📞

ASEAN và CMCN 4.0: Phát triển hoặc tụt hậu

09:19 | 06/09/2018
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) có ý nghĩa như thế nào đối với hội nhập kinh tế khu vực ASEAN?

Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới ASEAN (WEF ASEAN) 2018, diễn ra từ ngày 11-13/9 tại Hà Nội, với chủ đề ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” được kỳ vọng sẽ giải quyết câu hỏi trên một cách chính xác và chi tiết nhất.

Bước đi lịch sử

Tất nhiên, đây là cơ hội hay thách thức còn phụ thuộc vào từng quốc gia. Báo cáo nghiên cứu về ASEAN 4.0 do các chuyên gia khu vực của WEF ASEAN và Ngân hàng Phát triển châu Á công bố mới đây chỉ rõ, trong 50 năm qua, ASEAN đã tạo nên nhiều thành công đáng chú ý, mà ấn tượng nhất là xây dựng một cộng đồng đoàn kết, gắn bó và cùng tiếng nói chung trên các diễn đàn thế giới.

Nhưng cùng với những thành công đó, ASEAN đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có thách thức lớn đến từ sự lan truyền không giới hạn của CMCN 4.0. Và đôi khi cuộc cách mạng này sẽ gây “đau đớn” nhiều hơn là “hạnh phúc”, trong vòng 30 năm tới. Tác động của CMCN 4.0 sẽ đặt mỗi quốc gia và khu vực trước bài toán khó về chính sách và các ưu tiên phát triển.

Tác động của CMCN 4.0 sẽ đặt mỗi quốc gia và khu vực trước bài toán khó về chính sách và các ưu tiên phát triển.

Đối với quốc gia, nhiều công nghệ đột phá mang tính sáng tạo, thậm chí là phá hủy, đang loại bỏ dần ưu thế của kinh nghiệm, phương thức quản trị cũ và mô hình kinh doanh cũ. Đối với khu vực, bản chất của quan hệ và tương tác kinh tế xuyên biên giới đều sẽ được mạng hóa, còn tốc độ phát triển và tầm ảnh hưởng của nó sẽ khiến nhiệm vụ định hình chính sách khu vực trở nên khó khăn hơn. Từ đó, yêu cầu các tổ chức như ASEAN cần phải có cách tiếp cận mới, những bước đi mới, mang tính lịch sử trong quản trị khu vực.   

5 cách tiếp cận mới đối với quản trị khu vực

Theo phân tích trong Báo cáo, CMCN 4.0 sẽ không chỉ ảnh hưởng đến các ưu tiên và các vấn đề hội nhập trong khu vực ASEAN, mà còn đòi hỏi một cách tiếp cận mới để các chính sách này được tạo ra và thực hiện như thế nào. CMCN 4.0 và tốc độ lan truyền của nó buộc các nhà lãnh đạo ASEAN phải suy nghĩ một cách sáng tạo về cách nâng cấp quy trình xây dựng chính sách, thiết lập các tiêu chuẩn và quy định mới ở quy mô khu vực. Nếu không, mình ASEAN có thể sẽ không đi cùng với dòng chảy toàn cầu, thay vì phát triển mạnh mẽ, mà có thể sẽ bị bỏ lại phía sau.

Các chuyên gia cho rằng, các mô hình chính sách, quy định và tiêu chuẩn truyền thống thường tương đối tuyến tính, mất khá nhiều thời gian và theo cách tiếp cận từ trên xuống. Ngày nay, các yêu cầu về quản trị khu vực đòi hỏi một bộ nguyên tắc khác, phải theo kịp với những bước tiến chưa từng có của thời đại mới - CMCN 4.0. Trong đó nổi lên 5 cách tiếp cận mới đối với quản trị khu vực mà ASEAN cần tham khảo.

Tốc độ – Tất nhiên tốc độ không phải là tất cả, nhưng là yếu tố rất quan trọng. Với những bước thay đổi và tăng tốc quá nhanh chóng, các nhà hoạch định chính sách phải thừa nhận rằng, quá trình đưa ra các quy tắc, luật lệ và các tiêu chuẩn mới phải theo kịp với sự thay đổi của công nghệ.

Phản ứng nhanh - Các cơ quan quản lý, nhà quản lý và các nhà hoạch định chính sách phải có khả năng phản ứng nhanh chóng trong hoàn cảnh mới mà không đánh mất mục tiêu và giá trị bao quát mà các quy tắc đã được thiết kế để hỗ trợ. Trong xu thế phát triển không thể cưỡng lại của công nghệ, các nhà quản lý phải có khả năng điều chỉnh chính phương hướng của bản thân để phù hợp với điều kiện thực tế.

Thử nghiệm và ứng dụng - Một phần trong việc ứng dụng các cách tiếp cận mới, phản ứng nhanh trong việc hoạch định chính sách là cần phải có nhiều thử nghiệm được lặp đi lặp lại. Tức là, thay vì việc thực hiện các quy trình và tiêu chuẩn thử nghiệm lâu dài để thiết lập nên các quy tắc và tiêu chuẩn mới, các nhà hoạch định chính sách sẽ cần phát triển ý tưởng một cách nhanh chóng, triển khai các ý tưởng này bằng thử nghiệm, tiếp thu các bài học một cách nhanh chóng và hướng các phản hồi này vào quy trình tạo nên quy tắc và tiêu chuẩn mới. Các tổ chức xây dựng thể chế có thể liên kết các thử nghiệm ở quy mô địa phương tại các quốc gia khác nhau, để cung cấp nhanh hơn kết quả từ các mô hình thử nghiệp, để thiết kế nên các quy định ở quy mô khu vực.

Bao trùm và đa lợi ích  -  Để thực hiện chính sách hiệu quả phải xem xét các quan điểm và đầu vào của tất cả các bên liên quan. Chẳng hạn, xây dựng chính sách về xe tự lái sẽ yêu cầu đầu vào không chỉ từ Chính phủ và các công ty vận tải, mà còn từ các công ty bảo hiểm, nhà quy hoạch đô thị, nhóm người tiêu dùng, cố vấn xã hội, công nghệ và chuyên gia môi trường

Mở - CMCN 4.0 là một hiện tượng toàn cầu, trong đó, các khu vực không nên đóng cửa mà phải luôn mở rộng hợp tác. May mắn là từ trước tới nay, cách tiếp cận của ASEAN vẫn được coi như một hình mẫu của chủ nghĩa khu vực mở. Chính điều đó đã xây dựng nên một ASEAN có một nền tảng lý tưởng cho việc phát triển các quy định và luật lệ vượt qua ranh giới quốc gia, vẫn mở rộng cửa cho thị trường toàn cầu, nhưng đồng thời duy trì các giá trị và nguyên tắc riêng của khu vực.

(theo WEF, ADB)