📞

ASEAN - Canada hướng đến xây dựng FTA

15:10 | 27/03/2019
Canada hiện đang là đối tác thương mại lớn thứ 9 của ASEAN với tổng kim ngạch thương mại năm 2017 đạt 13,8 tỷ USD và là nhà đầu tư lớn thứ 8 vào ASEAN với tổng mức đầu tư 954 triệu USD năm 2017. Hai bên khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác đồng đều trên cả 3 trụ cột, trong đó có thương mại - đầu tư, kết nối, phát triển doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSMEs),…

Trong hai ngày 25-26/3 tại Thủ đô Ottawa của Canada, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Đối thoại ASEAN - Canada lần thứ 16.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Đối thoại ASEAN - Canada lần thứ 16.

Đây là Cuộc họp thường niên cấp Thứ trưởng Ngoại giao trong khuôn khổ Đối thoại ASEAN - Canada nhằm kiểm điểm tình hình và thảo luận các biện pháp thúc đẩy quan hệ đối tác tăng cường giữa hai bên, đồng thời trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

ASEAN và Canada chia sẻ đánh giá tích cực về những tiến triển đạt được trong quan hệ ASEAN - Canada, nhất là việc thực hiện Kế hoạch hành động triển khai Tuyên bố chung về Quan hệ đối tác tăng cường ASEAN - Canada giai đoạn 2016-2020 và Tuyên bố chung ASEAN - Canada về Thương mại và Đầu tư. Đến nay đã có 86% các dòng hành động trong Kế hoạch hành động được hoàn tất triển khai. Canada hiện đang là đối tác thương mại lớn thứ 9 của ASEAN với tổng kim ngạch thương mại năm 2017 đạt 13,8 tỷ USD và là nhà đầu tư lớn thứ 8 vào ASEAN với tổng mức đầu tư 954 triệu USD năm 2017.

Hai bên khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác đồng đều trên cả 3 trụ cột, tập trung vào các lĩnh vực như chống khủng bố, bạo lực cực đoan và tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, quản lý biên giới, thương mại - đầu tư, kết nối, phát triển doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSMEs), ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu, năng lượng, giáo dục và cấp học bổng, giao lưu nhân dân, lao động di cư,… Hai bên nhất trí ủng hộ hệ thống thương mại đa phương quốc tế rộng mở, công bằng, dựa trên luật lệ; tiếp tục thảo luận về khả năng xây dựng FTA ASEAN - Canada.

Canada đánh giá cao vai trò ngày càng quan trọng của ASEAN, nhấn mạnh Canada là đối tác tin cậy, lâu đời của ASEAN, luôn coi trọng và mong muốn nâng cấp quan hệ với ASEAN; tiếp tục cam kết hỗ trợ ASEAN đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng; ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực; tiếp tục bày tỏ mong muốn được tham gia sâu hơn vào các cơ chế hợp tác do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt, đặc biệt mong muốn sớm được tham gia vào Cấp cao Đông Á (EAS) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+).

ASEAN đánh giá cao cam kết của Canada đối với khu vực; mong muốn Canada tiếp tục hỗ trợ ASEAN đẩy mạnh liên kết, triển khai Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC) 2025, hỗ trợ thu hẹp khoảng cách phát triển, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; phát huy vai trò trong cấu trúc khu vực đang định hình; tích cực phối hợp hiệu quả tại các cơ chế như ASEAN - Canada, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và trên các diễn đàn khu vực và quốc tế, ứng phó hiệu quả với các thách thức đang nổi lên.

Các quan chức cấpo cao ASEAN - Canada.

Về tình hình khu vực và quốc tế, Hội nghị đã trao đổi về triển vọng phát triển kinh tế toàn cầu và những thách thức đang nổi lên ở khu vực như khủng bố, bạo lực cực đoan, tội phạm xuyên quốc gia, biến đổi khí hậu, thiên tai. Hai bên cũng chia sẻ nhận định về tình hình bán đảo Triều Tiên, chia sẻ lo ngại về những diễn biến trên thực địa tại Biển Đông, nhất là các hoạt động quân sự hoá ngày càng gia tăng, dẫn đến leo thang căng thẳng và mất ổn định tại khu vực.

Canada ủng hộ lập trường nguyên tắc của ASEAN về tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, nhấn mạnh ủng hộ đối thoại và xây dựng lòng tin, kiềm chế, không quân sự hoá, phản đối các hành động đơn phương gây căng thẳng tại Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, nghiêm túc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử giữa các Bên ở Biển Đông (DOC) và tích cực xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả.