📞

ASEAN chống Covid-19: 'Đoàn kết lại, không hiểm hoạ nào có thể khuất phục được chúng ta'

Bảo Chi 20:16 | 14/04/2020
TGVN. Ngay sau khi kết thúc hội nghị ASEAN+3 vào chiều nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời báo chí về kết quả của Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó dịch Covid-19.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 lần đầu tiên chủ trì hai Hội nghị trực tuyến Cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 về ứng phó dịch Covid-19.

Xin Thủ tướng cho biết đại dịch Covid-19 đã đặt ra những thách thức gì cho ASEAN nói chung và Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam nói riêng?

Đại dịch Covid-19 là thách thức nghiêm trọng nhất đối với nhân loại, là cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa từng có kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai và cũng là thử thách lớn nhất với ASEAN trong hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển.

Chỉ sau hơn ba tháng, đại dịch Covid-19 đã tàn phá, gây ra những thiệt hại nặng nề cả về sức khoẻ, tính mạng con người cũng như về kinh tế - xã hội, dự đoán vượt xa mức độ tác động của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 hay khủng hoảng toàn cầu giai đoạn 2008-2009.

Đến thời điểm này, tất cả các quốc gia trong khu vực ASEAN chúng ta đều có người mắc bệnh Covid-19 với hơn 18.000 trường hợp nhiễm bệnh và hơn 740 trường hợp tử vong.

Không chỉ gây thiệt hại lớn về người, đại dịch còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của các nước ASEAN và các hoạt động hợp tác, giao lưu giữa các nước thành viên cũng như giữa ASEAN và các đối tác bên ngoài.

Dự báo tăng trưởng của tất cả các nước ASEAN đều sẽ suy giảm mạnh, thậm chí một số nước có thể tăng trưởng âm.

Về hợp tác ASEAN, theo thống kê của Ban Thư ký ASEAN, đến nay đã có hơn 200 cuộc họp của ASEAN buộc phải hoãn hoặc hủy.

Ngay từ đầu năm nay, với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam cùng các nước thành viên đã tích cực, khẩn trương chuẩn bị và sẵn sàng tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ Năm Chủ tịch ASEAN 2020.

Tuy nhiên, trước sự bùng phát bất ngờ và những hệ luỵ làm đảo lộn mọi mặt chưa từng có tiền lệ của đại dịch Covid-19, chúng ta buộc phải có những điều chỉnh cần thiết đối với kế hoạch tổ chức các hoạt động nói trên.

Với phương châm đặt tính mạng sức khỏe của người dân lên trên hết, duy trì kết nối, phối hợp chặt chẽ trong phòng, chống dịch, các nước thành viên ASEAN chúng ta đã linh hoạt tổ chức với hình thức trực tuyến nhiều cuộc họp cấp Bộ trưởng quan trọng trong các lĩnh vực y tế, kinh tế, quốc phòng…, cũng như các cuộc họp với các đối tác như Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ và với các tổ chức quốc tế quan trọng như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ, ứng phó hữu hiệu với dịch bệnh. Đồng thời, tiếp tục xem xét tổ chức các hội nghị quan trọng của ASEAN vào thời điểm dịch bệnh được kiểm soát.

Vậy theo Thủ tướng, ASEAN cần làm gì để cùng ứng phó với mối đe dọa chung này?

Từ khi đại dịch bùng phát đến nay, ASEAN chúng ta đã phản ứng nhanh chóng, kịp thời, tăng cường gắn kết trong phối hợp chính sách và hành động giữa các thành viên. Chúng ta đã sớm ra Tuyên bố Chủ tịch ASEAN về ứng phó chung của ASEAN đối với sự bùng phát của dịch Covid-19 (ngày 14/2), đồng thời tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng giữa các thành viên cũng như với các đối tác nhằm bảo đảm sự phối hợp đồng bộ trong phòng, chống dịch, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ, ứng phó hữu hiệu với dịch bệnh.

Hơn bao giờ hết, đây là lúc mỗi nước thành viên ASEAN phải thực sự “tư duy Cộng đồng, hành động Cộng đồng”. Đứng riêng lẻ, không nước nào có thể tự mình đẩy lùi đại dịch; đoàn kết lại, không hiểm hoạ nào có thể khuất phục được chúng ta.

Bên cạnh đó, ASEAN chính là mái nhà chung để chúng ta cùng nhau vượt qua cơn bão đại dịch này. Tôi cho rằng các nỗ lực đơn lẻ cần được gắn kết lại, vượt tầm quốc gia, trở thành hành động chung của cả Cộng đồng ASEAN. Phản ứng kịp thời và phối hợp chặt chẽ trong chính sách và hành động giữa 10 thành viên sẽ có ý nghĩa quyết định trong kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh.

Song song với việc phòng, chống dịch, ASEAN cũng cần chú trọng đến công tác khắc phục hậu quả, giảm thiểu các tác động kinh tế-xã hội của đại dịch Covid-19. Cần đặt người dân ở vị trí trung tâm, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau; tăng cường cổ vũ ý thức Cộng đồng, tương thân, tương ái, đùm bọc lẫn nhau, tinh thần đoàn kết quốc tế.

Trước mắt, kịp thời triển khai hỗ trợ những nhóm yếu thế trong xã hội và các gói hỗ trợ kinh tế, tài chính cho doanh nghiệp ổn định sản xuất – kinh doanh, duy trì các hoạt động giao thương.

Trong dài hạn, ASEAN cần nâng cao sự tự cường, sức chống chịu và khả năng sẵn sàng ứng phó của mỗi quốc gia thành viên cũng như của cả Cộng đồng trước những cú sốc tương lai. Thúc đẩy kết nối, tăng đan xen lợi ích, giảm khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên sẽ là lời giải lâu dài cho những thách thức tương tự như Covid-19.

Tôi tin rằng ASEAN chúng ta sẽ sớm vượt qua đại dịch này. Thử thách này không thể khuất phục chúng ta, mà trái lại sẽ tạo động lực để chúng ta cùng nhau vươn lên mạnh mẽ hơn, thực sự là một Cộng đồng gắn kết và chủ động thích ứng trước bất cứ khó khăn, nghịch cảnh nào.

Thưa Thủ tướng, trong bối cảnh này, Việt Nam đã phát huy vai trò Chủ tịch ASEAN như thế nào?

Đại dịch Covid-19 đã cho thấy chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” mà Việt Nam đề ra cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020 là đúng lúc và hoàn toàn xác đáng. Những nỗ lực mà Việt Nam đã và đang triển khai trong vai trò Chủ tịch ASEAN thời gian qua đã thể hiện rõ tinh thần của chủ đề này, thực sự biến lời nói thành hành động cụ thể.

Chung tay đẩy lùi dịch Covid-19 là ưu tiên hàng đầu hiện nay của ASEAN. Cách chúng ta cùng nhau vượt qua đại dịch này sẽ khẳng định rõ hơn nữa bản lĩnh và sức mạnh của ASEAN.

Đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN trong thời điểm đặc biệt khó khăn này, Việt Nam nhận thức rõ trách nhiệm của mình và quyết tâm vai kề vai sát cánh với các nước thành viên chèo lái con thuyền ASEAN vượt qua sóng gió.

Ngay từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, Việt Nam đã chủ động, tích cực, hành động nhanh chóng, dẫn dắt và điều phối các nỗ lực chung của ASEAN cũng như hợp tác với các Đối tác kiểm soát, ngăn chặn lây lan, đồng thời giảm thiểu tác động kinh tế - xã hội của dịch bệnh.

Có thể nhắc tới một số nội dung cụ thể sau: Một là, chúng ta đã kịp thời ra Tuyên bố Chủ tịch ASEAN về ứng phó chung của ASEAN đối với sự bùng phát của dịch Covid-19 từ rất sớm cảnh báo nguy cơ dịch bệnh, kêu gọi hợp tác khu vực và quốc tế, nhấn mạnh tinh thần đoàn kết ASEAN, cam kết chung tay kiểm soát và ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, bảo đảm cuộc sống bình yên cho người dân.

Hai là, Việt Nam đã linh hoạt thúc đẩy tổ chức các hội nghị của ASEAN theo hình thức trực tuyến. Đây là một giải pháp và phù hợp, góp phần giúp chúng ta duy trì kết nối, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, phản ứng nhanh và kịp thời trước đại dịch Covid-19. Các hội nghị đã tập trung vào ba hướng hành động quan trọng là chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, điều phối chính sách và phối hợp hành động.

Ba là, trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã nỗ lực đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các quốc gia và tổ chức quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch; phối hợp tổ chức và tham dự nhiều cuộc họp quan trọng với các đối tác như Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ, WHO và Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến G20 để trao đổi về hợp tác, sớm kiểm soát, khống chế, đẩy lùi dịch bệnh. Những nỗ lực không mệt mỏi đó của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN đã mang lại những kết quả bước đầu trong kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh.

Tôi tin tưởng rằng cùng với các quốc gia bạn bè, đối tác trong và ngoài ASEAN, những nỗ lực của Việt Nam sẽ góp phần nhân rộng những kinh nghiệm tốt, bài học hay để khu vực và quốc tế cùng sớm đẩy lùi đại dịch.