Tính đến năm 2018, ASEAN đã trở thành một khu vực kinh tế năng động với tổng GDP gần 3.000 tỷ USD. (Nguồn: The Jakarta Post) |
Tất cả là nhờ có ASEAN
Được thành lập vào ngày 8/8/1967 tại Thái Lan, từ 5 thành viên ban đầu, ASEAN giờ đã có 10 thành viên, bao gồm Indonesia, Thái Lan, Philippines, Singapore, Malaysia, Brunei, Việt Nam, Lào, Myanmar và Campuchia.
Các quốc gia trong ASEAN đều nằm ở khu vực cửa ngõ của một trong những tuyến đường hàng hải bận rộn nhất thế giới. Đây không chỉ là đầu mối của giao thương mà còn là nơi giao thao của nhiều nền văn hóa, văn minh và tôn giáo của thế giới.
Sau hơn 50 năm ra đời, ASEAN đã vươn lên mạnh mẽ trở thành một cộng đồng, nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới và dự kiến sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2050, một động lực tăng trưởng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Từ dân số khoảng 260 triệu người khi mới thành lập, ASEAN giờ là ngôi nhà chung của hơn 600 triệu người dân. Cuộc sống của người dân ASEAN cũng ngày một nâng cao, từ mức thu nhập bình quân đầu người chỉ 130 USD thời điểm mới thành lập, ngày nay đã tăng lên 4700 USD với sự gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu.
Tính đến năm 2018, ASEAN đã trở thành một khu vực kinh tế năng động với tổng GDP gần 3.000 tỷ USD so với con số chưa đầy 30 tỷ USD ban đầu, là nền kinh tế tăng trưởng nhanh, có quy mô lớn thứ 6 trên toàn cầu. ASEAN đã ký kết 6 Hiệp định thương mại tự do với 7 đối tác thương mại hàng đầu trên thế giới.
Về chính trị - an ninh, trong những thập kỷ qua, trật tự khu vực tương đối ổn định nhờ các cơ chế hợp tác an ninh, đối thoại, các nguyên tắc của Phương cách ASEAN: Cùng tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Về văn hóa - xã hội, giá trị và bản sắc chung của khu vực đã được xây dựng thông qua các hoạt động hợp tác ASEAN trong lĩnh vực văn hóa-xã hội, qua đó đã từng bước tăng cường hiểu biết và tình đoàn kết giữa nhân dân các nước Đông Nam Á, giữa các nước trong khu vực với các nước ngoài khu vực. Nhờ các hoạt động giao lưu thể thao, kết nối văn hóa, giáo dục, các giá trị và bản sắc chung của khu vực đã được củng cố và ý thức cộng đồng của các nước ASEAN đã được tăng cường. Nhân quyền và các quyền tự do cơ bản được thúc đẩy và bảo vệ.
Ngày 31/12/2015 đã trở thành thời điểm lịch sử trong quá trình phát triển của ASEAN khi cả 10 nước ASEAN chính thức bước vào một giai đoạn phát triển mới: Cộng đồng ASEAN. Kể từ đây, 10 nước ASEAN đã cùng đi trên một con thuyền, cùng chung một vận mệnh.
Dựa trên ba trụ cột chính: Cộng đồng Chính trị-An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hoá - Xã hội, Cộng đồng ASEAN hướng tới đưa Đông Nam Á trở thành một khu vực “gắn kết về chính trị, liên kết chặt chẽ về kinh tế và cùng chia sẻ trách nhiệm xã hội”.
Nhân dịp ASEAN tròn 50 tuổi, chia sẻ với báo chí về những giá trị nổi bật của ASEAN, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng khẳng định: “Nửa thế kỷ đồng hành đã thực sự đưa các nước thành viên ASEAN xích lại gần nhau hơn; những khác biệt, nghi kỵ ban đầu đã dần nhường chỗ cho đối thoại, hợp tác, thấu hiểu và sẻ chia với nhau nhiều hơn. Có cảm nhận rõ rằng ASEAN giờ đây đã trở thành chỗ dựa tinh thần rất quan trọng đối với 10 nước thành viên, hoặc nói như Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long: “ASEAN là phao cứu sinh của các nước Đông Nam Á”.
Nhận định về chặng đường hơn 50 năm của ASEAN, TS. Marty Natalegawa – Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia nhấn mạnh: “Nếu như trước năm 1967, khu vực Đông Nam Á được đánh dấu bởi xung đột, căng thẳng gia tăng và những tranh chấp, thì trong 50 năm qua, chúng ta đã chuyển từ việc thiếu lòng tin thành lòng tin chiến lược. Tất cả 10 nước thành viên ASEAN đều tận hưởng mối quan hệ tốt đẹp với nhau. Nguy cơ phát sinh những cuộc xung đột giờ không còn hiện hữu. Tất cả là nhờ có ASEAN”.
Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững
ASEAN đang bước vào giai đoạn giữa kỳ triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, với kết quả đáng khích lệ: đang triển khai 258/290 dòng hành động trong Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Chính trị-An ninh; 154/157 ưu tiên của Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Kinh tế; đã thực hiện 954 hành động của 109 biện pháp chiến lược của Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa-Xã hội.
Tuy vậy, ASEAN vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức từ cả bên trong và bên ngoài, khi mức độ gắn kết, hiệu quả hoạt động của bộ máy còn hạn chế, tình hình nội bộ một số nước thành viên còn phức tạp cùng với tác động của cạnh tranh, lôi kéo của các nước lớn, khả năng giải quyết các vấn đề tác động đến khu vực cũng như đem lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc tại Hội nghị Cấp cao ASEAN- Trung Quốc lần thứ 21 tháng 11/2018 tại Singapore. (Nguồn: The Jakarta Post) |
Trong bối cảnh đó, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 diễn ra từ ngày 22 – 23/6 với chủ đề “Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững” đặt mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN lấy con người làm trung tâm để “không ai bị bỏ lại phía sau và hướng tới tương lai”.
Hội nghị thu hút sự tham dự của các nhà lãnh đạo đại diện cho tất cả 10 nước thành viên, với chương trình thảo luận mang tính thời sự, kết nối và bao trùm. Điều này thể hiện sự đoàn kết, thống nhất và quyết tâm cao độ của các quốc gia ASEAN trong việc chung tay giải quyết các thách thức trong khu vực.
Trao đổi với TG&VN Đại sứ Trần Đức Bình, Trưởng phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN cho biết, trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều chuyển biến nhanh chóng và phức tạp, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 có ý nghĩa hết sức quan trọng. Các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ cùng chia sẻ ý kiến và thảo luận các định hướng chỉ đạo cho hợp tác và xây dựng Cộng đồng ASEAN, xử lý các thách thức đối với việc duy trì môi trường hòa bình và ổn định khu vực, củng cố đoàn kết ASEAN, duy trì tăng trưởng và liên kết kinh tế, gia tăng thương mại đầu tư, nâng cao năng lực thích ứng với Cách mạng Công nghiệp 4.0, ứng phó với biến đổi khí hậu, các vấn đề môi trường, an ninh mạng, khủng bố…
Các đại biểu tham dự hội nghị dự kiến cũng sẽ nghe báo cáo của Tổng thư ký ASEAN và các ban của ASEAN. Đáng chú ý, 3 vấn đề nóng bao gồm: sáng kiến về Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của ASEAN do Indonesia đề xuất; hỗ trợ nhân đạo với người Rohingya ở bang Rakhine, Myanmar; và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung được cho là sẽ xuất hiện trong các cuộc thảo luận xuyên suốt tại Hội nghị quan trọng này.
Ngoài Hội nghị cấp cao, kỳ Hội nghị này cũng có nhiều cuộc họp quan trọng, trong đó phải kể đến Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Kinh tế ASEAN về RCEP, một Hiệp định thương mại tự do chất lượng cao giữa ASEAN với 6 đối tác lớn gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Ấn Độ.