Lê Công Phụng Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao. |
Trả lời phỏng vấn báo TG&VN nguyên Thứ trưởng Lê Công Phụng đã chia sẻ những suy nghĩ của ông về tương lai của APEC cũng như các kinh nghiệm mà Việt Nam có thể rút ra từ lần đăng cai tổ chức APEC cách đây hơn chục năm.
Chuyện thành công
Ông đánh giá như thế nào về ý kiến cho rằng câu chuyện thành công của Việt Nam gắn nhiều với APEC?
Tôi cho rằng APEC là bước tiến dài của Việt Nam trong quá trình hội nhập, thúc đẩy mạnh mẽ các bước đi, các chiến lược và sách lược của chúng ta trong hội nhập về kinh tế, thương mại, du lịch và kể cả lĩnh vực an ninh, chính trị. APEC đã giúp chúng ta đi được rất xa. Sau thành công của Năm APEC 2006 cùng với uy tín ngày càng tăng, quá trình Việt Nam gia nhập WTO đã được đẩy nhanh hơn. Việt Nam cũng đã được các nước tín nhiệm và bầu chọn là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 với số phiếu rất cao. Vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trên trường quốc tế do nhiều yếu tố tạo thành, nhưng một trong những yếu tố đó chính là Việt Nam đã chủ trì thành công APEC 2006.
Ngoài ra, các hoạt động nổi bật trong Năm APEC 2006 đã làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước quan trọng như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật, Australia. Đây là những đối tác chính của chúng ta trong quá trình hội nhập và phát triển của đất nước.
Năm 2006, chúng ta cũng đã mở rộng dư địa, mở rộng bầu trời cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác làm ăn với các doanh nghiệp quốc tế. Nếu không có những gắn kết với APEC, chúng ta vẫn sẽ tìm được con đường để liên kết và hội nhập mạnh mẽ hơn với thế giới, nhưng sẽ có những hạn chế.
Có thể khẳng định, APEC có vai trò rất quan trọng trong thành công của Việt Nam. Nếu ASEAN là cây cầu để Việt Nam đi vào thế giới, là nơi chúng ta tập sự hội nhập, APEC là bước đi mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để thúc đẩy hội nhập của Việt Nam.
Những đóng góp quan trọng nhất của Việt Nam đối với APEC sau gần 20 năm gia nhập Diễn đàn này là gì, thưa ông?
Trong APEC, chúng ta luôn thể hiện là thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm như khi tham gia nhiều tổ chức quốc tế quan trọng khác. Ngoài ra, khi đảm nhiệm vai trò chủ nhà APEC 2006, chúng ta đã nhận thức và đánh giá đúng những điều mà Diễn đàn này đang cần và trao đổi với các thành viên khác để đưa ra bàn thảo tại các hội nghị. Điều Việt Nam làm được, tôi cho rằng đó là các ý tưởng mà chúng ta nêu ra để thúc đẩy sự phát triển của APEC đều được các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên nhất trí thông qua.
Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC trong trang phục áo dài truyền thống của Việt Nam tại Hội nghị APEC 2006 ở thủ đô Hà Nội, ngày 19/11/2006. |
Một là, Hội nghị cấp cao các nhà lãnh đạo APEC lần thứ 14 đã thông qua Tuyên bố Hà Nội, trong đó đề ra phương hướng hợp tác của APEC trên tất cả các lĩnh vực.
Hai là, Hội nghị đã phê chuẩn Kế hoạch hành động Hà Nội nhằm thực hiện Lộ trình Busan hướng đến mục tiêu Bogor. Các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC đánh giá cao ý nghĩa và nội dung bản Kế hoạch Hà Nội - một sáng kiến của Việt Nam, cho rằng đây là cơ sở mang tính định hướng cho các hoạt động hợp tác kinh tế thương mại của APEC trong nhiều năm, góp phần tăng cường và hoàn thiện các cơ chế hợp tác của APEC. Với kết quả này, Việt Nam đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử phát triển của APEC.
Ba là, Hội nghị cũng đã thông qua kế hoạch tổng thể về cải cách APEC với nhiều biện pháp cụ thể nhằm làm cho Diễn đàn này có sức sống ngày càng mạnh mẽ và hoạt động hiệu quả hơn. Thực tế, ý tưởng về cải cách APEC đã được đưa ra 6 năm trước khi APEC 2006 diễn ra, nhưng chưa được thực hiện. Với vai trò chủ nhà, Việt Nam tiếp tục nêu sáng kiến này và được các thành viên hoan nghênh. Đây là kết quả hết sức có ý nghĩa đối với tương lai phát triển của APEC. Chính vì vậy, APEC 2006 tại Việt Nam được đánh giá là APEC bắt đầu sự cải cách.
Sức sống bền lâu
Xu hướng toàn cầu hóa vốn thống trị kinh tế và thương mại thế giới trong nhiều thập kỷ qua có dấu hiệu chững lại, xu hướng bảo hộ đang trỗi dậy. Theo ông, điều này liệu có ảnh hưởng tới sự phát triển và thịnh vượng của APEC trong tương lai?
Đây là những điều gây ra lo ngại đối với nhiều nước. Nhưng với APEC, chúng ta nên nhìn nhận khác. APEC là tổ chức hợp tác kinh tế - thương mại đã "có lông, có cánh" và phát triển tương đối ổn định, dù chúng ta vẫn thấy sự đấu tranh lúc căng lúc dịu giữa các thành viên, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng chính vì sự đấu tranh như vậy mà sức sống để APEC tồn tại không bị giảm sút.
Tôi nghĩ rằng các xu hướng hay sự kiện kể trên tác động chưa nhiều đến APEC, mạnh yếu tùy từng lúc. Lợi ích của Mỹ trong APEC khác với TPP. Nếu Mỹ giảm nhẹ "nồng độ" của mình trong APEC, Trung Quốc sẽ có lợi. Đây không phải là điều mà Mỹ mong muốn. Bởi vậy, Mỹ sẽ tiếp tục khẳng định vai trò của mình tại Diễn đàn. Mặt trận mà cả Mỹ và Trung Quốc đều tham gia và đấu tranh liên tục sẽ còn tồn tại lâu dài. Thực tế đang có nhiều nền kinh tế muốn tham gia APEC.
Ông vừa nói đến sự cạnh tranh quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc trong APEC. Sự cạnh tranh này có khiến chủ nhà gặp khó?
Mỹ và Trung Quốc xưa nay vẫn cạnh tranh quyết liệt. Tôi cho rằng, tại APEC năm nay, hai nước này cũng sẽ găng nhau, không chỉ liên quan đến vấn đề kinh tế - thương mại mà còn về chính trị, quan hệ chiến lược... Tôi nghĩ sẽ có những cuộc gặp nảy lửa ở Việt Nam. Điều này sẽ gây khó cho việc hoàn thành sứ mệnh của chủ nhà. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, với sự khéo léo cùng những kinh nghiệm mà chúng ta có được sau nhiều lần tổ chức các sự kiện mang tầm quốc tế như APEC 2006, tôi tin tưởng chúng ta sẽ tổ chức thành công APEC 2017 với chủ đề rất ý nghĩa mà chúng ta đã lựa chọn: "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung".
Năm kinh nghiệm
Là người tham gia sâu vào quá trình chuẩn bị cũng như tổ chức APEC 2006, xin ông cho biết những kinh nghiệm rút ra đối với Việt Nam sau lần đầu tiên đăng cai tổ chức sự kiện này?
Trước hết, chúng ta phải có đường lối đúng, có cách thức xử lý vấn đề đúng và được các nền kinh tế ủng hộ. Quan trọng nhất là được các nước ủng hộ thì mọi việc sẽ thuận lợi. Chúng ta cần thuyết phục bạn bè ý định của mình từ sớm. Đến lúc "vào trận" rồi, chủ nhà phải vô tư và vì APEC. Chúng ta phải làm sao đưa lợi ích của mình vào một cách hợp lý. Chủ động đưa ra những vấn đề có lợi cho APEC cũng chính là có lợi cho mình.
Hai là, trong quá trình chuẩn bị và tổ chức rất nhiều khó khăn sẽ xảy ra, nhưng nếu nhận biết sớm khó khăn đó là gì và thường xuyên cập nhật những vấn đề nảy sinh, chúng ta sẽ hạn chế được tối đa những tình thế gây khó cho mình.
Ba là, sự phối hợp suôn sẻ giữa các Bộ, ngành. Tuy có phân công, phân cấp nhưng Bộ Ngoại giao phải chịu trách nhiệm chính với cấp trên. Có những vấn đề do Bộ, ngành khác quyết, nhưng Bộ Ngoại giao phải luôn theo thật sát.
Bốn là, về trình độ chuyên môn, trình độ tổ chức. Chúng ta phải đẩy mạnh việc bồi dưỡng, đào tạo, trước hết là cho các địa phương, trong đó có việc truyền tải những thông tin cần thiết cho các đồng chí lãnh đạo địa phương. Ngay cả đội ngũ tình nguyện viên, sĩ quan liên lạc phục vụ trong dịp Tuần lễ cấp cao, chúng ta cũng phải chọn lựa được lực lượng mạnh nhất. Bên cạnh đó, chúng ta cần tranh thủ mọi cơ hội để có thể sang các nền kinh tế để học hỏi kinh nghiệm tổ chức của họ.
Cuối cùng đó là sự nhiệt huyết, quyết tâm cao và trách nhiệm hết mình của những người trong cuộc.
Xin cảm ơn ông!