Diễn ra từ ngày 1 - 3/6 với sự tham gia của các nguyên thủ và rất nhiều Bộ trưởng Quốc phòng đến từ hơn 50 quốc gia, Đối thoại lần này đã thảo luận nhiều vấn đề như tầm nhìn Ấn Độ – Thái Bình Dương, hồ sơ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, chống khủng bố,… Tuy nhiên, trong hầu hết mọi vấn đề được thảo luận, các đại biểu đều khẳng định Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong cấu trúc khu vực đang định hình, bảo đảm một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do, rộng mở, hòa bình, hợp tác và thịnh vượng.
Khẳng định vị thế
Trong Đối thoại lần này, hơn một nửa trong số các bài phát biểu tại các phiên thảo luận nhắc tới ASEAN cho thấy sự đánh giá cao của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới đối với vai trò trung tâm của ASEAN tại Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 17. (Nguồn: Thanh Niên) |
Dưới góc độ địa chính trị, Đông Nam Á là điểm kết nối giữa hai đại dương lớn của thế giới. Ở khía cạnh kinh tế, đây là khu vực có sự phát triển năng động, ổn định, tạo động lực phát triển của cả khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Xét về khía cạnh lịch sử và văn hóa, các đại biểu đều
nhất trí rằng Đông Nam Á cũng là nơi giao thoa của nhiều nền văn minh trên thế giới như Ấn Độ, Trung Quốc và phương Tây.
Ở thời điểm hiện tại, khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương đang “thu nạp” nhiều thành viên cả trong và ngoài khu vực, song vẫn dung hòa lợi ích của tất cả bên tham gia. Với việc thành viên của khối là đối tác chiến lược và quan trọng với nhiều cường quốc khu vực và trên thế giới, vai trò trung tâm và kết nối của ASEAN sẽ tiếp tục được phát huy, đặc biệt là trong ngăn chặn xung đột và đẩy mạnh hợp tác tại khu vực.
Đặc biệt, các bên tham gia Đối thoại đều khẳng định Ấn Độ – Thái Bình Dương sẽ là nơi dung hòa và cộng hưởng hiệu quả giữa các mô hình hợp tác như CPTPP, RCEP, Một vành đai - Một con đường,… chứ không phải nơi cạnh tranh chiến lược của các nước lớn trong khu vực mà trong đó, ASEAN sẽ giữ vai trò trung tâm, kết nối. Với kinh nghiệm trong tiến trình hội nhập dựa trên sự đa dạng về văn hóa, trình độ phát triển và thể chế chính trị, cũng như dung hòa khác biệt, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào nội bộ của nhau, ASEAN đã tạo nên niềm tin vững chắc về tiến trình hợp tác khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương rộng mở.
Vượt qua thách thức, hướng tới tương lai
Tuy nhiên, các đại biểu cũng nhất trí rằng khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương nói chung và ASEAN nói riêng đang phải đối mặt với những thách thức nhất định.
Đầu tiên, việc khẳng định hợp tác trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương hay ASEAN không phải quá trình tập hợp lực lượng, lôi kéo nước này chống lại nước kia, mà là quá trình hợp tác bình đẳng và dung hòa lợi ích. Điều này là đặc biệt cần thiết khi có nhiều dấu hiệu về bất đồng trong hợp tác liên kết nội khối của ASEAN. Các thành viên ASEAN hiện có nhiều ràng buộc về cả kinh tế và chính trị với các cường quốc ngoài khối hơn là ràng buộc nội khối. Do đó, bảo toàn tính thống nhất, đẩy mạnh kết nối, tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên sẽ đóng vai trò then chốt trong vị thế trung tâm và kết nối của ASEAN trong Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Bên cạnh đó, duy trì hòa bình, hợp tác trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào nội bộ của nhau, thượng tôn pháp luật quốc tế và các cam kết trong khu vực được nhất trí là điều kiện tiên quyết để ASEAN duy trì sự thống nhất và vai trò trung tâm của mình, từ đó có những đóng góp tích cực vào hòa bình và thịnh vượng trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Ngoài ra, đẩy mạnh kết nối, tôn trọng tự do hàng hải, hàng không, giải quyết tranh chấp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế được các đại biểu thừa nhận là một trong các điều kiện để có thành công tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, để duy trì và nâng cao vai trò của ASEAN, kết nối nội khối cần được thúc đẩy mạnh mẽ, song song với tiến trình kết nối toàn khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Bên cạnh, các giải pháp về tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên ASEAN sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong củng cố tình đoàn kết và hợp tác nội khối, hướng tới hai mục tiêu. Thứ nhất, hỗ trợ thành viên giảm nhẹ các thiệt hại về lợi ích quốc gia phải hy sinh để đảm bảo nguyên tắc đồng thuận của ASEAN. Thứ hai, quá trình giúp đỡ lẫn nhau sẽ giúp các nước giảm bớt sự phụ thuộc vào các cường quốc ngoại khối. Nếu thành hiện thực, bước đi này sẽ đảm bảo tính thống nhất của ASEAN trong các vấn đề đối nội và đối ngoại của khối. Tuy nhiên, vượt qua thách thức, hoàn thành mục tiêu đã đặt ra sẽ đòi hỏi các nước ASEAN có những nỗ lực thực chất, duy trì vai trò trung tâm và kết nối của khối đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương nói riêng và thế giới nói chung.