📞

AWCH: Đưa giá trị Cộng đồng đến với phụ nữ

14:44 | 02/01/2016
Đưa giá trị của Cộng đồng ASEAN đến gần với người dân ASEAN, đặc biệt là phụ nữ thông qua những hoạt động thiết thực, đi vào lòng người là sứ mệnh xuyên suốt của  Nhóm Phụ nữ Cộng đồng ASEAN tại Hà Nội (AWCH), theo bà Tào Thị Thanh Hương, Chủ tịch Công đoàn Bộ Ngoại giao, thành viên Ban chấp hành, Phó Chủ tịch AWCH. 
Sáng 19/8, tại Phủ Chủ tịch, Lãnh đạo và Ban Chấp hành của Nhóm Phụ nữ Cộng đồng ASEAN tại Hà Nội (AWCH) do Chủ tịch Danh dự Nhóm, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga dẫn đầu đã tới chào bà Mai Thị Hạnh, Phu nhân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nhân dịp 70 năm Ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. 

Bà đánh giá như thế nào về vai trò của phụ nữ ASEAN trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN?

Kể từ khi thành lập ASEAN, phụ nữ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong các lĩnh vực hợp tác của Hiệp hội. Các dấu mốc nổi bật thể hiện vai trò của phụ nữ trong hợp tác ASEAN là Hội nghị các nhà Lãnh đạo nữ ASEAN năm 1975, việc thành lập Tiểu ban ASEAN về Phụ nữ năm 1976, Chương trình Phụ nữ ASEAN năm 1981, Tuyên bố về sự tiến bộ của phụ nữ ASEAN năm 1988 và hình thành cơ chế Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phụ nữ năm 2002 nhằm điều phối triển khai các ưu tiên lớn của ASEAN và hợp tác về các vấn đề của phụ nữ, triển khai các Kế hoạch hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới 2005 -2010 và 2011-2015.

Với việc Cộng đồng ASEAN chính thức thành lập vào ngày 31/12/2015, vai trò của phụ nữ trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN không những không thể thiếu mà càng trở nên thiết yếu trong việc tham gia, đóng góp tích cực vào xây dựng Cộng đồng ngày càng vững mạnh.

Trong hơn 600 triệu người dân ASEAN, khoảng 50% là phụ nữ. Vai trò của phụ nữ không chỉ xuất phát từ tỷ lệ nữ giới trong tổng số dân mà quan trọng hơn còn thể hiện ở vai trò thực tế của phụ nữ trên nhiều mặt của đời sống. Phụ nữ là lực lượng lao động quan trọng, tham gia hầu hết các lĩnh vực đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội của các nước ASEAN, chiếm khoảng 45% lực lượng lao động. Sự tham gia tích cực của phụ nữ sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy bình đẳng, trong đó có bình đẳng giới, công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; phát triển bền vững, tăng cường ý thức cộng đồng và bản sắc chung của Cộng đồng ASEAN.

Với tư cách là thành viên Ban chấp hành AWCH, bà có thể chia sẻ những điểm mạnh của Nhóm? Ý nghĩa của những chương trình hành động cụ thể của Nhóm trong thời gian qua?

AWCH được thành lập vào tháng Tám vừa qua với sứ mệnh tạo ra một cơ chế, một diễn đàn chính thức để các thành viên tăng cường giao lưu, chia sẻ, hiểu biết lẫn nhau, cùng thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ các nước ASEAN và góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển thịnh vượng.

Điểm mạnh đầu tiên của AWCH là Nhóm đã sớm xác định mục tiêu hoạt động của mình và đề ra kế hoạch hoạt động cụ thể. Mục đích hoạt động của Nhóm là tăng cường tình hữu nghị, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau, đóng góp cho việc xây dựng một cộng đồng "vì con người và lấy con người làm trung tâm". Trong nhiệm kỳ 2015-2016, Nhóm sẽ thúc đẩy, tăng cường các hoạt động giao lưu, hiểu biết và hợp tác giữa các nhà ngoại giao nữ và phu nhân ngoại giao các nước ASEAN. Việc xác định hướng đi và trọng tâm trong từng giai đoạn có ý nghĩa vô cùng quan trọng để Nhóm thực hiện hiệu quả mục đích hoạt động đã được đề ra tại Quy chế hoạt động của AWCH.

Điểm mạnh thứ hai là thành viên của AWCH bao gồm các phu nhân ngoại giao và các nữ cán bộ ngoại giao của các nước ASEAN tại Hà Nội. Ban Chấp hành của AWCH gồm 16 thành viên. Chủ tịch danh dự là Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Phu nhân Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Với thành phần chủ chốt là các phu nhân ngoại giao, nữ cán bộ ngoại giao tâm huyết, giàu kinh nghiệm của Việt Nam và các nước ASEAN đang sống, làm việc tại Hà Nội, hoạt động của Nhóm sẽ mang tính năng động, sáng tạo, thực chất và hiệu quả, tạo thêm một cầu nối của tình hữu nghị và hợp tác giữa phụ nữ các nước ASEAN như phát biểu của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh tại Lễ ra mắt AWCH.

Mặc dù Nhóm ra đời vào tháng 8/2015, trước đó, các thành viên của Nhóm đã có nhiều cơ hội gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về công việc và cuộc sống. Do đó, khi đi vào hoạt động chính thức, các thành viên của Nhóm đã tham gia hiệu quả ngay từ đầu, hầu như không bị bỡ ngỡ.

Một điểm mạnh nữa, có ý nghĩa hết sức quan trọng- vai trò Chủ tịch danh dự của Nhóm là Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Phu nhân Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, người đã nhiều năm gắn bó và tâm huyết với công tác nữ và bình đẳng giới cũng như công tác ngoại giao đa phương. Từ giai đoạn hình thành ý tưởng cho việc thành lập Nhóm đến khi triển khai các hoạt động thực tế, Đại sứ luôn là người thúc đẩy, ủng hộ mọi sáng kiến của các thành viên và theo sát mọi hoạt động của Nhóm, đồng thời là người chủ trì các hoạt động quan trọng của AWCH…

Với những thế mạnh đó, chỉ trong bốn tháng từ sau khi thành lập, Nhóm đã thực hiện một loạt những hoạt động đầy ý nghĩa như: Chương trình Liên hoan Ẩm thực lần III với chủ đề "Cộng đồng ASEAN với bạn bè quốc tế" nhằm ủng hộ trẻ em khuyết tật và trẻ em nghèo; gặp gỡ giữa những thành viên của Nhóm với các lãnh đạo nữ Việt Nam; tổ chức buổi gặp với Đoàn cán bộ nữ của Lào do Phu nhân Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Lào dẫn đầu thăm làm việc tại Việt Nam; trao quà từ thiện cho các cháu tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội nhân dịp Tết Trung Thu; hoạt động giao lưu giữa các thành viên trong Nhóm…

Những hoạt động trên và những hoạt động sẽ được triển khai trong thời gian tới có ý nghĩa quan trọng góp phần tăng cường tình đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau giữa các thành viên ASEAN; đề cao bản sắc văn hóa ASEAN; tạo thêm cơ hội để phụ nữ Việt Nam và các nước ASEAN cùng đóng góp xây dựng đất nước và Cộng đồng ASEAN trong giai đoạn bản lề hiện nay.

Năm 2015 bận rộn đang khép lại và trang mới trong hành trình mới - năm 2016 đang mở ra, bà mong muốn điều gì ở Nhóm và ở phụ nữ ASEAN trong giai đoạn mới, đầy ý nghĩa này của Hiệp hội?

Năm 2015 đã chứng kiến những thành tựu quan trọng trong hội nhập quốc tế của Việt Nam với nhiều dấu ấn của hợp tác ASEAN, trong đó nổi bật nhất phải kể đến sự kiện Lãnh đạo 10 quốc gia thành viên ASEAN đã đặt bút ký văn kiện lịch sử Tuyên bố hình thành Cộng đồng ASEAN 2015. Năm 2016 là năm đầu tiên Cộng đồng ASEAN đi vào hoạt động, với nhiều ưu tiên lớn, trong đó có việc triển khai Tầm nhìn ASEAN 2025 và các Kế hoạch tổng thể.

Trước yêu cầu và nhiệm vụ đó, AWCH và phụ nữ ASEAN nói chung cần phát huy vai trò của mình là chủ thể quan trọng của Cộng đồng; chủ động, tích cực trong các hoạt động thúc đẩy sự đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau giữa các thành viên Cộng đồng ASEAN; quảng bá hình ảnh, vai trò của Cộng đồng ASEAN; xây dựng và phát huy những giá trị chung của Cộng đồng ASEAN. Trong đó không thể thiếu việc thúc đẩy bình đẳng giới, sự tiến bộ của phụ nữ tại các quốc gia thành viên ASEAN, thúc đẩy giao lưu nhân dân, góp phần nối kết người dân ASEAN với nhau và đưa các giá trị ASEAN vươn xa ngoài khu vực.

Tôi xin trích lời PGS.TS Phạm Quang Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội: "Chừng nào ASEAN chưa quan tâm tới con người thì chừng đó ASEAN vẫn còn là một tổ chức xa lạ với chính bản thân công dân của họ và chỉ dừng lại ở các tuyên bố chính trị".

Trong thời gian tới, Nhóm sẽ xây dựng những kế hoạch cụ thể, có trọng tâm trong từng giai đoạn, đồng thời triển khai kế hoạch một cách sáng tạo, hiệu quả để đưa giá trị của Cộng đồng ASEAN đến gần với người dân ASEAN, đặc biệt là phụ nữ.

Tôi tin rằng, AWCH và phụ nữ các nước ASEAN nói chung sẽ nỗ lực để có sự chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng đồng hành cùng Cộng đồng ASEAN trên chặng đường sắp tới. Tôi trông đợi một năm 2016 với nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa của Nhóm Phụ nữ Cộng đồng ASEAN.