📞

ASEAN: Sự trở lại của tăng trưởng thần kỳ

14:44 | 06/11/2018
Nền kinh tế số với sự mở rộng về thương mại, đầu tư, cũng như vai trò tích cực của yếu tố con người đang tạo nên một tinh thần lạc quan về sự phát triển của kinh tế ASEAN.

Con số ấn tượng trên từng cung đường

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã đi được một chặng đường dài kể từ khi nó được khái niệm hóa vào năm 2003 để trở thành một thị trường với 542 triệu người, có tốc độ tăng trưởng 5,5 % so với 4,2% - mức tăng trưởng toàn cầu. 15 năm tới, ASEAN hứa hẹn sẽ là thị trường của 642 triệu người với mức tăng trưởng 5,9%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu - 3,8%.

ASEAN luôn nỗ lực trong cả hai hình thức hội nhập kinh tế, bao gồm hội nhập kinh tế nội khối và gia tăng hợp tác với các đối tác bên ngoài. (Nguồn: AP)

Lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng là một nhân tố thúc đẩy các nước ASEAN thành lập AEC. Cuối những năm 1990, khi nền kinh tế các nước ASEAN đang phải hứng chịu những tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, Trung Quốc đã nhanh chóng nổi lên là một trung tâm sản xuất của khu vực, Ấn Độ cũng trở thành một trung tâm dịch vụ và bỏ các nước ASEAN ở lại phía sau. Trong bối cảnh đó, việc các quốc gia ASEAN quyết định hướng tới hội nhập khu vực, gắn kết các nền kinh tế để kéo các nhà đầu tư lớn trở lại với khu vực là vô cùng đúng đắn.

Năm 2003, tổng kim ngạch thương mại, đầu tư và du lịch là 825 tỷ USD, 24 tỷ USD và 38 triệu USD với mỗi lĩnh vực tương ứng. Con số này lần lượt tăng gấp khoảng ba lần, đạt mức 2,6 nghìn tỷ USD, 137 tỷ USD và 126 triệu USD vào năm 2017. Điều này có nghĩa là giao dịch thương mại, đầu tư và du lịch đã tăng theo thứ tự là 9,2%, 14,3% và 9,7% mỗi năm trong giai đoạn từ 2003-2017.

ASEAN luôn nỗ lực trong cả hai hình thức hội nhập kinh tế, bao gồm hội nhập kinh tế nội khối và gia tăng hợp tác với các đối tác bên ngoài. Để khuyến khích dòng chảy thương mại nội khối, ASEAN đã quyết định không chỉ loại bỏ thuế quan giữa các nước thành viên mà còn có cùng nhau cam kết hài hoà các quy định, hiện đại hóa hải quan, xây dựng thể chế và đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Trong năm 2017, xét trong tổng giao dịch thương mại, đầu tư và du lịch của ASEAN, trao đổi hàng hóa nội khối chiếm 23%, dịch vụ chiếm 17%, đầu tư 20% ​​và du lịch chiếm 37%. Mặc dù những chỉ số này còn kiêm tốn, nhưng tiềm năng sẽ tăng cao khi các nước ASEAN thực hiện cải cách trong nước và xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng. Hơn nữa, với trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng như những vấn đề này sinh của việc Anh rời khỏi EU (Brexit), các nước ASEAN có thể là điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Khi ASEAN hội nhập ngày càng mạnh mẽ hơn giữa các nước thành viên và ASEAN cũng đã chủ động giảm rào cản thương mại đối với các đối tác khác ngoài khu vực. Hai thập kỷ qua, ASEAN đã ký các thỏa thuận thương mại tự do với các đối tác kinh tế lớn, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Từ đó hứa hẹn cho việc tăng cường thương mại và đầu tư giữa thành viên ASEAN và các đối tác.

Nền kinh tế số sẽ nâng cánh các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ASEAN. (Photo: VNA)

Bước vào kỷ nguyên kinh tế số

Một kỷ nguyên mới đang mở ra trước mắt ASEAN, tạo ra một sinh lực mạnh mẽ thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế của ASEAN. Giờ đây, Hiệp hội đang chuyển hướng nền kinh tế của mình theo hướng nền kinh tế số. Riêng năm 2018, ASEAN đang rất tích cực đưa cơ chế một cửa ASEAN đi vào hoạt động, thương mại điện tử và mạng lưới thành phố thông minh cũng đã bắt đầu trở thành những khái niệm quen thuộc. Thực tế này không đáng ngạc nhiên khi khoảng 75% dân số, tương đương với 480 triệu dân ASEAN đang sử dụng internet và hầu hết đều sử dụng điện thoại di động. Hơn 50% dân số dưới 30 tuổi sử dụng thành thạo các ứng dụng giao dịch trên internet.

Các nước ASEAN đã chú ý đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng Truyền thông và công nghệ Thông tin (ICT), tăng cường sự xâm nhập băng thông rộng ở hầu hết các quốc gia ASEAN. Do đó, các nước ASEAN có điều kiện để phát triển thương mại điện tử, vốn đang còn quy mô nhỏ và chỉ tập trung ở các nước phát triển hơn trong Hiệp hội. Đầu năm 2018, năm nước ASEAN là Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam đã cùng nhau hiện thực hóa cơ chế Một cửa ASEAN, theo đó, các nhà giao dịch chỉ cần gửi một báo cáo với thông tin liên quan tới xuất nhập khẩu lên hệ thống điện tử, các nhà quản lý ở 5 quốc gia này đều có thể tự do truy cập thông tin trên hệ thống.

Giao dịch trực tuyến giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian và tăng cường tính minh bạch trong các quy trình xin cấp phép. 26 thành phố thí điểm trên 10 quốc gia cũng đang thử nghiệm những giải pháp công nghệ ứng dụng vào giải quyết ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, đảm bảo năng lượng bền vững và giải quyết những thách thức phát triển khác. Trong nền kinh tế số, các nền kinh tế cởi mở trong việc chia sẻ kinh nghiệm trên các lĩnh vực như công nghệ, quản trị và phát triển bền vững. Đây là một mối quan hệ cùng thắng (win-win) cho các thành viên ASEAN với các đối tác.

Thực tế, ASEAN đã đi một chặng đường dài từ những khởi đầu khiêm tốn của những năm 1990 khi chủ yếu dựa vào nền kinh tế truyền thống để tăng cường thương mại và đầu tư trong khu vực.

Giờ đây, ASEAN đang từng bước thực hiện hội nhập kinh tế theo một quy mô toàn diện hơn và đầy tham vọng để tăng cường kết nối thương mại, đầu tư, con người và cơ sở hạ tầng với phần còn lại của thế giới. Nền kinh tế số cũng đang giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ cất cánh, tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng trưởng của ASEAN một cách bền vững.

(theo Channel Newsasia)