Đại sứ Trần Đức Bình, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN, Đại diện Việt Nam tại Uỷ ban Điều phối Kết nối, đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các hoạt động nói trên cùng với sự tham gia của đại diện từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Cuộc họp đã ghi nhận và đánh giá cao tiến triển tích cực trong việc triển khai Kế hoạch Tổng thể Kết nối ASEAN 2025 (MPAC 2025).
Trong số 15 sáng kiến nhằm thực hiện 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên chiến lược của MPAC 2025, có 3 dự án về lĩnh vực hạ tầng bền vững, 3 dự án về lĩnh vực sáng tạo số, và 2 dự án về tạo thuận lợi thương mại đang được triển khai; 7 dự án trong các lĩnh vực liên vận, hài hòa tiêu chuẩn kỹ thuật và tạo thuận lợi cho việc di chuyển của người dân… đang trong quá trình chuẩn bị. Các nước đối tác và các tổ chức quốc tế cam kết tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ ASEAN trong triển khai các dự án MPAC 2025.
Trụ sở Ban Thư ký ASEAN ở Jakarta, Indonesia đã diễn ra Cuộc họp đầu tiên trong năm 2019 của Uỷ ban Điều phối Kết nối ASEAN (ACCC) và Cuộc họp lần thứ ba của các đầu mối quốc gia cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng bền vững (LIB-SI). (Nguồn: The Business Times) |
Đáng chú ý, với sự tham gia và hỗ trợ của Australia và Viện nghiên cứu Đông Á-ASEAN (ERIA), hai dự án nghiên cứu đã cơ bản hoàn tất, bao gồm Chiến lược đô thị hóa bền vững của ASEAN và Nghiên cứu về năng lực tham gia của doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSME) của ASEAN trong kinh tế số.
Hiện nay, Ngân hàng Thế giới (WB) đang chủ trì thực hiện dự án giúp ASEAN xây dựng Danh mục các dự án cơ sở hạ tầng bền vững với 40 đề xuất dự án trong các lĩnh vực về hạ tầng đường bộ, đường sắt, mạng lưới điện…, trong đó 2/4 đề xuất dự án của Việt Nam là dự án về Đường cao tốc Hồ Chí Minh - Mộc Bài và Hành lang ven biển phía Nam Giai đoạn 2 đã được đưa vào nhóm các dự án ưu tiên mời đầu tư.
Cuộc họp đã thông qua các ưu tiên về kết nối của năm Chủ tịch ASEAN 2019 của Thái Lan và Kế hoạch công tác giai đoạn 2019-2021 triển khai MPAC 2025. Theo đó, trong thời gian tới, các nước ASEAN sẽ tập trung nguồn lực và thúc đẩy triển khai các dự án về kho vận liên thông như xây dựng dữ liệu về các tuyến thương mại, xây dựng khuôn khổ đánh giá hiệu quả chuỗi cung ứng, thúc đẩy du lịch ASEAN thông qua thông tin điện tử, nâng cao đào tạo nghề ở ASEAN.
Ngoài ra, cuộc họp cũng nhấn mạnh việc cần tăng cường quảng bá, phổ biến rộng rãi thông tin về nội dung và lợi ích của Kế hoạch Tổng thể Kế nối ASEAN 2025 (MPAC 2025) và thu hút đầu tư của khu vực tư nhân, các nước đối tác, các tổ chức tài chính quốc tế và khu vực… cho triển khai MPAC 2025.
Cuộc họp cũng nhất trí cần khuyến khích sự tham gia đồng bộ của các cơ quan chuyên ngành của ASEAN trong triển khai các dự án MPAC 2025, tăng cường cơ chế phối hợp, và liên kết việc triển khai MPAC 2025 với các sáng kiến kết nối khu vực của các nước đối tác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ...
Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN tới năm 2025 với tầm nhìn tạo ra một ASEAN kết nối và liên kết toàn diện, thông suốt đã được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28 tại thủ đô Viên Chăn, Lào hồi tháng 9/2016.