Nhóm Công tác về chống tham nhũng và đảm bảo minh bạch APEC. (Nguồn: Apec2015.ph) |
Sự kiện quy tụ các nhà lãnh đạo đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC.
Hiện nay, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tình trạng tham nhũng, hối lộ trong thương mại quốc tế đang ngày một gia tăng cùng với tốc độ phát triển của kinh tế thị trường.
Các quan chức chống tham nhũng cao cấp đến từ các nước thành viên APEC tụ họp tại Lima lần này nhằm mục đích đánh giá sự thay đổi của các điều kiện khiến tình trạng tham nhũng, hối lộ của các cán bộ trong hoạt động giao dịch, kinh doanh qua biên giới ngày một gia tăng, đồng thời đưa ra các biện pháp hợp tác mới để giải quyết thực trạng này.
Phát biểu tại hội nghị, Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao Peru đồng thời cũng là người đứng đầu Nhóm Công tác về chống tham nhũng và đảm bảo minh bạch, ông Pablo Sanchez, nhấn mạnh: “Tham nhũng có thể kìm hãm hoạt động đầu tư trong và ngoài nước, bóp méo tính cạnh tranh và cản trở chức năng đích thực của thị trường, làm tăng phí dịch vụ công và các dự án cơ sở hạ tầng”.
Theo ông Pablo Sanchez, thị trường phát triển với nhiều cơ hội làm ăn mới tạo điều kiện cho sự hội nhập và thịnh vượng kinh tế trong khu vực, nhưng nó cũng là một thách thức đối với hành vi đạo đức của các doanh nghiệp và các cán bộ công chức. Bởi vậy, ông Pablo Sanchez cho rằng các nền kinh tế thành viên APEC nên có các cơ chế pháp lý chặt chẽ và chính sách chống tham nhũng hiệu quả để ngăn chặn hoạt động hối lộ, tham nhũng lách luật.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, mỗi năm, nền kinh tế toàn cầu bị mất khoản chi phí lên đến hơn 2,6 nghìn tỷ USD do tham nhũng, chiếm 5% tổng GDP toàn cầu. Tham nhũng cũng là nguyên nhân khiến chi phí kinh doanh của các doanh nghiệp đội lên hơn 10%. Mặt khác, nó còn gây cản trở đầu tư nước ngoài và trong nước, làm tăng chi phí dịch vụ công cộng và các dự án cơ sở hạ tầng.
Theo báo cáo gần đây của Nhóm Công tác về chống tham nhũng và đảm bảo minh bạch, nhiều nền kinh tế APEC đã đạt được những tiến bộ trong việc giảm tỷ lệ tham nhũng tại môi trường công, nhưng tham nhũng ở môi trường tư nhân và các cơ quan cấp cao của Chính phủ thì lại có xu hướng gia tăng.
“Có rất nhiều thông tin và kinh nghiệm bổ ích có thể giúp các nước xây dựng một hệ thống chống tham nhũng kinh tế giống như APEC đang nỗ lực để thiết lập và triển khai”, ông Sanchez đánh giá.
Tại hội nghị, đại diện các nước thành viên của APEC đã tăng cường trao đổi về chuyên môn, kinh nghiệm và thực tiễn trong cuộc chiến chống tham nhũng. Đặc biệt, nội dung được đưa ra thảo luận nhiều là việc xây dựng nhận thức về các khuôn khổ pháp lý và thủ tục điều tra cũng như các quy định về trách nhiệm pháp lý và thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các quan chức cũng bày tỏ mong muốn APEC sớm triển khai mạng lưới các cơ quan chống tham những và thực thi luật pháp chống tham nhũng APEC (ACT-NET) để đẩy nhanh việc chia sẻ thông tin giữa các nhà chức trách chống tham nhũng và thi hành luật pháp trong khu vực. Dự kiến, cuộc họp đầu mối ACT-NET lần thứ ba sẽ diễn ra tại Lima vào tháng 8 năm nay.