Khủng long Guemesia ochoai có cánh tay đặc biệt ngắn. |
Một nghiên cứu mới của các nhà cổ sinh vật học ở Argentina đã phát hiện một hộp sọ khủng long khác thường thuộc về một loài động vật ăn thịt "không tay" sống cách đây khoảng 70 triệu năm.
Loài mới được tìm thấy - được đặt tên là Guemesia ochoai, là một thành viên của Họ Abelisauridae, một nhóm khủng long ăn thịt lang thang ở khu vực ngày nay là Nam Mỹ, thời bấy giờ là châu Phi và Ấn Độ.
Tuy nhiên, G. ochoai khác với những con khủng long khác trong cùng giống loài của nó ở hai điểm chính, đó là thiếu đi chiếc sừng gắn trên đỉnh đầu, và phân bổ ở những khu vực khác.
Điều này cho thấy các nhóm khủng long này có thể sống trong các hệ sinh thái khác nhau.
G. ochoai cũng có cánh tay đặc biệt ngắn, gần như vô dụng trong việc săn mồi, cũng như làm bất kỳ điều gì khác. Điều này làm các nhà khảo cổ nhớ lại loài khủng long bạo chúa (Tyrannosaurus rex) với cánh tay ngắn một cách đáng kinh ngạc so với tầm vóc của nó.
Với những cánh tay nhỏ bé như vậy, Abelisaurids phải hạ gục con mồi gần như hoàn toàn bằng hộp sọ và bộ hàm đáng sợ của chúng.
Theo mô tả ban đầu của các nhà nghiên cứu, loài khủng long G. ochoai có thể lao thẳng về phía con mồi, dùng cái đầu của nó như một vũ khí để tạo ra va chạm mạnh, khiến con vật choáng váng.
Để thích nghi với đặc điểm săn mồi này, bộ não của G. ochoai có kích thước khá nhỏ so với hộp sọ lớn, và có các hàng lỗ nhỏ ở phía trước, nhằm giúp chúng hạ nhiệt khi cần thiết.
Việc phát hiện G. ochoai và các loài cổ sinh khác thường, chẳng hạn như một con rùa khổng lồ với chiều dài mai 1 mét ở khu vực phía Bắc Argentina cho thấy những nét độc đáo của thời đại cổ sinh cuối kỷ Phấn trắng.