Ý tưởng thành lập ARAC bắt nguồn từ Hội nghị Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN diễn ra vào năm 2014 tại Hà Nội (Việt Nam), nơi các quốc gia thành viên cam kết phối hợp, tăng cường các hệ thống kiểm soát thực phẩm quốc gia nhằm bảo đảm an toàn, chất lượng thực phẩm trong cộng đồng ASEAN.
Các thành viên ASEAN đều nhận định rằng việc đánh giá rủi ro là một công cụ quan trọng, bước khởi đầu trong việc nghiên cứu khoa học và phát triển các biện pháp an toàn thực phẩm dựa trên thực tiễn. Theo Bộ trưởng Y tế Malaysia Subramaniam, trung tâm ARAC sẽ giúp thúc đẩy các chương trình hợp tác y tế trong khu vực như: tiến hành đánh giá rủi ro an toàn thực phẩm, tăng cường năng lực ứng phó của các quốc gia thành viên ASEAN và tạo điều kiện chia sẻ thông tin và kinh nghiệm bảo đảm an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, ARAC cũng sẽ thu thập và lưu giữ một cơ sở dữ liệu về tiêu thụ thực phẩm và các dữ liệu khác liên quan đến rủi ro an toàn thực phẩm.
Lễ khánh thành Trung tâm đánh giá nguy cơ ASEAN về an toàn thực phẩm tại thành phố Putrajaya, Malaysia, ngày 22/3. (Nguồn: Bangkok Post) |
“Quan trọng nhất là các quốc gia đều có thể hợp tác với nhau. Ví dụ, nếu Thái Lan thông báo có vấn đề về an toàn thực phẩm và cần sự giúp đỡ, ARAC ngay lập tức sẽ giúp Thái Lan triển khai đối phó một cách bài bản”, ông Subramaniam nhấn mạnh.
Đặc biệt, ARAC đang triển khai hợp tác với EU nhằm mục tiêu nâng cao tiêu chuẩn cho ngành công nghiệp an toàn thực phẩm trong ASEAN. Qua đó, các chuyên gia và giới khoa học ở ASEAN có cơ hội hợp tác để tìm ra một tiêu chuẩn đánh giá an toàn thực phẩm chung. Điều này đặc biệt quan trọng bởi mỗi thành viên ASEAN không sản xuất thực phẩm chỉ tiêu thụ trong nội địa mà còn để xuất khẩu.
“Khi xuất khẩu thực phẩm, Malaysia, Thái Lan hay Việt Nam chắc chắn đều kỳ vọng sản phẩm của mình sẽ đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Và chúng tôi có nhiệm vụ đưa ra những tiêu chuẩn để họ đáp ứng”, ông Subramaniam giải thích.
Trước mắt, ARAC tập trung thiết lập bộ tiêu chuẩn chung và hệ thống kiểm định chất lượng được công nhận quốc tế. Mặc dù khá khó khăn để thực hiện vì mỗi quốc gia ASEAN đều có trình độ phát triển riêng, nhưng nếu làm được điều này thì sẽ rất có lợi cho phát triển kinh tế khu vực. Bởi chỉ cần được ARAC chứng nhận, sản phẩm đó có thể xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới mà không cần phải lo lắng về việc đáp ứng từng tiêu chuẩn khác nhau của mỗi quốc gia.
Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh, một trong những người góp phần cho sự ra đời của ARAC nhận định, trung tâm chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho khu vực trong bối cảnh Cộng đồng ASEAN (AC) mới hình thành.
Rõ ràng, an toàn thực phẩm không chỉ là vấn đề của riêng quốc gia nào mà đã trở thành một trong những thách thức quốc tế lớn hiện nay. Sự thành lập ARAC hứa hẹn sẽ là một cơ sở quan trọng để các quốc gia thành viên phối hợp đối phó với rủi ro an toàn thực phẩm. Đồng thời, nó cũng là lời cam kết mạnh mẽ của khu vực, góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm và nâng cao chất lượng đời sống cho công dân ASEAN.