📞

Apple đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm thiểu rủi ro phụ thuộc

Phạm Bích 20:00 | 27/04/2024
Đa dạng hóa chuỗi cung ứng là chủ đề nổi bật trong ngành công nghệ và Apple là ví dụ điển hình cho cách thức thực hiện chiến lược này một cách hiệu quả.

Một cửa hàng của Apple tại phố đi bộ Nam Kinh, Thượng Hải. (Nguồn: China Daily)

Theo một số nguồn tin, Apple đang mở rộng hoạt động sản xuất tại Trung Quốc, đồng thời hợp tác chặt chẽ hơn với các nhà cung cấp địa phương.

Có nhiều lý do cho việc Apple tiếp tục gắn bó với Trung Quốc. Đầu tiên, quốc gia này sở hữu mạng lưới nhà cung ứng dày đặc và có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất phức tạp của Apple. Thứ hai, chi phí sản xuất tại Trung Quốc vẫn tương đối cạnh tranh so với các quốc gia khác. Thứ ba, thị trường Trung Quốc là một thị trường tiêu thụ lớn đối với các sản phẩm của Apple, và công ty này muốn củng cố vị thế của mình tại đây.

Mở rộng chuỗi cung ứng

Tuy nhiên, Apple cũng đang có một số động thái để giảm thiểu rủi ro phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Công ty này đang đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuyển một số hoạt động sản xuất sang các quốc gia khác như Việt Nam và Ấn Độ. Ngoài ra, Apple cũng đang đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để tự sản xuất nhiều linh kiện quan trọng hơn. Chiến lược này cho thấy nỗ lực của "ông lớn" công nghệ trong việc cân bằng giữa các yếu tố chính trị và kinh doanh.

Theo phân tích của Nikkei Asia dựa trên danh sách nhà cung cấp chính thức mới nhất của Apple năm 2023, số lượng nhà cung cấp có trụ sở tại Trung Quốc và các địa điểm sản xuất tại đây đã tăng lên. Ngược lại, số lượng nhà cung cấp từ Đài Loan, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc lại giảm.

Giám đốc điều hành Apple Tim Cook tham dự lễ khai trương cửa hàng Apple ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 21/3/2024. (Nguồn: Reuters)

Các nhà cung cấp Trung Quốc đã trở thành nhóm nhà cung cấp lớn nhất của Apple kể từ năm 2020 và số lượng của họ tiếp tục gia tăng. Hiện nay, Trung Quốc sở hữu 52 nhà cung cấp cho Apple, cao hơn con số 48 vào năm 2022. Bên cạnh đó, số lượng cơ sở sản xuất tại Trung Quốc (bao gồm cả cơ sở do các công ty trong và ngoài nước sở hữu) cũng đã tăng lên 286.

Phát triển sản xuất sang Đông Nam Á

Mặc dù gia tăng hợp tác với Trung Quốc, Apple cũng đang đẩy nhanh việc chuyển đổi chuỗi cung ứng sang Đông Nam Á trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung. Số lượng nhà cung cấp Apple hoạt động tại Việt Nam đã tăng 40% lên 35 vào năm 2023, trong khi số lượng ở Thái Lan là 24.

Tại Ấn Độ, số lượng nhà cung cấp Apple vẫn giữ nguyên ở mức 14, nhưng tập đoàn Tata nội địa đã lần đầu tiên lọt vào danh sách các nhà cung cấp hàng đầu. Tata cung cấp vỏ iPhone và dự kiến sẽ đóng vai trò lớn hơn trong chuỗi cung ứng sau khi mua lại nhà máy lắp ráp iPhone ở Bangalore từ Wistron của Đài Loan (Trung Quốc).

Liệu còn phụ thuộc Trung Quốc?

Tuy nhiên, việc mở rộng sang Đông Nam Á và Ấn Độ không đồng nghĩa với việc giảm sự phụ thuộc của Apple vào Trung Quốc. Theo các chuyên gia, có khoảng 37% nhà cung cấp tại Việt Nam (tổng cộng 35) đến từ Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc), bao gồm các nhà lắp ráp AirPods Luxshare và Goertek, và nhà lắp ráp iPad BYD. Tất cả các công ty này đều đã mở rộng sản xuất tại Việt Nam để đáp ứng nhu cầu của Apple.

Danh sách nhà cung cấp hàng đầu của Apple năm ngoái cũng ghi nhận sự xuất hiện của một số nhà cung cấp Trung Quốc mới, bao gồm San'an Optoelectronics (chuyên sản xuất đèn LED và gali nitride), Baoji Titanium Industry (nhà cung cấp titan và niken do nhà nước hậu thuẫn) và Jiuquan Iron & Steel (công ty kim loại nhà nước).

Chiến lược của Apple trái ngược với các công ty Mỹ khác như Dell, có mục tiêu loại bỏ tất cả chip và linh kiện do Trung Quốc sản xuất, và HP, đã yêu cầu các nhà cung cấp xây dựng năng lực sản xuất tại Đông Nam Á và Mexico.

Danh sách nhà cung cấp chính thức gần đây nhất của Apple có nhiều nguồn cung ứng từ các công ty Trung Quốc hơn. (Nguồn: Getty Images)

Apple đang gặp khó khi phải cân bằng giữa các lợi ích kinh doanh và các yếu tố chính trị. Một phần đáng kể chuỗi cung ứng của họ nằm ở Trung Quốc, đồng thời thị trường Trung Quốc cũng đóng góp 17% vào tổng doanh thu của công ty trong quý 4/2023.

Giám đốc điều hành Apple Tim Cook, đã thực hiện các chuyến thăm cấp cao đến Trung Quốc và Đông Nam Á trong những tháng gần đây để củng cố mối quan hệ với các nhà cung cấp và chính phủ trong khu vực.

Apple đang thực hiện chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng bằng cách tăng cường hợp tác với các nhà cung cấp ở Trung Quốc, Đông Nam Á và Ấn Độ. Tuy nhiên, công ty vẫn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc và cần duy trì mối quan hệ tốt đẹp với quốc gia này để đảm bảo hoạt động kinh doanh.

(theo Nikkei Asia)