Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN, Tổng Thư ký Lê Lương Minh đã chia sẻ với báo chí về những dấu mốc quan trọng, thành công cũng như là các thách thức trong tương lai của khối.
Những dấu mốc quan trọng
Đánh giá về những dấu mốc quan trọng trong quá trình 50 năm phát triển của ASEAN, về hình ảnh và vị thế của ASEAN trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới được tạo nên từ những bước tiến đó, Tổng Thư ký Lê Lương Minh cho biết khi thành lập năm 1967, ASEAN chỉ có 5 nước thành viên là Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore và hợp tác giữa các nước chủ yếu là để đối phó với các nguy cơ về an ninh trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh lúc bấy giờ và cuộc chiến tranh của Mỹ ở Đông Dương.
Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh trả lời phỏng vấn báo chí. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Tiếp theo các nước gia nhập sau đó là Brunei (năm 1984), Việt Nam (năm 1995), Lào và Myanmar (năm 1997) và Campuchia là nước cuối cùng ngoài Hiệp hội gia nhập năm 1999. Đây là những dấu mốc quan trọng tiến tới mục tiêu ASEAN đề ra ngay từ đầu là đoàn kết tất cả các quốc gia Đông Nam Á vốn rất đa dạng về thể chế chính trị, cơ cấu kinh tế, đặc điểm văn hoá, ngôn ngữ, tôn giáo dưới một "mái nhà chung" cùng phấn đấu cho hòa bình, sự hoà hợp và thịnh vượng của cả khu vực.
Theo Tổng Thư ký Lê Lương Minh, Tuyên bố ASEAN Concord II hay còn gọi là Bali Concord II được thông qua tại Hội nghị Cấp cao năm 2003 phác thảo lộ trình tiến tới thành lập Cộng đồng ASEAN với ba trụ cột chính là Chính trị - an ninh, Kinh tế và Văn hoá - xã hội, sau đó, việc thông qua Hiến chương ASEAN năm 2007 tạo khuôn khổ pháp lý và thể chế cho Cộng đồng ASEAN là những dấu mốc quan trọng tiếp theo trong quá trình hình thành và phát triển của ASEAN.
Sự ra đời tháng 12/2015 của Cộng đồng ASEAN gắn kết 10 quốc gia Đông Nam Á về chính trị, liên kết 10 nền kinh tế Đông Nam Á thành nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới, một thị trường lớn thứ 3 trên thế giới có sức cạnh tranh cao và hội nhập sâu rộng, đoàn kết nhân dân 10 nước Đông Nam Á có trách nhiệm xã hội cùng với việc ra đời của Tầm nhìn 2025 hướng tới một ASEAN tự cường, dựa trên luật pháp, lấy người dân làm trọng tâm, đóng vai trò ngày càng lớn hơn trong việc xử lý các vấn đề khu vực và toàn cầu là dấu mốc quan trọng nhất trong lịch sử hình thành và phát triển 50 năm qua của ASEAN.
Nhận định về vai trò hiện nay của ASEAN trong quá trình chuyển dịch địa chính trị ở châu Á - Thái Bình Dương, Tổng Thư ký Lê Lương Minh nêu rõ do đặc điểm lịch sử phức tạp có sự chiếm đóng thực dân lâu dài, sự can dự của các nước lớn, châu Á - Thái Bình Dương vốn thiếu một khuôn khổ khu vực bao trùm điều phối quan hệ giữa các nước.
Do vậy, các cơ chế do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt như Diễn đàn Khu vực ASEAN, Hội nghị Cấp cao Đông Á, ASEAN+3, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng là những diễn đàn quan trọng để các nước lớn và các nước khác trong khu vực đối thoại và tham vấn nhằm tháo ngòi nổ, tìm giải pháp cho các vấn đề căng thẳng có thể dẫn đến xung đột, đặc biệt các vấn đề như cấm phổ biến vũ khí hạt nhân hay vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Vai trò trung tâm của ASEAN tại các cơ chế này, đặc biệt trong việc xử lý quan hệ và sự can dự ngày càng tăng của các nước lớn, đang đóng góp quan trọng vào việc duy trì sự cân bằng chiến lược, duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực.
Còn nhiều thách thức
Trả lời câu hỏi về những thách thức và cơ hội hiện tại cũng như trong tương lai của ASEAN đang bước vào chặng đường phát triển mới, Tổng Thư ký Lê Lương Minh nhận định Tầm nhìn 2025 mở ra rất nhiều cơ hội cho Cộng đồng ASEAN phát triển toàn diện hơn, hội nhập sâu rộng hơn để có khả năng tự cường lớn hơn, ảnh hưởng ở khu vực và toàn cầu lớn hơn.
ASEAN chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thành lập. |
Tuy nhiên, để nắm bắt được những cơ hội đó, ASEAN cũng phải vượt qua nhiều thách thức. Trong khi ASEAN nỗ lực xây dựng Cộng đồng dựa trên luật lệ thì hệ thống luật pháp của các nước thành viên còn tồn tại nhiều khác biệt, hạn chế việc thực hiện các cam kết và thỏa thuận chung.
Ngoài ra, khoảng cách phát triển trong từng nước cũng như giữa các nước ASEAN còn lớn đã hạn chế khả năng của các nước kém phát triển không chỉ trong việc thực thi các cam kết, thỏa thuận chung mà cả trong các nỗ lực phát triển bao trùm nhằm đảm bảo mọi người dân hưởng lợi từ quá trình xây dựng cộng đồng và hội nhập của ASEAN.
Trong khi ASEAN đang nỗ lực xây dựng một cộng đồng thực sự hướng tới người dân, lấy người dân làm trọng tâm thì sự hiểu biết của người dân về Cộng đồng ASEAN - mục đích xây dựng cộng đồng, cơ hội và thách thức cộng đồng tạo ra - còn rất hạn chế, gây khó khăn cho việc huy động sự ủng hộ và tham gia rộng rãi của nhân dân các nước vào quá trình xây dựng cộng đồng.
Sự trỗi dậy của các chính sách dân tuý, xu hướng bảo hộ mậu dịch, chống toàn cầu hóa cũng là nhân tố gây khó khăn cho ASEAN trong iệc tiếp tục triển khai chính sách khu vực mở tăng cường hội nhập và liên kết khu vực và toàn cầu. Bên cạnh đó, những diễn biến phức tạp, nhất là các hành động đơn phương vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông có nguy cơ dẫn đến xung đột giữa các nước lớn, gây bất ổn ở khu vực cũng làm phân tán nguồn lực có thể tập trung cho hoạt động phát triển của các nước.
Do đó, để tiếp nối và phát huy những thành tựu ấn tượng của 50 năm qua, Tổng Thư ký Lê Lương Minh cho biết, ASEAN đã xác định một loạt những giải pháp để vượt qua thách thức cũng như hướng tới mục tiêu xây dựng cộng đồng bền vững theo Tầm nhìn 2025.
Cụ thể, Tổng Thư ký Lê Lương Minh cho rằng, ASEAN cần phải đẩy nhanh quá trình hài hòa hóa các hệ thống luật pháp quốc gia, xử lý cân bằng mối quan hệ giữa lợi ích trước mắt, ngắn hạn của quốc gia và lợi ích chung, lâu dài của cộng đồng, tăng cường văn hoá thực thi, huy động và sử dụng các nguồn lực nội khối và từ các đối tác triển khai hiệu quả các biện pháp, dự án thu hẹp khoảng cách phát triển, triển khai đồng bộ Kế hoạch Tổng thể về truyền thông nhằm nâng cao hiểu biết của người dân về Cộng đồng ASEAN; thúc đẩy thương mại, đầu tư nội khối, đồng thời đa dạng hóa quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với các đối tác; đề cao vai trò trung tâm của ASEAN trong quá trình tham vấn, thương lượng tìm giải pháp cho các vấn đề tranh chấp trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.