📞

ASEAN cần khôi phục niềm tin vào toàn cầu hóa?

10:07 | 01/11/2017
“Diễn đàn Đông Á” số mới ra có bài viết cho rằng câu chuyện thành công của nền kinh tế Đông Á là về mối liên hệ giữa thương mại và công nghiệp hóa - nhìn vào trường hợp của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, và Singapore...

Công nghiệp hóa định hướng thương mại đã đẩy hội nhập kinh tế khu vực thông qua thương mại và đầu tư - và hội nhập vào nền kinh tế thế giới có thể được thực hiện bởi tăng trưởng kinh tế toàn cầu thuận lợi và một nền kinh tế toàn cầu tương đối mở.

Thật không may, thuận lợi này giờ đã kết thúc. Nhiều nhà kinh tế đang bắt đầu bàn về một nền kinh tế toàn cầu “bình thường mới” với tăng trưởng thương mại chậm hơn. Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu), uy lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump và quan điểm chống nhập cư, tất cả đều nhằm chống toàn cầu hóa.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 hồi tháng 3 vừa qua tại Đức, thậm chí các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương đều ủng hộ rút khỏi thỏa thuận hỗ trợ đầu tư và thương mại tự do. 

Ảnh minh họa. (Nguồn: Fintech News)

Còn quá sớm để kết luận rằng thế giới đã chấp nhận hoàn toàn chủ nghĩa bảo hộ, nhưng các điều kiện để tự do hóa thương mại và đàm phán các hiệp định thương mại là khó khăn hơn so với trước đây. Phục hồi kinh tế Mỹ và một số nước châu Âu vẫn còn mong manh, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc mặc dù mạnh mẽ cũng đang tàn dần. Đứng trước bối cảnh “bình thường mới” này, các nước ASEAN có thể làm gì để đối phó và giảm thiểu tác động của nó? Hợp tác khu vực đóng vai trò như thế nào để giải quyết những thách thức đang nổi lên trong môi trường thương mại và đầu tư toàn cầu? 

Tăng trưởng kinh tế chậm lại sẽ ảnh hưởng đến tạo việc làm, và các quốc gia ASEAN không thể để tăng trưởng kinh tế chậm lại - tạo thêm nhiều việc làm là rất cần thiết để giành chiến thắng trong cuộc chiến giảm nghèo.

ASEAN và Đông Á phải tiếp tục khuyến khích tăng trưởng kinh tế để nâng cao phúc lợi kinh tế xã hội của người dân. Việc tiếp tục thúc đẩy cải cách cơ cấu cũng rất quan trọng, nhưng nói dễ hơn là làm. Cách khả thi hơn là sự kết hợp của cải cách cơ cấu và sự phục hồi của hợp tác khu vực.

ASEAN cần sớm hành động để bảo vệ trật tự kinh tế. (Nguồn: GM Heritage Center)

Việc theo đuổi sự cởi mở thông qua hội nhập kinh tế khu vực sẽ không hề dễ dàng. Xu hướng đảo ngược toàn cầu hóa chứng minh rằng mô hình ban đầu của toàn cầu hóa - nhanh chóng làm giảm các rào cản đối với thương mại hàng hóa và dịch vụ thương mại - không có sự ủng hộ chính trị mạnh mẽ. Rõ ràng, cải cách kinh tế và tự do hóa thương mại bây giờ cần phải được đi kèm bởi các chính sách đảm bảo rằng “những người thua” sẽ được đền bù một cách hiệu quả.

Khôi phục niềm tin vào toàn cầu hóa hiện nay là một mục tiêu chính. Điều này có thể được thực hiện bằng cách nêu bật những câu chuyện thành công của toàn cầu hóa và tác động trực tiếp, tích cực của nó đối với đời sống của người dân. 

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) bây giờ có thể phát huy tác dụng. Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) thực tế đã “chết” sau khi Mỹ rút khỏi hiệp định này. RCEP là cách duy nhất để thúc đẩy hội nhập khu vực vì nó sẽ cung cấp một khuôn khổ thông qua đó để thúc đẩy chủ nghĩa khu vực mở và một nền kinh tế quốc tế mở. RCEP là một sáng kiến quan trọng của ASEAN được khởi xướng năm 2011 khi Indonesia là chủ tịch ASEAN, chứ không phải là sáng kiến của Trung Quốc.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và sự ủng hộ toàn cầu hóa bị xói mòn, các quốc gia ASEAN cần phải hành động ngay lập tức để bảo vệ trật tự kinh tế từng giúp Đông Á phát triển một cách phi thường. 

(theo TTXVN)