📞

ASEAN có “lợi thế nhất định” trước cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

22:41 | 12/09/2018
Về ngắn hạn, xu hướng chuyển dịch các cơ sở sản xuất sang Đông Nam Á của Trung Quốc có thể thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển.

Các nền kinh tế tại khu vực Đông Nam Á cũng bị tác động trực tiếp bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, trong đó có thể kể tới các nền kinh tế như Malaysia, Thái Lan hay Singapore khi các quốc gia này hoạt động như các trung gian trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Hàng hóa thô được lắp ráp tại nhiều nước Đông Nam Á trước khi được xuất khẩu sang các thị trường lớn trên thế giới, chủ yếu ở phương Tây.

Các vấn đề kinh tế ASEAN được thảo luận sôi nổi tại WEF ASEAN 2018. (Ảnh: Tuấn Anh)

Theo báo cáo năm 2017 của Viện Chính sách Kinh tế quốc tế Hàn Quốc, hàng hóa trung gian chiếm tới 50% xuất khẩu và nhập khẩu giữa Đông Nam Á với Trung Quốc. Để tránh những ảnh hưởng từ thuế quan đối với chi phí sản xuất, nhiều công ty Trung Quốc đang hướng tới chuyển những cơ sở sản xuất của mình tới khu vực Đông Nam Á. Về ngắn hạn, đây có thể coi là xu hướng mang lại lợi ích cho các nền kinh tế khu vực bởi lợi thế về nguồn nhân lực dồi dào và giá nhân công rẻ.

Phân tích rõ hơn xu hướng này, tại thảo luận về thương mại và kinh tế trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đang diễn ra tại Hà Nội, Giám đốc Điều hành Ban thư ký APEC Alan Bollard nhận định: "Tiếp theo chiến tranh thương mại sẽ có thay đổi trong quy trình sản xuất, trước đây Trung Quốc giống như phân xưởng của thế giới với tất cả những lợi thế về sản xuất nhưng giờ người ta cũng xem xét chuyển dịch, một số nước sẽ có cơ hội. Ngoài ra, với căng thẳng như vậy, nhiều vùng trên thế giới tăng trưởng chậm lại nhưng một số quốc gia thì lại tốt lên", ông nói.

Nhắc đến Việt Nam, ông Alan Bollard cho rằng, có căng thẳng nhất định nhưng Việt Nam lại là nước có lợi thế so sánh so với Trung Quốc như nhân công rẻ hơn. Do đó, sau khi có căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc thì nhà đầu tư có xu hướng chuyển dịch sang nước khác, trong đó có Việt Nam.

Không chỉ ông Alan Bollard, trong một bài viết nhân WEF ASEAN 2018, ông Peter Vanham, trưởng bộ phận truyền thông của Mỹ tại Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2018 cũng đánh giá, trong bối cảnh hiện tại, Việt Nam sẽ hưởng lợi thay vì chịu tổn thương bởi căng thẳng thương mại toàn cầu. Chính phủ Mỹ tăng thuế với hàng trăm tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp đang chuyển sản xuất sang Việt Nam.

Tuy nhiên, trong dài hạn, không loại trừ những biện pháp liên quan đến thuế của chính quyền Tổng thống Trump sẽ tác động tới xu hướng này và phát sinh nhiều vấn đề khó giải quyết.

Nhà nghiên cứu Sneader, Viện Nghiên cứu Toàn cầu McKinsey cho rằng: “Cuộc chiến thương mại là thực tế hiện hữu, nhưng nếu liên kết nội khối ASEAN chặt chẽ hơn thì có thể giải quyết được mọi vấn đề”. Theo ông, sự liên kết chặt chẽ hơn trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tạo mạng lưới sản xuất theo chuỗi... sẽ là cánh cửa các quốc gia ASEAN ứng phó cuộc chiến Mỹ - Trung đang leo thang.