Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Malaysia Datuk Seri Abdul Wahid Omar. (Nguồn: the Star Online) |
Cuộc họp báo diễn ra sau cuộc thảo luận của các đại diện thuộc Hiệp hội Kế toán công chứng Anh Quốc (ACCA).
Theo Bộ trưởng Datuk Seri Abdul Wahid Omar, mô hình hợp tác và phát triển hiện nay của Hiệp hội dựa trên ba trụ cột chính bao gồm Cộng đồng Chính trị - an ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa – xã hội đã khá toàn diện. “Liên minh châu Âu (EU) là một ví dụ điển hình cho việc thiết lập một thị trường khu vực chung. Họ có đồng tiền chung, Nghị viện châu Âu, Tòa án châu Âu và nhiều thể chế khác. Tuy nhiên, đây không là mục tiêu hướng tới của ASEAN”, Bộ trưởng Wahid Omar khẳng định.
Ông Wahid Omar cũng chia sẻ thêm rằng, các thành viên ASEAN không lạc quan về việc có đồng tiền chung giống như EU. Vấn đề tiền tệ chắc chắn sẽ không phải là vấn đề cần tập trung trong chương trình nghị sự của Hiệp hội. ASEAN còn nhiều việc khác cần phải làm. “Tôi cho rằng không cần phải áp dụng mô hình của EU, chúng ta vẫn có thể thành công thông qua việc thực hiện các cam kết chung”, ông Wahid Omar khẳng định.
Liên quan tới vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Malaysia Tan Sri Dr Zeti Akhtar Aziz cũng bày tỏ quan điểm rằng, nền kinh tế của các nước thành viên chưa có đủ điều kiện để có thể đạt được hệ thống tiền tệ chung. Do đó, thay vì nghĩ tới đồng tiền chung, các nước cần tích cực đẩy mạnh hội nhập tài chính khu vực, hướng tới một nền kinh tế khu vực thịnh vượng.
Theo ông Akhtar Aziz, ASEAN đã trải qua một thời gian dài có tăng trưởng trung bình trên 5%, nhiều hơn mức tăng trưởng trung bình của toàn cầu, vì vậy, Hiệp hội hoàn toàn có thể hy vọng về sự phát triển bền vững trong thời gian tới.
ASEAN hiện là nền kinh tế lớn thứ sáu trên thế giới với dân số 630 triệu người và tổng GDP khoảng 2,5 nghìn tỷ USD. Với lực lượng dân số trẻ, ASEAN có lực lượng lao động lớn thứ ba trên thế giới sau Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, kinh tế của ASEAN có thể phát triển hơn nếu như thể chế của khu vực được củng cố, tăng cường, điển hình như Ban Thư ký ASEAN.
Ban Thư ký ASEAN có trụ sở tại Jakarta (Indonesia), với 300 nhân viên, nhưng kinh phí hoạt động chỉ khoảng 16 triệu USD. Quy mô này nhỏ hơn nhiều so với Nghị viện EU với khoảng 30.000 nhân viên và ngân sách hoạt động lên tới 120 tỷ USD.