Indonesia giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các Quốc gia vành đai Ấn Độ Dương (IORA) nhiệm kỳ 2015-2017.
Thành công của Indonesia trong việc đăng cai Hội nghị thượng đỉnh IORA và sự ra đời Hiệp ước Jakarta (Concord), cũng như những nỗ lực của quốc gia này trong việc thúc đẩy 21 nước thành viên của IORA hướng tới chủ nghĩa khu vực đã hết sức được hoan nghênh, đặc biệt bởi Tổng thống Cộng hoà Nam Phi Jacob Zuma và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull.
Những nỗ lực này của Indonesia cũng làm dấy lên câu hỏi về việc liệu quốc gia này sẽ quay lưng lại với ASEAN bởi Jakarta nhận thấy cơ hội mới tại khu vực Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, có nhiều lý do cho thấy vị trí trụ cột của ASEAN trong chính sách đối ngoại của Indonesia không dễ bị thay thế bởi IORA hay bất cứ tổ chức liên kết khu vực nào khác, ít nhất là trong thời gian tới.
ASEAN có ý nghĩa quan trọng hơn IORA đối với Indonesia. (Nguồn: Jakarta Post) |
Vận mệnh gắn kết
Thứ nhất, Indonesia luôn nghiêm túc đảm nhiệm vai trò của mình và có những đóng góp đáng kể khi làm nước chủ tịch hoặc đăng cai các hội nghị của các tổ chức khu vực hay quốc tế. Điều này đã được chứng minh qua sự tham gia tích cực của Indonesia tại IORA, cũng như khi quốc gia này đăng cai Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 9 tại Bali vào năm 2013. Hội nghị đã đạt được thành quả mang tính lịch sử khi WTO lần đầu tiên chấp nhận thỏa thuận về cải cách thương mại trên toàn thế giới, kể từ khi tổ chức này được thành lập vào năm 1995.
Thứ hai, hiện vẫn chưa thể biết được rằng liệu khi nhiệm kỳ kết thúc, Indonesia có còn tiếp tục tham gia tích cực tại IORA nữa hay không. Trong khi đó, đối với ASEAN, những đóng góp của Jakarta đã vượt xa những gì được mong đợi, kể cả khi quốc gia này không đảm nhiệm vai trò nước chủ tịch. Những nỗ lực của Indonesia nhằm duy trì sự thống nhất của Hiệp hội sau thất bại của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN vào năm 2012 là một trong những minh chứng rõ ràng nhất.
Thứ ba, vận mệnh của ASEAN gắn bó chặt chẽ với lợi ích cốt lõi của Jakarta. Các thành viên khác của Hiệp hội và Indonesia có sự gần gũi về mặt địa lý, những ràng buộc về mặt kinh tế và sự gắn bó trong quan hệ an ninh chính trị. Có thể lấy ví dụ, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đã gây ra những lũng đoạn về chính trị, kinh tế và xã hội ở Indonesia, nhưng thực chất cuộc khủng hoảng lại bắt nguồn từ Thái Lan. Một ví dụ khác là sự cố tàu tị nạn khiến hàng nghìn người Rohingya bị mắc kẹt ở ngoài khơi Indonesia, Malaysia và Thái Lan, xảy ra trong khi họ đang di cư từ Myanmar.
Khẳng định vai trò thay vì "quay lưng"
Trong giai đoạn ASEAN phải đối mặt với không ít thách thức, Jakarta nên hành động để khẳng định vai trò lãnh đạo của mình thay vì “quay lưng”. Bởi lẽ, việc “bỏ rơi” ASEAN sẽ chỉ khiến Indonesia phải đối mặt với những rủi ro và nguy cơ đến từ các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống.
Trong bài diễn thuyết khai mạc nhân dịp trở thành thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Indonesia (AIPI), bà Dewi Fortuna Anwar, chuyên gia về chính sách đối ngoại, đã nhắc lại tám lý do khiến Indonesia đề xướng việc thành lập ASEAN vào năm 1967. Một trong những lý do đó là việc ASEAN giúp củng cố sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa Indonesia và các nước láng giềng, cũng như giảm bớt căng thẳng và khả năng xung đột trong khu vực.
Bên cạnh đó, ASEAN cũng đóng vai trò như một lá chắn an ninh nhằm ngăn cản mọi mối đe dọa đến từ khu vực bên ngoài đối với Indonesia. Điều này sẽ giúp Jakarta có thêm thời gian để tự bảo vệ mình và đồng thời, giảm thiểu những tổn thất mà Indonesia phải gánh chịu nếu xung đột xảy ra. Không thể phủ nhận tầm quan trọng và tiềm năng của các quốc gia khu vực Ấn Độ Dương, cũng như những lợi ích mà IORA sẽ nhận được với sự đóng góp tích cực của Jakarta.
Tuy nhiên, trong tương quan so sánh với IORA, có thể thấy rằng, ASEAN có ý nghĩa quan trọng hơn đối với Indonesia. Một cuộc khủng hoảng đối với ASEAN sẽ là một cuộc khủng hoảng đối với Indonesia, trong khi đó, một mối đe dọa đối với khu vực Ấn Độ Dương sẽ không nhất thiết là một mối đe dọa đối với Jakarta. Đó là lý do tại sao ASEAN đã, đang, và sẽ luôn giữ vai trò “hòn đá tảng” trong chính sách đối ngoại của Indonesia.