Tổ chức tốt các hoạt động của Năm APEC 2017, đặc biệt là Tuần lễ Cấp cao là dịp để Việt Nam một lần nữa khẳng định với bạn bè quốc tế quyết tâm đổi mới đồng bộ, toàn diện, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Để đáp ứng kỳ vọng đó, trong suốt năm qua, Việt Nam đã phối hợp chặt với các nền kinh tế thành viên, đồng thời phát huy vai trò của nước chủ nhà để tạo dựng được những kết quả vững chắc, bảo đảm thành công cho sự kiện quan trọng này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc động viên các chiến sỹ trong Lễ xuất quân và diễn tập bảo vệ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. |
Ba năm kỹ càng và thận trọng
Triển khai chủ trương hội nhập quốc tế toàn diện của Đại hội Đảng lần thứ XI (2011), trong đó có đối ngoại đa phương và đóng góp vào hợp tác của các cơ chế ở khu vực, năm 2013, Việt Nam đã chủ động đề xuất và được các thành viên ủng hộ đăng cai các hoạt động của APEC lần thứ hai vào năm 2017.
Việc một lần nữa đăng cai Năm APEC là đóng góp quan trọng của Việt Nam đối với Diễn đàn nhằm thúc đẩy các quan tâm chung của Diễn đàn trong bối cảnh mới. Năm APEC 2017 còn có ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 20 năm Việt Nam trở thành thành viên APEC (1998 - 2018).
Trong ba năm qua, các bộ, cơ quan và địa phương tham gia chuẩn bị tổ chức Năm APEC 2017 đã tích cực, khẩn trương triển khai đồng bộ các nhóm công tác về: bộ máy - nhân sự, cơ sở vật chất, nội dung, tham vấn các thành viên, đào tạo đội ngũ, truyền thông - văn hóa, lễ tân, an ninh - y tế.
Ủy ban Quốc gia APEC 2017 hoạt động từ tháng 7/2015 do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh làm Chủ tịch; Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao và Thứ trưởng Bộ Công Thương là hai đồng Phó Chủ tịch; và 23 thành viên là Lãnh đạo của các bộ, ngành và địa phương liên quan. Giúp việc cho Ủy ban Quốc gia là Ban Thư ký Quốc gia và năm Tiểu ban về Nội dung, Lễ tân, Vật chất và Hậu cần, An ninh và Y tế và Tuyên truyền và Văn hóa.
Phó Thủ tướng, Bộ Trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh - Chủ tịch UBQG APEC 2017 chỉ đạo Sơ duyệt tại Sân bay Quốc tế Đà Nẵng. (Ảnh:Tuấn Anh) |
Một năm sôi động
Nhìn lại 10 năm trước, năm 2006 - lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức một diễn đàn quốc tế lớn như APEC. Khi đó, APEC mới chỉ có khoảng 50 Ủy ban, nhóm công tác, với các cơ chế hợp tác giữa các nền kinh tế thành viên và chỉ tập trung vào các vấn đề thương mại và đầu tư truyền thống. Đến nay, con số này đã tăng lên 80 ủy ban, nhóm công tác, các mối quan tâm, các vấn đề nảy sinh trong khu vực ngày càng nhiều, đẩy khối lượng công việc tăng theo cấp số nhân.
Bởi thế, nếu APEC 2006, chủ nhà Việt Nam mới chỉ vinh dự tổ chức khoảng trên dưới 100 hội nghị quốc tế, thì năm nay, con số đó là gấp đôi. Số lượng đại biểu của các nền kinh tế thành viên đến dự các hội nghị được tổ chức ở 10 tỉnh/thành trong cả nước suốt thời gian qua là khoảng 9.000 người, cũng tăng gấp đôi so với số lượng đại biểu từ Hội nghị APEC 2006. Những con số cụ thể này là minh chứng rõ ràng nhất về khối lượng công việc mà Việt Nam đã thực hiện so với 11 năm trước đây.
Với tinh thần vì một cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng, chủ đề của Năm APEC 2017 “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” đã được lựa chọn. Nhiều sáng kiến, hoạt động do Việt Nam đề xuất nhằm cụ thể hóa chủ đề của Năm APEC 2017 đã nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng tích cực của các nền kinh tế thành viên. Bởi đó là những nội dung đáp ứng được quan tâm và lợi ích của các nền kinh tế thành viên, phù hợp với xu thế chung trong hợp tác quốc tế, đồng thời cũng phản ánh rõ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong giai đoạn mới.
Đó là những định hướng về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, du lịch bền vững, thương mại điện tử, nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, bảo đảm an ninh lương thực, phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội, dịch vụ, phát triển đô thị ở nông thôn, phụ nữ và kinh tế, an ninh lương thực, khởi nghiệp...
Với vai trò Chủ nhà của Năm APEC 2017, Việt Nam cũng đã thể hiện sự đóng góp tích cực, chủ động của mình cho định hướng tương lai hợp tác đa phương của khu vực với việc tổ chức thành công Đối thoại nhiều bên về tương lai APEC sau năm 2020. Những khuyến nghị của Đối thoại đã đáp ứng kỳ vọng của các thành viên trong bối cảnh việc hoàn tất các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020 bước vào giai đoạn nước rút.
Sự chuẩn bị công phu, chu đáo về cả nội dung, công tác tổ chức và những kết quả đạt được trên các mặt cho đến nay là tiền đề vững chắc để chúng ta bước vào hoạt động quan trọng nhất của Năm APEC 2017 là Tuần lễ Cấp cao, gồm các hoạt động trọng điểm cùng nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương cấp cao: Hội nghị tổng kết của các Quan chức cao cấp, Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp, Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế lần thứ 29, Đối thoại giữa các nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC với các thành viên Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC và Hội nghị các nhà Lãnh đạo Kinh tế lần thứ 25.
Những bước chuẩn bị cuối cùng
Tính đến thời điểm này, những nỗ lực cũng như sự phối hợp ngày càng đồng bộ, hiệu quả giữa các Bộ, ngành, cơ quan của Ủy ban Quốc gia APEC 2017 và đóng góp tích cực của các sở, ban, ngành và nhân dân cả nước đã tạo nên một cú hích mới. Một lần nữa giới thiệu đến bạn bè APEC một Việt Nam đổi mới, năng động, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, một Việt Nam có thiên nhiên tươi đẹp, giàu bản sắc, hiếu khách, cũng như giàu tiềm năng thương mại, đầu tư và du lịch… Các đại biểu thành viên APEC và bạn bè quốc tế đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo và tính chuyên nghiệp trong công tác tổ chức và chủ trì của Việt Nam.
Những ngày này tại Đà Nẵng, để chào đón Lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên cùng khoảng 10.000 đại biểu, doanh nghiệp và các cơ quan truyền thông lớn của khu vực và thế giới đến tham dự các sự kiện, Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã phối hợp tích cực với Ủy ban Quốc gia APEC 2017 hoàn tất việc chỉnh trang đường phố, chuẩn bị tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, triển lãm để giới thiệu tới bạn bè quốc tế về một Việt Nam hòa bình, hữu nghị, phát triển và hội nhập sâu rộng, mà vẫn đậm đà bản sắc dân tộc. Người dân Đà Nẵng, Quảng Nam và cả nước đang háo hức chờ đón sự kiện quan trọng này.
Với ý nghĩa sâu rộng, bao trùm, mang lợi ích tới người dân và doanh nghiệp, Năm APEC 2017 hứa hẹn sẽ tạo động lực mới cho Diễn đàn. Đây cũng là cơ hội lớn để Việt Nam góp phần định hình tương lai không chỉ của APEC mà cả cấu trúc kinh tế khu vực. APEC 2017 một lần nữa khẳng định đối ngoại đa phương là một trong những trụ cột quan trọng của các quốc gia để thúc đẩy lợi ích và đề cao vị thế trong một thế giới toàn cầu hóa sâu rộng.
Sáng 24/10, tại TP. Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ xuất quân và diễn tập phương án bảo vệ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cùng tham dự sự kiện quan trọng này. Báo cáo công tác bảo đảm an ninh trật tự Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, Trưởng Tiểu ban An ninh - Y tế APEC 2017, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam cho biết, từ năm 2016 đến nay, Tiểu ban đã khẩn trương, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với bốn tiểu ban, Ban Thư ký Quốc gia tổ chức tốt công tác bảo đảm an ninh, trật tự các sự kiện APEC 2017, chu đáo, kỹ lưỡng, tỷ mỉ, trọng thị về nội dung, bảo đảm bám sát lộ trình, chương trình, kịch bản và chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia. Đến nay, tất cả các hội nghị của Năm APEC 2017 diễn ra trên tám địa phương trong cả nước đều được bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn, không để xảy ra bất kỳ sự cố nào, dù là nhỏ nhất. Chỉ còn ít ngày nữa, Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 25 sẽ diễn ra tại Đà Nẵng. Tiểu ban An ninh và Y tế đang tiếp tục nỗ lực triển khai tốt trọng trách bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn sự kiện đặc biệt quan trọng, cuối cùng của Năm APEC 2017. Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các lực lượng không để sơ suất nhỏ nào về an ninh, an toàn có thể xảy ra. Lực lượng công an, quân đội triển khai phương án chủ động, rộng khắp, quyết liệt để tội phạm không thể có điều kiện phá hoại, dù bất cứ hành vi nào, thủ đoạn tinh vi nào. |