📞

ASEAN với vấn đề an ninh con người

PGS.TS. DƯƠNG VĂN HUY (*) - ThS. VŨ MẠNH HÙNG (**) 11:02 | 08/08/2023
Trong những năm gần đây, vấn đề an ninh con người đã trở thành một trong vấn đề trọng tâm của ASEAN bởi tinh thần cốt lõi của ASEAN là “lấy người dân làm trung tâm và hướng đến người dân”, đây cũng là mục tiêu và động lực của tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Các đại biểu dự phiên đối thoại với Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR), ngày 11/7. (Ảnh: Tuấn Anh)

Vấn đề “an ninh con người” trong quá trình phát triển của ASEAN

Kể từ khi thành lập, vấn đề an ninh con người đã là một trong những nội dung then chốt của ASEAN và là một trong những đích hướng tới của việc xây dựng Cộng đồng ASEAN (AC). ASEAN đã thực hiện khái niệm “an ninh” trong Chiến tranh Lạnh, mặc dù Tuyên bố Bangkok không đề cập rõ ràng từ “an ninh”.

Vào thời điểm đó, hợp tác khu vực trong lĩnh vực an ninh được nhấn mạnh vào hợp tác trong lĩnh vực quân sự đồng thời duy trì nguyên tắc chủ quyền quốc gia và nguyên tắc không can thiệp như được quy định trong Hiệp ước Thân thiện và hợp tác (TAC) năm 1976.

Với sự chuyển dịch quan niệm về an ninh, chính sách hiện nay của ASEAN không chỉ tập trung vào quan niệm an ninh truyền thống mà còn hướng đến lĩnh vực an ninh phi truyền thống, mặc dù nội dung này không được nêu rõ trong Hiến chương ASEAN.

Do vậy, vấn đề an ninh con người không thuần túy là vấn đề an ninh mà còn liên quan đến các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa. Điều này được bao hàm trong nội dung quy định tại Điều 8 Hiến chương ASEAN trên nguyên tắc an ninh tổng thể.

Bên cạnh đó, thiên tai được coi như một vấn đề an ninh con người quan trọng ở khu vực Đông Nam Á. Trong Kế hoạch tổng thể của Cộng đồng chính trị và an ninh ASEAN (APSC), việc đề cập khái niệm an ninh phi truyền thống được liệt kê trong mục 9 của chương về đặc điểm và các thành tố của APSC.

Vấn đề quản lý thảm họa được nhắc đến rõ ràng trong đặc điểm thứ hai, đó là khu vực gắn kết, hòa bình và kiên định với trách nhiệm chung về an ninh toàn diện.

Một trong những dấu mốc quan trọng nhất trong quản lý thiên tai ở ASEAN sau khi Hiến chương ASEAN được ban hành là việc thông qua Hiệp định ASEAN về Quản lý thiên tai và ứng phó khẩn cấp (AADMER) vào năm 2009, mặc dù hiệp định này được đưa ra từ năm 2005.

Để thực hiện chức năng này, ASEAN đã thành lập Trung tâm điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo và quản lý thiên tai (Trung tâm AHA) bắt đầu hoạt động từ tháng 11/2011, có chức năng điều phối quản lý thiên tai trong ASEAN.

Trong những năm gần đây, do nhu cầu xây dựng Cộng đồng ASEAN, các nước thành viên của khối cũng đã từng bước điều chỉnh cách tiếp cận an ninh của mình, coi yếu tố con người là một trong những thành tố chính cấu thành an ninh quốc gia và thúc đẩy hội nhập khu vực và thế giới.

Điều này được thể hiện qua bản Hiến chương ASEAN được thông qua tháng 11/2007 và trong các chương trình phát triển quốc gia của các nước thành viên.

Việc thông qua Hiến chương ASEAN trong đó nhấn mạnh vấn đề an ninh con người như trong tuyên bố: “Tuân thủ các nguyên tắc về dân chủ, pháp quyền và quản trị tốt, tôn trọng và bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản” (tại Mục 9 của Lời nói đầu), và việc thiết lập cơ quan nhân quyền, phù hợp với các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản của con người, đã minh chứng cho việc ASEAN từng bước khẳng định vai trò của an ninh con người.

Sự ra đời của AC và khẳng định mục tiêu của xây dựng cộng đồng hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm là minh chứng rõ nhất đối với tầm quan trọng của vấn đề an ninh con người đối với mục tiêu phát triển của ASEAN.

Trở ngại của “Phương cách ASEAN” trong giải quyết thách thức an ninh con người

ASEAN ban đầu được thành lập với mục đích bảo đảm an ninh cho khu vực Đông Nam Á và không nhằm mục đích hội nhập các lĩnh vực kinh tế của các quốc gia thành viên hoặc thành lập các tổ chức siêu quốc gia. ASEAN tăng cường hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, cụ thể là bằng việc đưa ra tuyên bố về Khu vực hòa bình, tự do và trung lập (ZOPFAN) năm 1971 và thứ hai, trong Hội nghị Bali năm 1976 đã tạo ra TAC.

ASEAN tìm cách tạo ra sự ổn định quốc phòng và an ninh khu vực bằng cách tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực xã hội, kinh tế và văn hóa. Vào thời điểm đó, hợp tác khu vực trong lĩnh vực an ninh tập trung vào hợp tác trong lĩnh vực quân sự đồng thời duy trì nguyên tắc không can thiệp và chủ quyền quốc gia như đã đề ra trong TAC năm 1976.

Nguyên tắc chủ quyền quốc gia và không can thiệp được đặt ra trong TAC đã trở thành cơ sở pháp lý cho các cơ chế của ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề ở Đông Nam Á cũng như trong ứng xử với các quốc gia thành viên.

Cơ chế này của ASEAN được gọi là “Phương cách ASEAN”, là cốt lõi của văn hóa an ninh ASEAN bao gồm một số yếu tố, đó là: bình đẳng về chủ quyền, không sử dụng vũ lực, không can thiệp của ASEAN vào các xung đột song phương, thực hiện ngoại giao thầm lặng, tôn trọng lẫn nhau và khoan dung.

Bản thân khái niệm Phương cách ASEAN là một nguyên tắc phát triển và bắt nguồn từ truyền thống của các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là ở Indonesia trong việc giải quyết một vấn đề, cụ thể là nguyên tắc thảo luận và đồng thuận.

Có thể thấy, nguyên tắc chủ quyền quốc gia và không can thiệp là trọng tâm của “Phương cách ASEAN” (ASEAN Way). Nguyên tắc này được các nước thành viên ASEAN ở khu vực Đông Nam Á thực thi rất mạnh mẽ.

Trong một số trường hợp chẳng hạn như trong quan hệ giữa các quốc gia với nhau hay việc giải quyết các xung đột xảy ra trên lãnh thổ của một quốc gia thành viên ASEAN, nguyên tắc này được coi là kim chỉ nam khá hữu hiệu để ngăn chặn những xích mích nảy sinh trong quan hệ giữa các quốc gia này.

Tuy nhiên, nếu liên quan đến việc xử lý vấn đề an ninh con người ở Đông Nam Á, đặc biệt là ứng phó với thiên tai, việc áp dụng nguyên tắc quốc gia chủ quyền và tuyệt đối không can thiệp vào Đông Nam Á của các nước thành viên ASEAN còn có những thách thức nhất định.

Mặc dù ASEAN nhận thức sâu sắc vai trò của “an ninh con người” ở khu vực, nhưng gặp phải thách thức mang tính cốt lõi nhằm bảo đảm vấn đề an ninh con người, đó chính là “Phương cách ASEAN” với nguyên tắc cốt lõi là “chủ quyền nhà nước” và “không can thiệp”.

Điểm yếu của “Phương cách ASEAN” với tư cách là “Cơ chế ASEAN trong quản lý thiên tai ở khu vực Đông Nam Á” chính là nguyên tắc nhà nước chịu trách nhiệm chính cho việc quản lý thiên tai xảy ra trên một địa bàn của đất nước. Nhà nước có trách nhiệm tuyệt đối trong việc bảo vệ công dân của mình bị ảnh hưởng bởi thiên tai bằng cách bảo đảm thực hiện các quyền con người.

Song, nguyên tắc chủ quyền tuyệt đối của Nhà nước và không can thiệp theo “Phương cách ASEAN” sẽ không thành công trong giải quyết các vấn đề an ninh con người, đặc biệt là trong trường hợp thiên tai lớn ở biên giới quốc gia cũng như khi xung đột vũ trang xảy ra khiến đất nước không thể hoặc không sẵn sàng xử lý.

Điều này cũng bị ảnh hưởng bởi sự khác biệt về quan điểm và mục tiêu giữa khái niệm “Phương cách ASEAN” và khái niệm an ninh con người, thể hiện ở một số điểm như:

(i) “Phương cách ASEAN” nhấn mạnh rằng đối tượng của an ninh là các quốc gia-dân tộc có chủ quyền và trong một số trường hợp là “các dân tộc” của Đông Nam Á. Mặt khác, “an ninh con người” nhấn mạnh đối tượng là cá nhân;

(ii) “Phương cách ASEAN” xác định quốc gia-dân tộc là người bảo đảm an ninh thích hợp, người thực thi an ninh, trong khi “an ninh con người” xác định cộng đồng toàn cầu là người bảo đảm an ninh;

(iii) “Phương cách ASEAN” thúc đẩy sự hợp tác dần dần và tự nguyện của các quốc gia nhằm đạt được an ninh toàn diện, trong khi “an ninh con người” ủng hộ hành động quyết định ngắn hạn và trung hạn có hoặc không có sự hợp tác của quốc gia này với quốc gia khác.

Các đại biểu tham dự cuộc họp lần thứ 37 Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền từ ngày 22-26/5 tại Bali, Indonesia. (Nguồn: asean.org)

Triển vọng của ASEAN đối với vấn đề an ninh con người

Mặc dù ASEAN có những trở ngại nhất định trong việc giải quyết vấn đề an ninh con người, song khối này cũng có nhiều triển vọng trong việc thúc đẩy bảo đảm an ninh con người ở khu vực. Chẳng hạn như, ASEAN có thể tận dụng các cơ chế hợp tác do ASEAN dẫn dắt tại khu vực để thúc đẩy hợp tác với các đối tác trong vấn đề an ninh con người.

Ví dụ điển hình là khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, ASEAN cũng đã tương đối thành công trong việc thúc đẩy hợp tác với các đối tác trong việc ứng phó với đại dịch và phục hồi sau đại dịch.

Bên cạnh đó, ASEAN có thể phát huy các cơ quan của mình trong việc bảo đảm an ninh con người. Chẳng hạn như cơ quan ASEAN có thẩm quyền trong vấn đề ứng phó với thiên tai ở khu vực là Trung tâm hỗ trợ nhân đạo ASEAN (AHA).

Ngoài ra, cũng cần tăng cường vai trò của Tổng thư ký ASEAN (biểu hiện của ASEAN dưới hình thức một tổ chức quốc tế độc lập và phân biệt với các nước thành viên) trong các tình huống ứng phó khẩn cấp nhân đạo.

Hiện tại, vai trò của Tổng thư ký ASEAN vẫn thuộc quyền kiểm soát của các nước thành viên, giới hạn ở vai trò điều phối viên hỗ trợ nhân đạo trong ứng phó thiên tai. Tổng thư ký ASEAN có thể đóng vai trò tích cực hơn trong quá trình bảo đảm an ninh con người ở khu vực Đông Nam Á.

Chẳng hạn như, Tổng thư ký ASEAN có thể ra quyết định nhanh chóng và hợp tác với các bên khác trong việc tìm kiếm và tiếp nhận hỗ trợ nhân đạo cho các nước thành viên bị thiên tai trong trường hợp nước đó không có khả năng hoặc không sẵn sàng ứng phó. Điều này chỉ được thực hiện như một hình thức bảo đảm cho việc thực hiện các quyền con người của nạn nhân thiên tai.

Ngoài ra, ASEAN có thể phát huy mạnh mẽ hơn vai trò của Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR) được thành lập tháng 10/2009 như một cơ quan tham vấn của ASEAN. Ủy ban thúc đẩy và bảo vệ Nhân quyền, hợp tác khu vực về nhân quyền trong các thành viên của ASEAN.

Vấn đề an ninh con người là một trong những vấn đề then chốt của ASEAN, nhất là đối với tương lai phát triển của Cộng đồng ASEAN hướng tới con người, lấy người dân làm trung tâm. ASEAN phải ưu tiên bảo đảm tự cung, tự cấp lương thực và an ninh trong khu vực thông qua các giải pháp sáng tạo để đạt được an ninh con người tổng thể.

Đồng thời, vấn đề an ninh con người cũng là một trong những nội dung quan trọng mà Việt Nam đang hướng tới theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Đảng ta xác định: “Tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người”.

Trong sáu nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ Đại hội XIII có nhiệm vụ “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”…

Cho nên, làm rõ vấn đề an ninh con người đối với ASEAN góp phần thúc đẩy sự gắn kết giữa Việt Nam và ASEAN trong mục tiêu phát triển chung của khu vực.

Điểm yếu của “Phương cách ASEAN” với tư cách là “Cơ chế ASEAN trong quản lý thiên tai ở khu vực Đông Nam Á” chính là nguyên tắc nhà nước chịu trách nhiệm chính cho việc quản lý thiên tai xảy ra trên một địa bàn của đất nước. Nhà nước có trách nhiệm tuyệt đối trong việc bảo vệ công dân của mình bị ảnh hưởng bởi thiên tai bằng cách bảo đảm thực hiện các quyền con người. Song, nguyên tắc chủ quyền tuyệt đối của Nhà nước và không can thiệp theo “Phương cách ASEAN” sẽ không thành công trong giải quyết các vấn đề ANCN, đặc biệt là trong trường hợp thiên tai lớn ở biên giới quốc gia cũng như khi xung đột vũ trang xảy ra khiến đất nước không thể hoặc không sẵn sàng xử lý.

(*) Viện Nghiên cứu Đông Nam Á

(**) Học viện An ninh Nhân dân