cần phát huy trách nhiệm xã hội, tích cực đóng góp xây dựng các cộng đồng tự cường và bao trùm, góp phần bảo đảm an ninh lương thực - nước - năng lượng, truyền tải tinh thần kinh doanh và khởi nghiệp, tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ, hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tham gia sâu hơn vào thị trường toàn cầu.  

Thứ ba, để hướng tới tương lai chung tốt đẹp hơn, các doanh nghiệp ở khu vực cần tích cực tham gia đóng góp vào tiến trình xây dựng và hiện thực hóa tầm nhìn APEC sau năm 2020 về xây dựng một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng. Với đóng góp và kinh nghiệm thực tiễn của doanh nghiệp, APEC có thể xây dựng tầm nhìn khu vực toàn diện và bao trùm, bảo đảm lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Đây chính là tiền đề cho sự phát triển bền vững của các nền kinh tế và của cộng đồng doanh nghiệp APEC trong tương lai.

 

Toàn cảnh phiên khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), cho biết đây là Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp lớn nhất trong lịch sử APEC, diễn ra ở thời điểm hệ trọng của khu vực. Hội nghị sẽ bàn về toàn cầu hóa và tương lai của các nền kinh tế APEC, bao gồm việc làm và chất lượng nguồn nhân lực, các sáng kiến tăng cường kết nối khu vực…

“Người ta đã đúng khi nói rằng, APEC CEO Summit 2017 là nơi gặp gỡ của những người người khổng lồ, là nơi chụm đầu của những think-tank và là nơi giao hòa của những người kiến tạo tương lai của nền kinh tế thế giới và khu vực”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, thông qua các chuỗi giá trị xuyên quốc gia được thiết lập trong những thập kỷ qua, cộng đồng doanh nghiệp đã làm nên những thay đổi chưa từng có trong lịch sử phát triển của các nền kinh tế APEC, tạo nên động lực chính đưa khu vực APEC trở thành “quán quân” phát triển trong nền kinh tế toàn cầu.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang (phải) và Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

“Để hướng tới mục tiêu phát triển bao trùm cả về kinh tế, xã hội và tài chính, sẽ cần sự chung tay của chính phủ và doanh nghiệp trong việc tạo ra môi trường và bệ đỡ cho sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững trong nền kinh tế toàn cầu”, ông Lộc nói.

Chủ tịch VCCI bày tỏ niềm tin rằng, “cỗ xe tam mã” với 3 động cơ chính: toàn cầu hóa được tích hợp cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và những cải cách thể chế mạnh mẽ trong các nền kinh tế nhằm tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi và minh bạch, thúc đẩy liên kết doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong các chuỗi giá trị toàn cầu để “mọi người cùng thắng”, để “không ai bị bỏ lại phía sau” không chỉ là khát vọng mà sẽ là hiện thực trong kỷ nguyên số của chúng ta và APEC CEO Summit 2017 sẽ đi vào lịch sử như một dấu mốc quan trọng của sự đồng thuận đó.

(từ Đà Nẵng)