📞

Australia chọn hướng đi nào trước chiến thuật 'vùng xám' của Trung Quốc?

Vy Anh 21:17 | 02/10/2021
Theo các chuyên gia, với việc tham gia AUKUS, Australia đã đi đúng hướng khi tham gia định hình môi trường chiến lược nhằm đối phó với chiến thuật 'vùng xám' của Trung Quốc.
AUKUS là một tín hiệu rõ ràng thể hiện quyết tâm của Australia trong việc cân bằng sức mạnh quân sự với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. (Nguồn: AAP)

Tham gia định hình môi trường chiến lược

Ông Ashley Townshend, giám đốc phụ trách chính sách đối ngoại và quốc phòng tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ ở Sydney cho rằng, quyết định quan trọng của Australia mua các tàu ngầm có năng lực hạt nhân thông qua Thỏa thuận an ninh ba bên (AUKUS) với Anh và Mỹ là một tín hiệu rõ ràng thể hiện quyết tâm của Australia trong việc cân bằng sức mạnh quân sự với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, theo ông Ashley Townshend, chỉ điều này thôi vẫn là chưa đủ. Giả sử tất cả diễn ra theo đúng kế hoạch trong các khâu thiết kế, đàm phán, xây dựng, ngân sách, huấn luyện và thử nghiệm thì chiếc tàu ngầm đầu tiên của Australia cũng sẽ không thể đi vào hoạt động trước cuối thập niên 2030.

Trong khi đó, theo bản cập nhật chiến lược quốc phòng năm 2020 của chính phủ Australia, các hành vi áp bức và chiến thuật "vùng xám" của Bắc Kinh hiện đang gây suy yếu các lợi ích an ninh của Canberra.

Các chiến thuật "vùng xám" là việc sử dụng các chiến thuật bất cân xứng, chẳng hạn như chính trị, áp bức hàng hải và sức ép kinh tế nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược mà không cần công khai sử dụng sức mạnh quân sự.

Hướng đi của Canberra hiện nay rất đúng đắn khi tham gia định hình môi trường chiến lược, ngăn ngừa các hành vi đi ngược lại những lợi ích của Australia.

Tuy nhiên, ông Ashley Townshend cho rằng, Australia và các đối tác có chung chí hướng cần phải phản kháng lại chiến thuật "vùng xám" cũng như nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thay thế trật tự dựa trên luật lệ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tại Biển Đông, Trung Quốc đã và đang thực hiện chiến thuật "vùng xám" thông qua việc cải tạo trái phép các đảo, xây dựng các sân bay và căn cứ quân sự bất chấp sự phản đối của các bên. Các lực lượng quân sự của Trung Quốc hiện đang tự do hoạt động tại các tiền đồn mà họ xây dựng trái phép.

Liên minh chặt chẽ

Canberra thời gian qua đã thể hiện sự phản đối trước những động thái thách thức của Bắc Kinh.

Canberra đã đưa ra các luật chống can thiệp nước ngoài, cấm các tập đoàn viễn thông Huawei và ZTE tham gia mạng lưới 5G của Australia, thắt chặt các quy định quản lý đầu tư nước ngoài và các mối quan hệ đối tác nghiên cứu, đồng thời áp dụng lập trường ngoại giao cứng rắn về cách hành xử của Trung Quốc tại Biển Đông.

Australia đưa ra lời kêu gọi về nỗ lực tập thể nhằm “hạn chế sử dụng sức mạnh để áp bức” và “xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương an toàn, thịnh vượng và toàn diện".

Tuy nhiên, một cách tiếp cận mang tính quyết đoán hơn của Australia là cần thiết để đẩy lùi chiến lược "vùng xám" của Trung Quốc. Cách tiếp cận này không đòi hỏi hàng tỷ USD để đầu tư cho các vũ khí quân sự mới, những gì cần làm là sử dụng thận trọng các năng lực và nguồn lực sẵn có với một chiến lược chặt chẽ và tư duy sáng tạo.

Australia cũng cần tăng cường hợp tác với các đối tác khu vực, chia sẻ thông tin tình báo, đẩy mạnh tuần tra hàng hải chung tại các vùng biển tranh chấp.

Với việc được tiếp cận công nghệ hạt nhân, Australia sẽ liên minh chặt chẽ với Mỹ trong nhiều thế hệ để trở thành mối quan hệ "đối tác vĩnh viễn”.

Ông Richard Maude, cựu quan chức an ninh Australia, hiện là học giả cấp cao tại Viện Chính sách Xã hội châu Á cho rằng, việc tham gia AUKUS "thực sự là một khoảnh khắc bước ngoặt, một khoảnh khắc quyết định cho Australia và cách thức nước này nghĩ về tương lai của mình ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương".

Chuyên gia này cũng bình luận: "Điều đó đã cho thấy những lo ngại sâu sắc hiện nay trong chính quyền Thủ tướng Morrison về môi trường an ninh đang xấu đi trong khu vực, sự tăng cường khả năng quân sự của Trung Quốc và việc Bắc Kinh sẵn sàng sử dụng các biện pháp cưỡng ép để theo đuổi các lợi ích quốc gia".

Một số chuyên gia an ninh cho rằng Bắc Kinh đang đẩy Canberra về phía gần hơn với Washington. Australia dường như đã tính toán rằng Trung Quốc không mấy hứng thú về việc cải thiện mối quan hệ vốn đang trên đà đi vào khủng hoảng giữa hai nước.

Trung Quốc ngày 6/5 đã tuyên bố đình chỉ “vô thời hạn” tất cả các hoạt động trong khuôn khổ Đối thoại Kinh tế chiến lược giữa hai bên.

Thêm nữa, ông Sam Roggeveen, giám đốc chương trình an ninh quốc tế tại Viện Lowy (Australia) cho rằng về dài hạn, Washington có lẽ phải quyết định rằng cuộc cạnh tranh với Trung Quốc quá tốn kém, buộc phải chia sẻ quyền lực và ảnh hưởng ở một mức độ nào đó.

Khi đối đầu Mỹ - Trung leo thang, Mỹ sẽ mong đợi Australia làm nhiều hơn.

(theo The Guardian, The New York Times)