📞

ASEAN - Ấn Độ: Đã đến lúc tận dụng quan hệ đối tác phát triển

07:08 | 07/10/2017
Trong bối cảnh quan hệ đối tác ASEAN - Ấn Độ đang phát triển tốt đẹp, việc thực hiện hiệu quả những kế hoạch và thỏa thuận giữa hai bên cần được coi là những ưu tiên hàng đầu. 

Đó là nhận định của Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành trong bài viết đăng tải trên tạp chí Diplomatist, Ấn Độ vừa qua. Báo TG&VN xin lược dịch bài viết.

Trong nửa thập kỷ qua, ASEAN đã phát triển trở thành một tổ chức khu vực với 10 quốc gia thành viên, hoạt động trên nền tảng của Hiến chương ASEAN. Hiệp hội đã mang lại lợi ích cho không chỉ các thành viên mà cả những công dân của mình. Việc thành lập Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12/2015 với ba trụ cột là Chính trị - an ninh, Kinh tế và Văn hóa – xã hội là bước đột phá giúp ASEAN vững vàng bước vào một giai đoạn mới. Trong bối cảnh có những diễn biến phức tạp tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ASEAN luôn nỗ lực tăng cường vai trò trung tâm của mình trong khu vực và thể hiện vai trò của mình trong kết nối cũng như thúc đẩy hợp tác khu vực.

Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành. (Ảnh: H.H)

Chính sách của ASEAN là thúc đẩy quan hệ đối tác với tất cả các nước lớn trên thế giới. ASEAN coi trọng quan hệ Đối tác Đối thoại với Ấn Độ, một trong những quốc gia đang có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất và là thành viên tích cực trong việc gìn giữ hòa bình, ổn định của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Sự gắn kết giữa Ấn Độ và ASEAN được xây dựng dựa trên một nền tảng vững chắc với những liên kết gần gũi về văn hóa, lịch sử và con người. Những lợi ích chung đã thúc đẩy ASEAN và Ấn Độ thành lập quan hệ Đối tác Lĩnh vực, quan hệ này đã được nâng cấp thành quan hệ Đối tác Đối thoại đầy đủ vào năm 1995.

ASEAN coi Ấn Độ là một đối tác tin cậy trong khu vực, trong khi đó, Ấn Độ coi ASEAN là một trụ cột chính của chính sách Hành động Hướng đông. Quan hệ giữa hai bên khá cởi mở trước mọi vấn đề, Ấn Độ luôn ủng hộ vai trò trung tâm và dẫn dắt của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.

Hợp tác đa phương

Trong vòng 25 năm qua, quan hệ giữa hai bên đã mở rộng ra nhiều lĩnh vực hợp tác bao gồm chính trị, kinh tế, thương mại và an ninh. Hiện tại có 30 cơ chế hợp tác giữa hai bên. Theo Ban Thư ký ASEAN, 21/26 ưu tiên, khoảng 80% Kế hoạch hành động ASEAN - Ấn Độ trong giai đoạn 2016-2018 đang được thực hiện.

Hợp tác chính trị an ninh là một trụ cột chính của quan hệ hai bên khi cả ASEAN và Ấn Độ đang tham gia tích cực vào các khuôn khổ Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) và Hợp tác Mekong – Sông Hằng (MGC). Những nỗ lực này đã đóng góp quan trọng cho sự ổn định và phát triển của khu vực. Dòng đầu tư đang tăng nhanh, ASEAN đánh giá cao việc Chính phủ Ấn Độ thành lập Quỹ phát triển dự án lên tới 75 triệu USD để hỗ trợ đầu tư Ấn Độ trong các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam), đặc biệt là trong lĩnh vực dệt may.

Trong lĩnh vực kết nối, hỗ trợ của Ấn Độ trong việc thực hiện Kế hoạch Tổng thể về kết nối toàn bộ khu vực ASEAN (MPAC), đặc biệt việc Chính phủ Ấn Độ đề xuất khoản tín dụng 1 tỷ USD để cải thiện kết nối số và vật lý giữa Ấn Độ và ASEAN, sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế và thu hẹp khoảng cách phát triển trong khuôn khổ các nước thành viên Hiệp hội. Bên cạnh đó, việc tăng Quỹ phát triển Công nghệ và Khoa học ASEAN - Ấn Độ của Chính phủ Ấn Độ từ 1 triệu USD lên 5 triệu USD đã thúc đẩy tích cực các dự án phát triển tập trung vào sáng kiến trong công nghiệp, đào tạo, các khóa học ngắn hạn cũng như các hoạt động khác cho các nhà nghiên cứu và sinh viên ASEAN.

Các đại biểu tham dự cuộc họp Quan chức Cao cấp (SOM) ASEAN - Ấn Độ lần thứ 19.

Vì Ngôi nhà chung ASEAN

Ngày 28/7/1995 đánh dấu một dấu mốc hội nhập quan trọng của Việt Nam khi trở thành thành viên chính thức thứ 7 của ASEAN, một trong những tổ chức khu vực năng động nhất trên thế giới hiện nay. Trong 22 năm qua, Việt Nam đã có những nỗ lực to lớn trong việc cùng các thành viên khác xây dựng và phát triển ngôi nhà chung ASEAN. Việt Nam cũng đóng góp tích cực vào phát triển chính sách, định hướng hợp tác và những quyết định chính của Hiệp hội.

Ngoài nỗ lực tăng cường hợp tác trong nội khối, Việt nam đã thúc đẩy việc mở rộng quan hệ giữa Hiệp hội với các đối tác bên ngoài thông qua những diễn đàn đa dạng và các cơ chế như ASEAN + 1, ASEAN + 3, EAS, ARF, ADMM+.

Với Việt Nam, ASEAN là ưu tiên chính trong chính sách đối ngoại. ASEAN trở thành cầu nối giữa Việt Nam với thế giới rộng hớn hơn, trong đó có Ấn Độ. Tương tự, đối với Ấn Độ, quan hệ với ASEAN là một trong những trọng tâm của chính sách đối ngoại và là cây cầu để Ấn Độ hội nhập sâu hơn với các thành viên châu Á khác.

Làm sâu sắc Đối tác Chiến lược

Để làm cho quan hệ Đối tác Chiến lược ngày càng mạnh mẽ hơn, đã đến lúc cần tăng cường kim ngạch thương mại và đầu tư giữa ASEAN và Ấn Độ, vốn tương đối thấp so với các đối tác đối thoại khác. Song song với việc thực hiện các thỏa thuận thương mại, các biện pháp khác nên được thực hiện để đạt được mục tiêu 200 tỷ USD trong thương mại giữa ASEAN và Ấn Độ năm 2025.

Để tăng cường hơn nữa du lịch và giao lưu nhân dân giữa ASEAN và Ấn Độ, thúc đẩy kết nối nên là một ưu tiên chiến lược. Hợp tác trong các lĩnh vực khác như khoa học công nghệ, sinh học, nguyên liệu mới, bảo vệ môi trường và giáo dục cũng quan trọng.

Bằng việc cùng với ASEAN đề cao vai trò của luật quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, ngoại giao và các tiến trình pháp lý trong khu vực, Ấn Độ có thể đóng một vai trò xây dựng trong việc duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực Đông Nam Á. Hai bên làm việc chặt chẽ để tạo ra một cấu trúc khu vực mở, bao trùm và dựa trên luật pháp ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho Hiệp hội mà còn cả Ấn Độ, quốc gia có mối liên kết chặt chẽ với Đông Nam Á thông qua đường biển giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Tiềm năng hợp tác giữa hai phía là rất lớn. Cả hai phía phải làm việc với nhau và tận dụng tối đa những cơ hội hiện có nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược. Việt Nam, với vai trò là nước điều phối đối thoại ASEAN - Ấn Độ giai đoạn 2015-2018, đang nỗ lực hết mình để tạo thuận lợi cho quan hệ đối tác ngày càng gần gũi giữa Ấn Độ và ASEAN.

(theo Tạp chí Diplomatist)