Quan hệ giữa ASEAN và Mỹ được dự báo sẽ trở nên nồng ấm hơn dưới thời ông Joe Biden. (Nguồn: Nikkei Asia) |
Trong tuyên bố ngày 21/1 của Brunei, nước đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2021, các bộ trưởng ngoại giao trong khu vực khẳng định: "Chúng tôi mong muốn được làm việc với chính quyền mới để tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược giữa ASEAN và Mỹ vì hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng của khu vực này”.
Cùng ngày, các Bộ trưởng ASEAN đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến. Đây cũng là cuộc họp quan trọng đầu tiên của khối này trong năm nay.
Chính sách ngoại giao cân bằng
ASEAN đang tiến hành chính sách ngoại giao cân bằng với Mỹ và Trung Quốc, đặt nhiều kỳ vọng vào sự can dự của Mỹ vào khu vực sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hầu như không quan tâm đến khối.
Thậm chí, ông Donald Trump còn không tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á - hội nghị thường niên quan trọng có sự tham gia của 18 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương do ASEAN đăng cai- trong 4 năm liên tiếp.
Tuyên bố ngày 21/1 của Brunei nhấn mạnh, các Bộ trưởng ASEAN "mong chờ cuộc gặp tiếp theo giữa các nhà lãnh đạo ASEAN và Mỹ", đồng thời bày tỏ hy vọng Tổng thống Biden sẽ tham dự các hội nghị liên quan đến ASEAN.
Tuyên bố có đoạn: "Chúng tôi mong đợi hơn nữa sự hợp tác giữa chúng ta (ASEAN và Mỹ) trong việc thúc đẩy và tăng cường chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế, để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu và giảm thiểu tác động của dịch Covid-19”.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm cách tăng cường quan hệ với các quốc gia ASEAN. Vào đầu tháng này, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đến thăm Myanmar, Indonesia, Brunei và Philippines. Trước đó, vào tháng 10 năm ngoái, ông đã đến thăm một số nước ASEAN khác, trong đó có Malaysia và Thái Lan.
Phát biểu tại cuộc họp báo trước chuyến đi của Bộ trưởng Vương Nghị đầu tháng này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói: "Trung Quốc sẽ hợp tác với các nước ASEAN và có những đóng góp lớn hơn trong việc duy trì chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy thương mại tự do và bảo vệ sự ổn định của khu vực".
Trong suốt các chuyến công du này, Trung Quốc đã quảng bá vaccine phòng dịch Covid-19 do nước này phát triển và vì vậy, các chuyến công du này được nhiều người gọi là “ngoại giao vaccine”.
Tại Philippines, Bộ trưởng Vương Nghị thông báo Trung Quốc sẽ tặng 500.000 liều vaccine cho nước này. Các nước ASEAN khác dự kiến sẽ mua vaccine phòng dịch Covid-19 từ Trung Quốc.
Với sự hỗ trợ từ quá trình phục hồi kinh tế ổn định sau đại dịch, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 4/2020 tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2019, Trung Quốc dự kiến sẽ đẩy mạnh các hoạt động kinh tế và chính trị ở nước ngoài.
Không thay đổi lập trường về Biển Đông
Một vấn đề địa-chính trị quan trọng của ASEAN là Biển Đông. Tuyên bố của các Ngoại trưởng ASEAN lưu ý rằng "một số bộ trưởng bày tỏ lo ngại về các hoạt động cải tạo đất, các hoạt động và sự cố nghiêm trọng trong khu vực này, vốn đã làm xói mòn lòng tin và sự tin cậy, làm gia tăng căng thẳng và có thể phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực”.
Các từ ngữ trong tuyên bố của Brunei phản ánh Tuyên bố chung mà các Ngoại trưởng ASEAN công bố vào tháng 9/2020, cho thấy ASEAN không thay đổi lập trường của mình cho dù khối này có Chủ tịch mới.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ thiết lập một vị trí mới có tên gọi “Điều phối viên Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” và bổ nhiệm cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell vào vị trí này để tăng cường sự can thiệp của Mỹ ở khu vực châu Á.
Tuy nhiên, mọi sự chú ý cũng sẽ tập trung vào việc liệu Tổng thống Biden có tham dự các hội nghị liên quan của ASEAN và tạo ra sự khác biệt giữa ông với người tiền nhiệm hay không?
Chuyên gia Simon Tay, Chủ tịch Viện các vấn đề quốc tế Singapore (SIIA) bày tỏ hy vọng “Mỹ sẽ tăng cường can dự vào cuối năm 2021” khi đề cập tới thời điểm diễn ra Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) thường niên.