📞

Australia: Thúc đẩy bình đẳng đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam

Khánh Linh 14:18 | 12/11/2022
Chiến lược bình đẳng của Australia tại Việt Nam 2022-2027 nhằm hỗ trợ để tất cả mọi người đều có thể hưởng đầy đủ nhất các quyền của mình trong cuộc sống với sự an toàn và được tôn trọng.
Đại sứ Australia về Phụ nữ và Trẻ em gái Christine Clarke (người mặc áo vest trắng) tại buổi gặp với nhóm cựu sinh Australia để thảo luận về giới và chủ đề phụ nữ trong lãnh đạo (Nguồn: Đại sứ quán Australia tại Việt Nam)

Ngày 11/11, tại Hà Nội, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam đã khởi động Chiến lược bình đẳng của Australia tại Việt Nam giai đoạn 2022-2027. Mục đích của chiến lược là tăng cường các nỗ lực của Australia về bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái; đồng thời đáp ứng việc hòa nhập của người khuyết tật, các nhóm dân tộc thiểu số và cộng đồng LGBTI.

Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski cho biết, trong bối cảnh Việt Nam đã phục hồi nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng tốt sau đại dịch Covid-19, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có vị thế thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần tìm ra các nguồn lực mới cho tăng trưởng và phục hồi, đồng thời đảm bảo tính bền vững cho quá trình này.

Để đạt được mục tiêu này, Đại sứ cho rằng, điều cốt yếu là cần nâng cao mức độ hòa nhập kinh tế và xã hội, đảm bảo cho tất cả các tầng lớp trong xã hội đều có thể tham gia phát triển kinh tế và phát huy hết tiềm năng của mình.

Chiến lược bình đẳng của Australia tại Việt Nam giai đoạn 2022-2027 nhằm tái khẳng định cam kết của hai nước trên nhiều lĩnh vực như quyền con người, tăng cường vai trò lãnh đạo, sự an toàn và quyền năng kinh tế của phụ nữ, các chính sách và luật pháp mang tính toàn diện hơn.

Đại sứ Andrew Goledzinowski nhấn mạnh, "việc thúc đẩy bình đẳng cho phép người Việt Nam từ mọi miền đất nước đóng góp vào sự phát triển không ngừng của Việt Nam. Đó là nỗ lực mà Chính phủ Australia luôn sẵng sàng hỗ trợ".

Cũng trong sự kiện, Đại sứ Australia về Phụ nữ và trẻ em, bà Chrisine Clarke cho biết, Australia sẽ tiếp tục hiện diện khi vấn đề bất bình đẳng đối với phụ nữ và trẻ em gái còn tiếp diễn.

Bà nói: “Mặc dù đất nước chúng tôi còn nhiều điều phải học hỏi, nhưng hành trình của chúng tôi vì sự bình đẳng cho phụ nữ, trẻ em gái, người khuyết tật, cộng đồng LGBTI và các dân tộc thiểu số là một hành trình dài mà chúng tôi muốn chia sẻ với Việt Nam".

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi đánh giá cao vai trò của Đại sứ quán Australia tại Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ ngoại giao giữa hai nước nói chung và hợp tác về bình đẳng giới nói riêng thể hiện qua việc đưa nội dung về đảm bảo bình đẳng giới và các cơ hội cho phụ nữ vào Chiến lược Hợp tác kinh tế tăng cường song phương Australia-Việt Nam.

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong công tác bình đẳng giới. Hệ thống pháp luật, chính sách về bình đẳng giới ngày một hoàn thiện và cụ thể hơn. Công tác truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, đấu tranh xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới được hầu hết các cấp, các ngành tập trung triển khai.

Kết quả thực hiện bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội đã có những tiến bộ, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, chẳng hạn như tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội đạt 30,26%, xếp thứ 60/193 quốc gia.

Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2022 do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố vào tháng 7/2022, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2022 là 83/146 quốc gia, tăng 4 bậc so với năm 2021, trong đó các chỉ số về trao quyền cho phụ nữ, lĩnh vực sức khỏe và giáo dục có những bước tiến bộ rõ rệt.

Chiến lược bình đẳng của Australia tại Việt Nam giai đoạn 2022-2027 được xây dựng xung quanh giá trị về "bình đẳng", nhằm hỗ trợ để tất cả mọi người đều có thể hưởng đầy đủ nhất các quyền của mình trong cuộc sống với sự an toàn và được tôn trọng.

Australia cam kết đảm bảo cho phụ nữ, người khuyết tật, các nhóm dân tộc thiểu số và người trong cộng đồng LGBTI được tham gia, tạo ảnh hưởng và hưởng lợi từ các chương trình và sáng kiến của Australia.

Đồng thời, phía Australia ưu tiên hợp tác với các tổ chức, cá nhân vận động vì bình đẳng; đề cao một cách nhất quán các vấn đề liên quan đến bình đẳng trong các cuộc đối thoại, sự kiện và truyền thông; đưa cam kết đối với bình đẳng vào các hoạt động trước công chúng của Đại sứ quán và các chính sách nội bộ tại nơi làm việc.