Hội thảo là hoạt động nằm trong Chương trình quốc gia kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN tại Việt Nam do Học viện Ngoại giao phối hợp với Vụ ASEAN (Bộ Ngoại giao) và Quỹ Konrad Adenauer đồng tổ chức.
Đây cũng là một hoạt động trong khuôn khổ Mạng lưới các Viện Nghiên cứu Chiến lược ASEAN (ASEAN-ISIS) nhằm kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN và qua đó mở rộng trao đổi, đóng góp những ý tưởng, những sáng kiến mới cho việc hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 trên tầm quốc gia và khu vực.
Các đại biểu chụp ảnh tại Hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Tham dự hội thảo có gần 100 đại biểu, trong đó có Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, các đồng chí nguyên Lãnh đạo Chính phủ, đại diện các Bộ, ngành tham gia hợp tác ASEAN, các cơ quan nghiên cứu và hơn 20 cơ quan truyền thông trong nước. Hội thảo cũng có sự tham dự của Lãnh đạo một số cơ quan nghiên cứu hàng đầu khu vực thuộc Mạng lưới ASEAN-ISIS. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng đã tham dự và có bài phát biểu đề dẫn.
Trong bài phát biểu, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đã nhấn mạnh những thành tựu mang tính bước ngoặt trong lịch sử phát triển của ASEAN: “Từ 5 thành viên ban đầu, ASEAN đã mở rộng đầy đủ gồm 10 nước Đông Nam Á, thành lập trên cơ sở một tuyên bố chính trị trở thành một tổ chức hợp tác khu vực toàn diện, hoạt động trên cơ sở pháp lý và khuôn khổ thể chế là Hiến chương ASEAN. Đặc biệt, ASEAN đã có sự chuyển mình mang tính bước ngoặt khi chính thức hình thành Cộng đồng từ ngày 31/12/2015 với đầy đủ ba trụ cột về chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội”.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Theo Thứ trưởng, dấu mốc bản lề này đã giúp ASEAN bước vào giai đoạn phát triển mới vững vàng hơn, được nâng cao cả về hình thức và cấp độ hợp tác, là sự chuẩn bị nền tảng và khuôn khổ cho ASEAN xây dựng thành công một Cộng đồng ASEAN gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và cùng chia sẻ trách nhiệm xã hội.
Trước sự chuyển động không ngừng của thế giới và khu vực, Thứ trưởng cho rằng, các nước ASEAN cần hiểu rõ những cơ hội và thách thức, để cùng tìm ra giải pháp thực hiện những mục tiêu chính là xây dựng Cộng đồng vững mạnh, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, đẩy mạnh liên kết kinh tế nội khối và gia tăng gắn kết người dân bằng những giá trị, qua đó tăng cường sức sống của ASEAN và nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực.
Ông Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Cũng tại phiên khai mạc, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao, đã khẳng định vai trò gắn kết, thúc đẩy hợp tác của ASEAN trong khu vực, sự thành công và sức sống của ASEAN trước những diễn biến phức tạp ở châu Á - Thái Bình Dương. Hội thảo lần này là một trong nhiều nỗ lực của giới nghiên cứu chiến lược góp phần hình dung ra con đường tương lai của ASEAN để đồng hành cùng chính phủ và người dân các nước thành viên trên con đường đó.
"Vượt qua những chuyển biến lớn, phức tạp và sâu sắc trong tình hình quốc tế và khu vực trong 5 thập kỷ qua, ASEAN đã trở thành tổ chức hợp tác khu vực thành công nhất. Trong bối cảnh hiện nay, khi các nước châu Âu đang phải đối mặt với vấn đề Brexit và nhiều thách thức khác, các điểm nóng tại châu Á - Thái Bình Dương diễn biến phức tạp với sự cạnh tranh và cọ xát giữa các nước lớn, thành công và sức sống của ASEAN càng được thể hiện rõ nét thông qua vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực đang định hình", ông Nguyễn Vũ Tùng khẳng định.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Vũ Tùng cũng cho rằng, trên chặng đường 50 năm sắp tới, cùng với những cơ hội đang rộng mở, ASEAN cũng phải đối mặt với nhiều thách thức để duy trì và phát huy những thành tựu ấn tượng của 50 năm qua.
Hội thảo đã tiến hành 4 phiên thảo luận, trong đó các đại biểu đã điểm lại những thành tựu của ASEAN trong 50 năm qua, đánh giá những cơ hội và thách thức đặt ra cho ASEAN trong cục diện châu Á - Thái Bình Dương hiện nay, đề xuất các biện pháp xây dựng Cộng đồng ASEAN và đưa ra một số kiến nghị chính sách đối với các nước thành viên.