Hàng tồn kho của iPhone, đặc biệt là mẫu iPhone 11 đang ở mức thấp, điều đó có nghĩa là Apple phải nhanh chóng tăng tốc sản xuất mẫu iPhone 11. Tuy nhiên, dịch bệnh do virus corona gây ra đang ngăn cản điều đó. (Nguồn: Getty Images) |
Công nhân bị “mắc kẹt” tại quê nhà
Lệnh phong tỏa một số thành phố, lệnh hạn chế di chuyển cùng lệnh kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tại Trung Quốc đã khiến hàng chục ngàn công nhân, nhân viên của Apple đang bị “mắc kẹt” ở quê nhà.
Giám đốc điều hành chuỗi cung ứng iPhone cho biết, hãng đang phải đối mặt với “nỗi đau”. "Vấn đề sắp xảy ra không phải là liệu hãng có thể tuyển dụng lao động hay không, mà là liệu những công nhân đang làm việc tại hãng có thể rời khỏi thị trấn của họ để quay trở lại làm việc hay không. Chúng tôi không có đủ công nhân tại thời điểm này", Giám đốc điều hành chuỗi cung ứng iPhone nói.
Trước đó, “gã khổng lồ” công nghệ Apple đã lên kế hoạch sản xuất tới 80 triệu iPhone trong nửa đầu năm 2020. Trang Nikkei Asian Review cho rằng, sự thiếu hụt lao động có thể cản trở các kế hoạch tăng cường sản xuất iPhone, ít nhất là trong quý I/2020.
Nhân sự không phải là vấn đề duy nhất
Bên cạnh vấn đề nhân sự, các nhà cung cấp phải đối mặt với một vấn đề lớn hơn, đó là làm thế nào để công nhân, nhân viên của họ “miễn nhiễm” với dịch bệnh do virus corona gây ra.
Theo một số chuyên gia, việc lắp ráp điện tử cần rất nhiều lao động. Hiện tại gần như toàn bộ iPhone của Apple đều được lắp ráp bởi hai nhà sản xuất là: Foxconn và Pegatron. Công ty Foxconn có khoảng 430.000 công nhân. Với hàng chục ngàn nhân viên sống và làm việc cùng nhau tại các nhà máy rộng lớn, việc ngăn chặn sự bùng phát của virus corona chủng mới là một thách thức lớn.
Đại diện công ty Foxconn cho biết, họ có kế hoạch tiếp tục hoạt động vào ngày 10/2 và có các biện pháp nhằm đảm bảo rằng, công ty có thể tiếp tục các hoạt động sản xuất như bình thường.
"Năm 2003, Foxconn đã đứng vững trước đại dịch SARS, vì vậy, Foxconn hiểu rất rõ về cách chăm sóc sức khỏe của nhân viên và cách phân bổ nguồn lực trong các bộ phận sản xuất", đại diện công ty Foxconn nói với Nikkei Asian Review.
Còn đại diện công ty Pegatron cho rằng, việc duy trì sức khỏe của nhân viên là ưu tiên hàng đầu và họ đã thiết lập một "kênh liên lạc trực tiếp" với chính quyền địa phương để tuân thủ các quy định. Bên cạnh đó, công ty này cũng đã tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh để đảm bảo môi trường làm việc an toàn.
Một nhà cung cấp linh kiện cho hãng Apple và Huawei có các cơ sở sản xuất tại Trung Quốc cho rằng, khi có một nhân viên bị nhiễm virus corona chủng mới, toàn bộ nhà máy sẽ phải tạm dừng hoạt động để tiến hành khử trùng. Điều đó có thể gây ra sự không chắc chắn và rủi ro lớn cho hoạt động sản xuất. Hơn thế, ban quản lý rất khó quyết định có nên tiếp tục để công nhân của họ làm việc trong các nhà máy đã có người nhiễm virus corona hay không.
"Chúng tôi có thể thực sự tiếp tục công việc vào ngày 10/2 hay không vẫn là một dấu hỏi lớn. Dường như sự gia tăng của các trường hợp nhiễm virus corona vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại. Ngay cả khi bắt đầu hoạt động sản xuất sau kỳ nghỉ Tết, chúng tôi vẫn không đủ tự tin để ngăn chặn dịch bệnh", một nhà cung cấp cho Apple bày tỏ sự hoang mang.
Tác động từ virus corona đối với ngành công nghiệp công nghệ toàn cầu có thể ngày càng nghiêm trọng. (Nguồn: Shutterstock) |
Nỗi lo chung của ngành công nghệ
Không chỉ Apple, các công ty công nghệ nhỏ hơn cũng lo lắng về sự gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài. Một số chuyên gia cho rằng, việc các nhà sản xuất linh kiện không trở lại làm việc sau ngày 10/2 có thể trở thành một vấn đề lớn cho toàn bộ chuỗi cung ứng. Nhiều thành phần chính, bao gồm bảng mạch in, linh kiện thụ động, vỏ và bao bì giấy vẫn chủ yếu được sản xuất ở Trung Quốc. Thiếu hụt nguyên liệu chính có thể gây ra sự gián đoạn lớn trong ngành công nghiệp điện tử.
Nhà kinh tế trưởng của UBS Trung Quốc Wang Tao cảnh báo, quyết định hoạt động trở lại của các nhà máy sẽ liên quan chặt chẽ với tiến trình chống lại sự bùng phát của virus corona.
"Ngay cả khi các nhà máy quay lại hoạt động, họ có thể sẽ không làm việc hết công suất vì lo sợ rủi ro. Dịch bệnh cũng đã khiến các công nhân tại các nhà máy Trung Quốc, những người đến từ nông thôn và chỉ về thăm gia đình vào dịp Tết Nguyên đán, có một lý do chính đáng để trì hoãn sự trở lại thành phố làm việc. Tất cả các yếu tố này đã dẫn đến sự gián đoạn lớn trong hoạt động sản xuất của các nhà máy”, ông Wang Tao nói.
Công ty Pix Moving có trụ sở tại Thâm Quyến cũng phải đối mặt với những thách thức tương tự như Apple, Foxconn, Pegatron và những “gã khổng lồ” công nghệ khác. CEO của Pix Moving Angelo Yu cho rằng, một số nhân viên của ông đã bị “mắc kẹt” ở quê nhà do lệnh hạn chế đi lại, một số người khác thì từ chối rời khỏi nhà vì không mua được khẩu trang và cảm thấy không an toàn khi ra ngoài mà không được bảo vệ đúng cách.
Theo các nhà phân tích, tình trạng thiếu lao động và các vấn đề khác do virus corona chủng mới gây ra chắc chắn sẽ tấn công ngành công nghệ, ngành được đặt kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ vào năm 2020. Theo một ước tính từ công ty Yuanta Investment Consulting, virus corona chủng mới lây lan từ “tâm dịch” Vũ Hán sẽ kéo doanh số điện thoại thông minh trong cả năm xuống 5% - 10% trong quý I/2020.
Một tư vấn viên của công ty này cũng cho biết, kế hoạch ra mắt các mẫu điện thoại thông minh vào quý II/2020 cũng có thể phải thay đổi. Sự bùng phát của chủng virus này chắc chắn sẽ thúc đẩy nhiều công ty công nghệ tìm kiếm các nguồn cung đa dạng bên ngoài Trung Quốc.