📞

ASEAN-EU phối hợp hành động cùng vượt qua đại dịch Covid-19

23:13 | 20/03/2020
TGVN. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, ASEAN-EU cần cùng nhau phối hợp, vượt qua những thách thức thông qua các hành động và nỗ lực chung, nhằm mục đích cuối cùng là bảo vệ cuộc sống cho người dân trước đại dịch Covid-19.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hội nghị trực tuyến ASEAN-EU. (Ảnh: Tuấn Anh)

Ngày 20/3 đã diễn ra Hội nghị trực tuyến cấp Bộ trưởng ASEAN-EU về hợp tác ứng phó dịch Covid-19. Trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị.

Báo Thế giới và Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:

Phát biểu của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh

tại Hội nghị trực tuyến cấp Bộ trưởng ASEAN-EU

về ứng phó dịch Covid-19

(ngày 20/3/2020)

_____

Thưa Ngài Bộ trưởng Vivian Balakrisnan và Tiến sĩ Lam Pin Min

Thưa Ngài Josef Borrell, Đại diện Cao cấp EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh và Ngài Janez Lenarcic, Cao ủy EU về Quản lý Khủng hoảng,

Thưa các Đồng nghiệp ASEAN và EU,

Xin gửi lời chào từ Hà Nội!

Xin cảm ơn Bộ trưởng Vivian và Tiến sĩ Lam và các đồng nghiệp Singapore đã thu xếp tổ chức Hội nghị trực tuyến giữa ASEAN và EU về dịch bệnh Covid-19.

Tôi hoàn toàn chia sẻ với các phát biểu của hai đồng Chủ trì Hội nghị. Thực sự, không có khu vực nào có thể miễn nhiễm trước tác động của dịch Covid-19. Đây là thời điểm thích hợp để ASEAN và EU tích cực tăng cường hợp tác trong ứng phó với dịch Covid-19.

Tôi cảm ơn Ngài Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi đã trình bày báo cáo toàn diện về tình hình dịch bệnh Covid-19 trong khu vực ASEAN và những biện pháp triển khai bởi các cơ quan chuyên ngành ASEAN.

2. Các nước thành viên ASEAN là những nước đầu tiên ghi nhận các trường hợp nhiễm Covid-19. Với kinh nghiệm trước đây đã từng đối phó với dịch SARS năm 2003, ASEAN đã chủ động triển khai các hành động nhanh chóng cả ở từng nước thành viên lẫn thông qua các nỗ lực chung của Cộng đồng ASEAN.

Là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN khác thúc đẩy cách tiếp cận đồng bộ, tổng thể của cả Cộng đồng ASEAN để nâng cao khả năng sẵn sàng và các biện pháp chủ động ứng phó với dịch bệnh và giảm thiểu các tác động. Những nỗ lực chung mà chúng ta đang triển khai ứng phó đại dịch này thể hiện một ASEAN thực sự “Gắn kết và Chủ động thích ứng”.

- Ngày 14/2/2020, trên cơ sở tham vấn Lãnh đạo các nước thành viên ASEAN, Thủ tướng Việt Nam đã ra Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN về Ứng phó chung của ASEAN trước sự bùng phát của dịch Covid-19.

- Ngày 20/2/2020, Việt Nam đã tổ chức Hội nghị đặc biệt Hội đồng Điều phối ASEAN với sự tham gia của tất cả các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN để thảo luận các biện pháp thiết thực thúc đẩy cách tiếp cận tổng thể của ASEAN nhằm giảm thiểu và tiến tới loại bỏ các mối đe dọa của dịch Covid-19.

- Việc trao đổi thông tin thường xuyên và cập nhật tình hình hàng ngày cũng đã được tăng cường triển khai giữa các nước thành viên ASEAN. Người dân có thể tìm hiểu thông tin cập nhật, nhanh chóng về các ca nhiễm mới, về các biện pháp được triển khai ở cấp quốc gia và danh bạ đường dây điện thoại nóng và các đầu mối liên hệ quốc gia tại các nước thành viên ASEAN.

- ASEAN cũng đã tăng cường nhiều hình thức hợp tác khác nhau với các đối tác bên ngoài trong đối phó với dịch Covid-19, bao gồm Hội nghị đặc biệt các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc gần đây vào ngày 20/2 tại Viên-chăn, CHDCND Lào.

Tôi tin tưởng chắc chắn rằng Hội nghị trực tuyến của chúng ta hôm nay sẽ tiếp tục đóng góp vào những nỗ lực này.

Những nỗ lực kịp thời đó đã góp phần mang lại một số kết quả đáng khích lệ. Trong số 650 triệu dân, tỷ lệ các trường hợp nhiễm bệnh của ASEAN là dưới 0,001% (2.179 trường hợp). Trong số đó, 12% bệnh nhân mắc bệnh đã được chữa khỏi thành công. Mặc dù số ca nhiễm bệnh vẫn tăng, song tỷ lệ tử vong chỉ chiếm 2,07% trong tổng số các ca nhiễm. Nhưng tình hình hiện nay vẫn đáng lo ngại và cần nỗ lực nhiều hơn nữa.

(Ảnh: Tuấn Anh)

Thưa Quý vị và Đồng nghiệp

3. Như Tổng Thư ký Liên hợp quốc hôm qua đã đúng khi chỉ ra rằng nhân loại đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, đòi hỏi cần phải tăng cường sự đoàn kết. Mỗi quốc gia, mỗi khu vực có thể có những cách thức riêng để đối phó với cuộc khủng hoảng này. Nhưng tôi tin rằng, không một quốc gia nào có thể hành động đơn lẻ để vượt qua cuộc khủng hoảng với quy mô và mức độ phức tạp toàn cầu này.

Do đó, với tư cách là hai tổ chức hàng đầu ở hai khu vực, EU và ASEAN cần cùng nhau phối hợp chứng tỏ khả năng của chúng ta nhằm vượt qua những thách thức thông qua các hành động và nỗ lực chung, nhằm mục đích cuối cùng là bảo vệ cuộc sống cho người dân của chúng ta.

Tôi xin chia sẻ những suy nghĩ của mình về những ưu tiên hợp tác giữa hai bên:

Thứ nhất, tăng cường phối hợp chính sách, trao đổi thông tin, trợ giúp kỹ thuật và nguồn lực y tế phù hợp.

Trong bối cảnh cuộc chiến của chúng ta đang tiếp diễn, chúng ta có thể chia sẻ cùng nhau những kinh nghiệm quý báu và thực tiễn tốt nhất trong phát hiện, xét nghiệm, kiểm dịch, theo dõi và kiểm soát lây nhiễm cộng đồng.

Với các hệ thống y tế công cộng, năng lực nghiên cứu và công nghệ tiên tiến của mình, EU có thể hợp tác và hỗ trợ ASEAN phát triển các phương pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả, bao gồm nghiên cứu và phát triển các loại thuốc điều trị và vắc-xin.

Các đồng nghiệp ngành Y tế ASEAN của chúng tôi có mặt ở đây sẽ là đầu mối của ASEAN phối hợp với các đồng nghiệp EU trong các vấn đề cụ thể về y tế công cộng.

Việc trao đổi và chia sẻ thông tin cần được duy trì liên tục trong suốt quá trình chúng ta ứng phó với đại dịch này.

Thứ hai, với người dân là ưu tiên hàng đầu trong cuộc chiến chống lại đại dịch, điều quan trọng đối với tất cả các chính phủ là phải đảm bảo sự an toàn cho các công dân của chúng ta đang ở trong các khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Cần tăng cường các nỗ lực nhằm tạm thời hạn chế việc đi lại của người dân để giảm sự lây lan của virus thông qua các biện pháp thông tin tuyên truyền phù hợp.

Mặt khác, ASEAN và EU cần hợp tác nhằm bảo đảm công dân của chúng ta đang sinh sống hoặc làm việc tại hai khu vực được cung cấp đầy đủ thông tin về các biện pháp an toàn y tế phù hợp và nếu họ bị nhiễm bệnh thì sẽ được điều trị.

Thứ ba, do đại dịch đang gây thiệt hại nặng nề cho đời sống xã hội và nền kinh tế, chúng ta cần cân đối hài hoà giữa bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giảm thiểu các tác động kinh tế và xã hội do dịch bệnh gây ra.

EU và ASEAN là những đối tác thương mại, đầu tư và du lịch hàng đầu của nhau. Chúng ta hãy cùng nhau hành động và phối hợp các biện pháp chính sách để giảm thiểu sự gián đoạn chuỗi cung ứng, từng bước khôi phục kinh doanh và du lịch trở lại bình thường, ngăn ngừa suy giảm sức cầu và các tác động dây chuyền đến các lĩnh vực khác trong nền kinh tế và đời sống xã hội.

Chúng ta cũng cần triển khai những hành động chung để bảo đảm sự bùng phát của dịch Covid-19 sẽ không thể gây chia rẽ người dân do sự kỳ thị và phân biệt đối xử, mà sẽ làm cho chúng ta đoàn kết hơn.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị trực tuyến ASEAN-EU. (Ảnh: Tuấn Anh)

4. Về phần Việt Nam, chúng tôi là một trong những nước thành viên ASEAN đầu tiên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và chúng tôi thực sự đã và đang trải qua một giai đoạn khó khăn.

Chính phủ đã luôn nỗ lực: trước tiên là ngăn chặn sự lây lan của virus, thứ hai, là điều trị cho những người bị nhiễm, dù đó là người Việt Nam hay là người nước ngoài, giúp họ hồi phục và thứ ba, là cố gắng duy trì sự ổn định của nền kinh tế và đời sống xã hội.

Cho đến nay, số ca nhiễm bệnh tại Việt Nam vẫn đang được giữ ở mức thấp. Thông qua triển khai một loạt các biện pháp đồng bộ, nhiều kết quả tích cực đã đạt được: tất cả 16 bệnh nhân đầu tiên bị nhiễm virus đã được chữa khỏi và vẫn trong tình trạng sức khoẻ ổn định; những bệnh nhân bị nhiễm còn lại đều đang được điều trị (các bệnh nhân bị nhiễm đều được điều trị như nhau dù đó là người Việt Nam hay người nước ngoài); các trường hợp nghi ngờ và những người có tiếp xúc gần và khách du lịch đến từ các khu vực bùng phát dịch bệnh đều được cách ly.

5. Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ và đoàn kết với ASEAN và các đối tác, WHO và cộng đồng quốc tế nhằm kiểm soát hoàn toàn và tiến tới loại bỏ các mối đe dọa từ dịch Covid-19.

Xin cảm ơn Quý vị./.