📞

AUKUS đang 'phủ bóng đen' lên thỏa thuận thương mại tự do EU-Australia?

Mai Ly 20:52 | 25/09/2021
Chính phủ Australia có thể đợi đến sau cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vào tháng Tư sang năm để hoàn tất tiến trình đàm phán hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU), nhằm tránh những rủi ro có thể xảy ra khi Pháp đang "nổi cơn thịnh nộ" với thỏa thuận an ninh Anh-Mỹ-Australia (AUKUS).

Trong bài viết đăng tải trên tờ Australian Financial Review (AFR), nhà báo John Kehoe cho biết, Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư Australia Dan Tehan đang nỗ lực thiết lập một cuộc gặp mặt trực tiếp với người đồng cấp Pháp Franck Riester vào đầu tháng tới.

Ông Dan Tehan sẽ đến Paris để tham dự cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) và sau đó đến Brussels dự vòng đàm phán thứ 12 của Hiệp định thương mại tự do EU-Australia (FTAEA).

FTA EU-Australia đang có nguy cơ bị đình trệ do tác động từ hiệp ước quốc phòng AUKUS. (Nguồn: Getty)

Bối cảnh chính trị không thuận lợi

Brussels và Canberra bắt đầu các cuộc đàm phán FTA từ giữa năm 2018, với việc Australia mong muốn EU mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản của mình như thịt bò, thịt cừu, sữa, gạo và đường.

Theo Ủy ban châu Âu (EC), EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Australia. Năm 2020, giá trị thương mại hàng hóa giữa hai bên lên tới 36 tỷ Euro (40,7 tỷ USD). Năm 2019, thương mại dịch vụ trị giá 26 tỷ Euro (29,4 tỷ USD).

Vòng đàm phán thứ 12 của FTA EU-Australia đã đi gần tới đích, nhưng các quốc gia riêng lẻ của EU sẽ cần phải phê chuẩn hiệp định.

Khu vực Mỹ Latinh đã hoàn tất đàm phán một hiệp định thương mại tự do với EU, nhưng việc ký kết cuối cùng vẫn đang bị đình trệ, bởi Pháp hiện nay đang tập trung cho cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra vào năm sau.

Dựa trên kinh nghiệm đó, Australia dự tính sẽ hoàn tất FTA EU-Australia vào giữa năm 2022, sau khi cuộc bầu cử Tổng thống Pháp kết thúc.

Pháp, một trong những thành viên có ảnh hưởng nhất trong EU, đã từng là nhân tố thúc đẩy Brussels đẩy nhanh FTA EU-Australia.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán FTA EU-Australia có thể trở nên phức tạp hơn, do Canberra "gây chấn động" Paris bằng việc đột ngột hủy bỏ hợp đồng đóng tàu ngầm trị giá 90 tỷ AUD (63 tỷ USD) với tập đoàn đóng tàu ngầm Naval.

Sau đó, Australia thay thế hợp đồng đó bằng một thỏa thuận đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mới do Mỹ và Anh chuyển giao công nghệ.

Pháp đã thực hiện một bước đi bất thường, với việc triệu hồi các đại sứ tại Canberra và Washington trở về nước, đồng thời cảnh báo sự vi phạm lòng tin (liên quan đến các cuộc đàm phán bí mật về chương trình đóng tàu ngầm) có thể gây ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán FTA EU-Australia.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cáo buộc Australia và Mỹ "hai mặt", trong khi Bộ trưởng Bộ các vấn đề châu Âu Clement Beaune liên kết vụ việc tàu ngầm nói trên với các cuộc đàm phán hiệp định thương mại tự do.

Ông Beaune nói: "Chúng tôi đang có các cuộc đàm phán thương mại với Australia… Tôi không biết làm thế nào chúng tôi có thể tin tưởng các đối tác Australia".

Công đảng Australia đã cảnh báo chính quyền của Thủ tướng Scott Morrison rằng vấn đề này có thể làm suy yếu vị thế thương lượng của Australia trong đàm phán FTA EU-Australia và dẫn đến những hậu quả tồi tệ cho các nhà xuất khẩu nội địa.

Cựu Bộ trưởng Thương mại Australia và hiện là Bộ trưởng Tài chính, Simon Birmingham phủ nhận Australia đã "bất cẩn" trong mối quan hệ ngoại giao với Pháp và không tham vấn đầy đủ.

Trả lời kênh truyền thông ABC, ông Birmingham nói: "Chúng tôi đã thông báo cho chính phủ Pháp ngay khi có cơ hội sớm nhất, trước khi vấn đề được công bố công khai".

Đàm phán FTA EU-Australia sẽ "trật bánh"?

Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư Australia Dan Tehan sẽ có mặt tại thủ đô Paris để tham dự cuộc họp của OECD vào đầu tháng 10/2021 và sau đó tới Brussels tham gia đàm phán thỏa thuận thương mại tự do với EU.

Ngày 19/9, ông Tehan phát biểu: "Thương mại song phương và mối quan hệ kinh tế bền chặt giữa Australia và EU là vì lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và người lao động ở cả Australia và EU. Tôi thường xuyên liên lạc với các đồng nghiệp của mình tại EU và chúng tôi tiếp tục đàm phán một cách thiện chí, bao gồm cả việc chuẩn bị cho vòng đàm phán tiếp theo, bắt đầu vào ngày 12/10".

Theo quan sát của truyền thông Australia, Canberra hoàn toàn bất ngờ trước mức độ tức giận của Pháp, nhưng lạc quan thận trọng rằng Paris sẽ không làm suy yếu các cuộc đàm phán thương mại với EU, vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến các đối tác châu Âu khác.

Chuyên gia chính sách đối ngoại của Viện nghiên cứu Lowy Australia, Hervé Lemahieu, nói Australia đã xử lý sai đường lối ngoại giao với Pháp và điều đó có thể gây phức tạp thêm cho các cuộc thảo luận về thỏa thuận thương mại với EU.

Tuy nhiên, ông cho rằng nếu Pháp làm như vậy thì sẽ gây ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của 26 quốc gia thành viên EU khác.

Tờ AFR tiết lộ, EU đã đánh tín hiệu rằng việc Australia hủy hợp đồng tàu ngầm với Pháp sẽ không tác động quá lớn đến các cuộc đàm phán FTA EU-Australia.

Ngày 17/9, khi được hỏi liệu FTA EU-Australia có bị trì hoãn hoặc "trật bánh", do Canberra phá vỡ hợp đồng quốc phòng với Pháp hay không, Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell trả lời các phóng viên rằng: "Đừng trộn lẫn táo và lê".

Ông Borrel cho biết: "Các thỏa thuận thương mại với Australia sẽ tiếp tục theo đúng hướng và chúng ta sẽ chờ xem mọi thứ phát triển như thế nào". Ông Borrell cũng nhấn mạnh rằng EU muốn "thúc đẩy hợp tác với các quốc gia như Australia".

(theo Australian Financial Review)