Chính phủ Australia một lần nữa củng cố cam kết trong hợp tác về tri thức và đổi mới sáng tạo với Việt Nam với khoản ngân sách bổ sung 3,5 triệu AUD cho chương trình Aus4Innovation (2018-2022), chương trình hợp tác trong khuôn khổ thỏa thuận Quan hệ hợp tác Đổi mới sáng tạo Australia – Việt Nam.
Đại học Công nghệ Sydney (UTS) và Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh đã ứng dụng và chỉnh sửa công nghệ quan trắc nước của UTS thành phiên bản dành riêng cho Việt Nam. Bốn trạm quan trắc đã được xây dựng ở Phú Yên, cung cấp cảnh báo về chất lượng nước biển trong thời gian thực cho người nuôi tôm hùm và giúp họ bảo vệ mùa màng. (Ảnh: ĐSQ Australia tại Việt Nam) |
Khoản tài trợ bổ sung này nâng tổng ngân sách của Aus4Innovation lên 13,45 triệu AUD và sẽ được dùng để nhân rộng những hoạt động thành công trong chương trình cũng như thực hiện các sáng kiến giúp chương trình thích ứng với bối cảnh phục hồi kinh tế hậu Covid-19 và chuẩn bị cho giai đoạn sau của chương trình đến năm 2025.
Phát biểu tại cuộc họp song phương với Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam cho biết: "Tôi rất vui mừng là sau 4 năm từ khi Australia và Việt Nam thiết lập thỏa thuận Quan hệ đối tác Đổi mới sáng tạo, thông qua chương trình Aus4Innovation, nhiều kết quả cụ thể, ý nghĩa, tạo tác động tích cực đến đời sống người dân Việt Nam đã được tạo ra. Những thành quả hợp tác của chúng tôi với Bộ Khoa học Công nghệ và các đối tác từ cả hai nước có được là nhờ vận dụng những công nghệ tiên tiến và những tri thức khoa học."
"Quyết định tăng cường đầu tư cho đổi mới sáng tạo với 3,5 triệu đô la AUD tái khẳng định cam kết của Australia trong quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam mà tri thức và đổi mới sáng tạo là một trong ba lĩnh vực ưu tiên”, - Đại sứ Mudie khẳng định.
Được thực hiện thông qua hợp tác với Bộ Khoa học Công nghệ bởi cơ quan khoa học quốc gia của Australia, CSIRO, chương trình Aus4Innovation đang xây dựng quan hệ hợp tác giữa các trường đại học, cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp công nghệ cao và các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam và Australia nhằm củng cố hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam, mang lại sự phát triển kinh tế xã hội bền vững.
Trong hai năm rưỡi thực hiện, Aus4Innovation đã tìm tòi các lĩnh vực mới trong công nghệ và chuyển đổi số, thử nghiệm nhiều mô hình hợp tác giữa các tổ chức nghiên cứu trong khu vực công và tư nhân, đồng thời nâng cao năng lực của Việt Nam về hoạch định tầm nhìn tương lai số, thương mại hóa khoa học và chính sách đổi mới sáng tạo.
Aus4Innovation đã ra mắt câu lạc bộ đổi mới sáng tạo trong ngành hàng rau hoa quả ở phía Bắc. Câu lạc bộ là nơi để các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các nhà nghiên cứu và đơn vị liên quan cùng trao đổi tìm cách vượt qua những thách thức như biến đổi khí hậu và dịch bệnh Covid-19. (Ảnh: ĐSQ Australia tại Việt Nam) |
Về phần mình, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong giai đoạn quan trọng này khi Việt Nam phải đối mặt với dịch bệnh toàn cầu và phải tăng tốc để hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số mà Chính phủ đã đặt ra, một đối tác tin cậy như Australia là rất đáng quý. Quan hệ hợp tác giữa hai bên dựa trên cơ sở sự tin tưởng vào vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế xã hội bền vững, cũng như tin vào những lợi ích chung mà hai nước có được thông qua hợp tác.
"Chúng tôi rất trân trọng những hỗ trợ của Chính phủ Australia thông qua chương trình Aus4Innovation và cũng hài lòng khi thấy những gì chương trình đã đạt được, những tác động chương trình đã mang đến cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ để đảm bảo sự thành công của giai đoạn chuyển giao và mong đợi những tác động sâu rộng hơn trong Pha 2 của chương trình”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt bổ sung.
Từ khi chính thức khởi động vào năm 2018, nhiều kết quả mang lại tác động đã được tạo ra bởi các hoạt động của chương trình, nổi bật nhất gồm có:
• 130 tổ chức từ cả Australia và Việt Nam được kết nối tạo ra 43 mối quan hệ hợp tác. Các tổ chức này bao gồm cơ quan chính phủ, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và là những thành tố tạo nên một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
• Những giải pháp thực chất, sáng tạo mang lại tác động phát triển được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế - y tế, nông nghiệp, nước sạch, hạ tầng đô thị thông minh, v.v.
• Tăng cường năng lực thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học thông qua đào tạo cho các viện trường và các nhà nghiên cứu, thành lập văn phòng chuyển giao công nghệ ở nhiều địa phương và thử nghiệm các mô hình thương mại hóa khoa học để tìm ra mô hình phù hợp nhất với Việt Nam. Kết quả đáng chú ý nhất là sổ tay Hướng dẫn Thương mại hóa+, đồng soạn thảo cùng các đối tác Việt Nam giúp giới thiệu quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học một cách bài bản đến các viện nghiên cứu của Việt Nam.
• Các nghiên cứu và mô hình kinh tế lượng được thực hiện giúp cung cấp hỗ trợ kĩ thuật và giới thiệu những bài học thành công từ Australia cho các nhà hoạch định chính sách Việt Nam.
Chương trình Aus4Innovation ban đầu hoạt động trong hai lĩnh vực: kinh tế số tương lai (bao gồm công nghệ chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo) và nông nghiệp và thực phẩm mang tính thích ứng.
Trong giai đoạn chuyển giao 2021-2022, chương trình sẽ tài trợ các sáng kiến như cổng thông tin Thị trường Đổi mới sáng tạo Việt Nam nhằm thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu của cả Việt Nam và Australia, hay Hợp tác Australia - Việt Nam về đối phó Rác thải nhựa Đại dương để giúp hai nước cùng tìm cách giải quyết vấn đề môi trường chung này.