📞

APEC 2022: Hợp tác thúc đẩy mô hình kinh tế sinh học-tuần hoàn-xanh, nối lại đi lại an toàn, thông suốt trong khu vực

Chu Văn 11:25 | 06/09/2022
Đoàn Việt Nam tham gia và đóng góp tích cực tại Hội nghị SOM 3, APEC và các cuộc họp liên quan, với nhiều đề xuất thúc đẩy hoạt động hợp tác.
Hội nghị lần thứ ba các quan chức cao cấp (SOM 3) Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

Từ ngày 16-31/8, Hội nghị lần thứ ba các quan chức cao cấp (SOM 3) Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và gần 60 cuộc đối thoại, hội nghị của các Ủy ban, Nhóm Công tác liên quan đến nhiều nội dung hợp tác APEC đã diễn ra tại Chiang Mai, Thái Lan.

Đây là một trong những đợt hội nghị quan chức cao cấp quan trọng nhất để chuẩn bị cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2022 diễn ra tại thủ đô Bangkok, Thái Lan vào tháng 11 tới.

Tham dự Hội nghị có các Quan chức cao cấp của 21 nền kinh tế thành viên APEC, Phó Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Chủ tịch Hội đồng Tư vấn kinh doanh (ABAC), Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC và Tổng thư ký Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) và đông đảo các đại biểu đại diện cho 21 nền kinh tế APEC.

Đoàn Việt Nam tham dự hội nghị gồm đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn…

Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và hợp tác APEC đang đứng trước nhiều thách thức, các thành viên nhấn mạnh, APEC cần giữ đà hợp tác, tiếp tục phát huy vai trò là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực, “vườn ươm” các ý tưởng, đóng góp tích cực vào quá trình phục hồi kinh tế, tăng trưởng bền vững và bao trùm.

Các nền kinh tế APEC bày tỏ hoan nghênh kết quả của Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) lần thứ 12 (MC12), nhấn APEC cần nâng cao vai trò góp phần thúc đẩy triển khai gói Geneva. Bên cạnh đó, các thành viên cũng tiếp tục trao đổi về chương trình nghị sự về Hiệp định thương mại tự do khu vực châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP), hướng tới thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực.

Hội nghị đánh giá cao kết quả hoạt động Nhóm đặc trách APEC về di chuyển an toàn trong thời gian qua và nhất trí đẩy mạnh hợp tác về kết nối và nối lại đi lại an toàn và thông suốt trong khu vực thông qua một loạt sáng kiến như xây dựng cổng thông tin thúc đẩy di chuyển an toàn trong khu vực; chia sẻ các thông số kỹ thuật nhằm thúc đẩy công nhận các chứng nhận tiêm vaccine trên cơ sở nguyên tắc không ràng buộc và tự nguyện...

Các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao khả năng cũng như các cơ chế sẵn sàng ứng phó, bảo đảm kết nối khu vực trong trường hợp xuất hiện các dịch bệnh mới trong tương lai.

Đoàn Việt Nam tham dự hội nghị.

Các nền kinh tế bày tỏ ủng hộ cao đối với sáng kiến xuyên suốt của Thái Lan trong năm 2022 về thúc đẩy mô hình kinh tế sinh học-tuần hoàn-xanh (BCG) như một chiến lược tăng trưởng thời kỳ hậu đại dịch Covid-19. Theo đó, khoa học, đổi mới, sáng tạo và công nghiệp được áp dụng nhằm thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, khôi phục các hệ sinh thái và giảm rác thải.

Thông qua thúc đẩy các hoạt động hợp tác về mô hình BCG, đặc biệt là 4 mục tiêu về: ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy thương mại và đầu tư bao trùm, bền vững, bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và quản lý chất thải, Diễn đàn APEC có thể đóng góp vào nỗ lực toàn cầu ứng phó với các thách thức về môi trường vì một hành tinh bền vững.

Đây dự kiến là một trong những nội dung quan trọng sẽ được các Nhà Lãnh đạo và các Bộ trưởng APEC thảo luận tại các Hội nghị sắp tới.

Đoàn Việt Nam đã tham gia và đóng góp tích cực tại Hội nghị SOM 3 và các cuộc họp liên quan, với nhiều đề xuất thúc đẩy hoạt động hợp tác, triển khai hiệu quả Tầm nhìn APEC Putrajaya 2040 cũng như Kế hoạch Hành động Aotearoa và được các thành viên ủng hộ, đánh giá cao.

Các thành viên đánh giá cao và nhất trí thông qua hai sáng kiến do Việt Nam đề xuất về “Thúc đẩy trao quyền năng cho phụ nữ thông qua chính sách về biến đổi khí hậu bao trùm, thích ứng giới” và “Thúc đẩy hợp tác APEC về Y tế biển”.