APEC CEO Summit 2017 là sự kiện có quy mô lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp khu vực với sự tham gia của các nhà lãnh đạo kinh tế APEC, các tổ chức quốc tế và hơn 2.000 doanh nghiệp hàng đầu khu vực và thế giới. Đây cũng là diễn đàn quan trọng để các nhà lãnh đạo, doanh nhân, nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu trao đổi quan điểm, định hướng kinh tế, thương mại đầu tư toàn cầu và khu vực; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng giải pháp nhằm tăng cường hợp tác kinh tế giữa các doanh nghiệp trong APEC và với toàn thế giới.
Xây dựng tầm nhìn toàn diện vào bao trùm
Chủ tịch nước Trần Đại Quang chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tham dự APEC CEO Summit 2017. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Trong bài phát biểu tại APEC CEO Summit, Chủ tịch nước đã điểm lại những thành tựu quan trọng của APEC cũng như những đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp APEC vào sự thịnh vượng chung của khu vực.
“Nhờ những đóng góp mang tính quyết định của cộng đồng doanh nghiệp, từ các doanh nghiệp hàng đầu thế giới đến các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, châu Á - Thái Bình Dương đã trở thành đầu tàu kinh tế năng động, là trung tâm đầu tư, khoa học - công nghệ, đóng góp gần 50% tổng đầu tư, thương mại và gần 60% GDP toàn cầu”, Chủ tịch nước dẫn chứng.
Để APEC tiếp tục là diễn đàn liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, Chủ tịch nước Trần Đại Quang mong muốn cộng đồng doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc cùng chính phủ giải quyết những vấn đề cấp bách: Duy trì đà liên kết và phục hồi kinh tế toàn cầu, phát huy vai trò tiên phong trong tự do hóa thương mại và đầu tư, hoàn tất các Mục tiêu Bogor vào năm 2020; Đẩy mạnh nỗ lực bảo đảm tính bao trùm của phát triển; Tích cực tham gia đóng góp vào tiến trình xây dựng và hiện thực hóa tầm nhìn APEC sau năm 2020 về xây dựng một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng.
Diễn ra từ 8 – 10/11, với 15 phiên thảo luận, APEC CEO Summit 2017 tập trung thảo luận các xu thế mới của toàn cầu hóa, cách mạng khoa học công nghệ, kết nối doanh nghiệp; đối thoại về vai trò doanh nghiệp, chính phủ để đảm bảo người lao động mạnh khỏe, được đào tạo và sẵn sàng đảm nhận các công việc của tương lai. Đồng thời, phát huy sự năng động, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp khai thác các cơ hội mới mở ra trong khu vực, đẩy mạnh hợp tác phát triển kinh tế, hiện thực hóa những tiềm năng về thương mại và đầu tư do APEC mang lại. Trong khuôn khổ sự kiện, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát biểu vào ngày 9/11. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu vào ngày 10/11. |
“Với đóng góp và kinh nghiệm thực tiễn của doanh nghiệp, chúng ta có thể xây dựng tầm nhìn khu vực toàn diện và bao trùm, bảo đảm lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Đây chính là tiền đề cho sự phát triển bền vững của các nền kinh tế và của cộng đồng doanh nghiệp APEC trong tương lai”, Chủ tịch nước khẳng định.
Toàn cầu hóa tiếp tục là động lực tăng trưởng
Trong hơn một tiếng, phiên thảo luận “Tương lai của Toàn cầu hóa” đã được các diễn giả thảo luận sôi nổi với nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, các diễn giả đều thống nhất, dù toàn cầu hóa đang tạo ra nhiều thách thức nhưng đây vẫn là động lực của tăng trưởng và chưa có giải pháp nào tốt hơn thay thế.
Bà Victoria KwaKwa – Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á – Thái Bình Dương cho rằng, nếu né tránh toàn cầu hóa, các nền kinh tế sẽ khó đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế. “Lựa chọn duy nhất là cải tiến để toàn cầu hóa trở nên tốt hơn, củng cố hệ thống thuơng mại toàn cầu dựa trên các luật lệ chung, hoàn thiện chính sách… nhằm đảm bảo tính bao trùm và những tầng lớp yếu thế trong xã hội có cơ hội phát triển”, bà KwaKwa nhấn mạnh.
Toàn cảnh Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2017. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Để toàn cầu hóa có thể tạo thêm nhiều cơ hội cho người dân, ông Ông Robert E.Moritz - Chủ tịch toàn cầu PricewaterhouseCoopers (PwC) khuyến nghị các nền kinh tế cần có chương trình nghị sự mạnh mẽ, mang tính bao trùm, tạo điều kiện nhiều hơn cho doanh nghiệp, thiết lập những khuôn khổ pháp lý phù hợp để mọi người dân đều được hưởng lợi.
Phát biểu khai mạc APEC CEO Summit 2017, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cũng bày tỏ kỳ vọng, toàn cầu hóa được tích hợp cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những cải cách thể chế mạnh mẽ trong các nền kinh tế sẽ tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, thúc đẩy liên kết doanh nghiệp trong các chuỗi giá trị toàn cầu để thông điệp “mọi người cùng thắng”, “không ai bị bỏ lại phía sau” không chỉ là khát vọng mà sẽ là hiện thực trong kỷ nguyên số.
TPP vẫn là lựa chọn tốt
Cuộc khảo sát Lãnh đạo Doanh nghiệp APEC thường niên của Công ty Kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) công bố ngày 8/11 cho thấy, mức độ lạc quan về tăng trưởng doanh thu của các lãnh đạo doanh nghiệp trong 21 nền kinh tế của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) đang ở mức cao nhất trong ba năm. Theo đó, 37% CEO trong khu vực APEC rất lạc quan về tăng trưởng doanh thu trong 12 tháng tới, tăng từ 28% năm 2016 bất chấp những biến động về chính sách thương mại và căng thẳng chính trị ở nhiều nền kinh tế trong khu vực APEC. 71% các doanh nhân dự định tăng đầu tư sẽ phân bổ các khoản tăng này vào các nền kinh tế APEC vào năm 2018 và 63% tổng số các CEO APEC mong muốn mở rộng quy mô hoạt động toàn cầu trong ba năm tới. Những nền kinh tế thu hút đầu tư nội địa lớn nhất là Việt Nam, Nga, Philippines, Indonesia và Malaysia. Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Hoa Kỳ và Thái Lan sẽ là những điểm đến hàng đầu của các lãnh đạo doanh nghiệp APEC khi đầu tư ra quốc tế. |
Trao đổi trước thềm APEC CEO Summit 2017, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc chia sẻ: “Chúng tôi đã thảo luận và có chung ý kiến là kêu gọi các nền kinh tế thành viên Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) thúc đẩy các nỗ lực để sớm đưa TPP có hiệu lực thông qua việc cân nhắc phương án thực thi ngay một phần cam kết về thuế quan, mở cửa thị trường dịch vụ, mở cửa thị trường mua sắm công; các cam kết về thể chế giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh phù hợp với thông lệ và xu hướng chung của thế giới”.
Tại phiên thảo luận về “Tương lai của Toàn cầu hóa”, câu chuyện về tương lai của TPP cũng được các diễn giả đưa ra thảo luận. Theo Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Philipp Roesler, TPP là một ví dụ cho việc các cơ chế đa phương vẫn là lựa chọn tốt trong thời điểm này.
Ông Roesler cho rằng, đây là thời điểm của các cơ chế đa phương như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hay Liên minh châu Ấu (EU). “Nếu sau APEC có một cuộc đàm phán giữa EU – ASEAN để đưa ra một hiệp định thương mại tự do giữa hai bên thì chắc chắn thương mại toàn cầu sẽ được đẩy mạnh”, ông Rosler đề xuất.