📞

AUKUS khởi động: Australia hủy hợp đồng, Pháp thấy 'bị phản bội', Mỹ lấy làm tiếc về việc Paris triệu hồi Đại sứ

Chu Văn 07:13 | 18/09/2021
Ngày 17/9, Nhà Trắng đã bày tỏ lấy làm tiếc về việc Pháp triệu hồi Đại sứ tại Mỹ để tham vấn, đồng thời khẳng định Mỹ muốn giải quyết căng thẳng thông qua đường ngoại giao.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian. (Nguồn: Bộ Ngoại giao Pháp)

Một quan chức của Nhà Trắng yêu cầu dấu tên nói rõ: “Chúng tôi lấy làm tiếc rằng, họ (Pháp) đã tiến hành bước đi này, chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi trong những ngày tới để giải quyết những khác biệt, như đã từng làm trong các vấn đề khác trong mối quan hệ đồng minh lâu dài này”.

Quan chức Nhà Trắng đưa ra tuyên bố trên sau khi Ngoại trưởng Pháp Le Drian cùng ngày thông báo nước này đã triệu hồi Đại sứ tại Mỹ và Australia để tham vấn về việc Canberra từ bỏ thỏa thuận mua các tàu ngầm của Pháp trị giá khoảng 40 tỷ USD để chuyển sang các tàu của Mỹ.

Theo Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra quyết định hiếm hoi trên do “tính nghiêm trọng đặc biệt của tuyên bố được Australia và Mỹ đưa ra hôm 15/9".

Người đứng đầu ngành ngoại giao Pháp nói: "Việc từ bỏ dự án tàu ngầm lớp đại dương mà Australia và Pháp đã thực hiện từ năm 2016 và việc công bố quan hệ đối tác mới với Mỹ nhằm nghiên cứu khả năng hợp tác trong tương lai về tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân là hành động không thể chấp nhận được giữa các đồng minh và các đối tác, nó ảnh hưởng đến khái niệm mà chúng ta có về liên minh, quan hệ đối tác của chúng ta và tầm quan trọng của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đối với châu Âu".

Đây được cho là lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại Pháp có động thái gay gắt như vậy. Hồi đầu tuần, chính phủ Pháp nói rằng, họ cảm thấy "bị phản bội" khi Australia hủy thỏa thuận đóng 12 tàu ngầm truyền thống ước tính 65 tỷ USD với Pháp, thay vào đó đạt thỏa thuận mới với Mỹ và Anh về tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Việc tuột mất thỏa thuận này có thể tác động mạnh đến ngành sản xuất quốc phòng của Pháp, ngoài ra nó có thể khiến Pháp thua thiệt về mặt chiến lược ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi mà họ có những lợi ích quan trọng.

Trong tuyên bố ngày 15/9, Mỹ, Anh và Australia thông báo sẽ thiết lập quan hệ đối tác an ninh 3 bên, được gọi là AUKUS, ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, giữa lúc ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng gia tăng trong khu vực.

AUKUS tạo tiền đề chuyển giao hàng loạt công nghệ tiên tiến và năng lực quốc phòng cho Australia - một quốc gia có vị trí quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ.

Theo quy định của quan hệ đối tác mới được Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Australia Scott Morrison công bố, Washington và London sẽ cung cấp cho Australia công nghệ và năng lực triển khai các tàu ngầm hạt nhân, điều này dẫn tới việc Australia rút khỏi thỏa thuận tàu ngầm với Pháp, khiến Paris nổi giận.

(theo Reuters)