📞

Tọa đàm "ASEAN sau 50 năm và Việt Nam"

15:43 | 30/11/2018
"Khách quan mà nói khó có thực thể nào như ASEAN cho tới nay có thể đem lại cho các nước Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương, khu vực vốn trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của chia rẽ và xung đột, những lợi ích to lớn của một môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển, một không gian hợp tác rộng mở quy tụ được hầu hết các cường quốc trong và ngoài khu vực".

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã nhấn mạnh về vai trò của ASEAN trong 50 năm qua tại Tọa đàm “ASEAN sau 50 Năm và Việt Nam” do Bộ Ngoại giao đã tổ chức chiều 30/11, tại Hà Nội.

Toạ đàm là một bước chuẩn bị thiết thực cho việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020 - thời điểm kỷ niệm 25 năm Việt  Nam gia nhập ASEAN.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng phát biểu khai mạc Tọa đàm. (Ảnh: Tuấn Anh)

Tham dự buổi Tọa đàm có: Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan; Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Phó chủ tịch Ủy ban quốc gia Việt Nam về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương; Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Chính trị - An ninh; Tiến sĩ Narongchai, Chủ tịch Uỷ Ban Quốc gia Thái Lan về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương; Giáo sư Fukunari Kimura, Chuyên gia Kinh tế trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA); Tiến sĩ Andrew Elek, Nghiên cứu viên cao cấp, Đại học Quốc gia Australia; Bà Mia Mikic, Giám đốc phụ trách thương mại, đầu tư và sáng tạo, Uỷ ban Liên hợp quốc về kinh tế - xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương; cùng với các diễn giả đến từ Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội... là các cơ quan chủ trì các trụ cột cộng đồng ASEAN.    

Tọa đàm cũng có sự hiện diện của các vị Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện ngoại giao các nước ASEAN và các nước Đối tác của ASEAN, Liên hợp Quốc, cùng hơn 100 đại biểu từ các Bộ, ban ngành, viện nghiên cứu trong nước và giới truyền thông.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh, năm 2018 là năm đầu tiên ASEAN bước vào chặng đường mới sau 50 năm hình thành và phát triển.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Tuấn Anh)

Nửa thập kỷ qua, ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu không thể phủ nhận. Như các nhà ngoại giao kỳ cựu của ASEAN, nguyên Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa và nguyên Trưởng SOM Singapore Kishore Mahbubani trong các công trình nghiên cứu được công bố của mình gần đây đã nhận định: “ASEAN thực sự có vai trò” (ASEAN does matter) và là một “câu chuyện kỳ diệu, là chất xúc tác cho hòa bình ở khu vực” (The ASEAN Miracle:  A Catalyst for Peace).

Câu chuyện thành công của ASEAN đôi khi bị che lấp bởi những chỉ trích về việc ASEAN chưa đáp ứng được những kỳ vọng to lớn mà mọi người dành cho tổ chức này. Tuy nhiên, khách quan mà nói khó có thực thể nào cho tới nay có thể đem lại cho các nước Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương, khu vực vốn trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của chia rẽ và xung đột, những lợi ích to lớn của một môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển, một không gian hợp tác rộng mở quy tụ được hầu hết các cường quốc trong và ngoài khu vực.

Mặc dù như nguyên Tổng thống Indonesia, Tiến sĩ Susilo Bambang Yudhoyono từng nói: “chúng ta không nên coi thành công của ASEAN là đương nhiên, chúng ta cần nỗ lực hơn nữa để tăng cường, tái tạo sức mạnh của ASEAN”. Quả vậy, môi trường quốc tế và khu vực xung quanh ASEAN đang biến chuyển rất nhanh chóng và khó đoán định.

Thứ trưởng nhấn mạnh, chặng đường 50 năm tiếp theo của ASEAN chắc chắn là không bằng phẳng. Cộng đồng ASEAN non trẻ mới hình thành được 3 năm. Sự gắn kết nội khối của ASEAN và các mẫu số lợi ích chung liệu có đủ mạnh để ASEAN giữ vững năng lực tự cường trước các tác động sâu sắc của cạnh tranh chiến lược và những nhiễu động chính trị và kinh tế từ bên ngoài hay không? Nền tảng hợp tác và khuôn khổ thể chế hiện tại của ASEAN có đáp ứng được nhu cầu liên kết ngày càng gia tăng không? ASEAN đã và sẽ làm được gì để đem lại lợi ích thiết thực nhất cho gần 630 triệu người dân của khu vực, để họ cảm nhận được ASEAN trong từng nhịp sống hàng ngày của mình?

“Do đó, hy vọng Tọa đàm hôm nay sẽ giúp chúng ta có cái nhìn rõ hơn về hành trình sắp tới của ASEAN, gợi mở được các vấn đề đặt ra cấp thiết đối với ASEAN, qua đó, xác định phương hướng và các bước đi phù hợp”, Thứ trưởng nói.  

Riêng đối với Việt Nam, Toạ đàm là một bước chuẩn bị thiết thực cho việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020 - thời điểm kỷ niệm 25 năm Việt  Nam gia nhập ASEAN, đồng thời chuẩn bị xây dựng tầm nhìn đối ngoại cho giai đoạn mới phục vụ Đại hội Đảng XIII. Những nội dung thảo luận tại Toạ đàm hôm nay sẽ là cơ sở quan trọng để Việt Nam xây dựng chủ đề và các ưu tiên của ASEAN trong năm 2020. 

Toàn cảnh buổi Tọa đàm. (Ảnh: Tuấn Anh)

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng mong muốn, các vị đại biểu tham dự Tọa đàm sẽ làm rõ được 2 nội dung chính.

Một là, các cơ hội và thách thức chính đặt ra cho ASEAN trong chặng đường tiếp theo sau 50 năm tồn tại, tập trung vào giai đoạn từ nay đến 2025. Đồng thời, chúng ta cũng cần bước đầu xác định diện mạo của Cộng đồng ASEAN sau năm 2025.

Hai là, cách thức Việt Nam có thể đóng góp hữu hiệu nhất cho sự phát triển của ASEAN, đặc biệt trong năm 2020 khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên của Hiệp hội.

Đây là những câu hỏi lớn và không dễ trả lời. Vì vậy, Thứ trưởng kỳ vọng, với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách hàng đầu của khu vực và Việt Nam sẽ phần nào giải đáp các vấn đề trên, cũng như giúp Việt Nam định hướng tốt hơn để chuẩn bị đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2020.