📞

Ba Bộ trưởng lần đầu đối thoại về nhiều vấn đề 'nóng' tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4

Vi Vi 22:24 | 31/05/2022
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 dự kiến diễn ra ngày 5/6 tại TP. Hồ Chí Minh, lần đầu tiên, ba Bộ trưởng tham gia phiên đối thoại về nhiều vấn đề "nóng". Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dự và phát biểu tổng kết phiên toàn thể.
Họp báo thông tin về Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 ngày 31/5 tại Hà Nội. (Ảnh: Vi Vi)

Phát biểu tại buổi họp báo thông tin về Diễn đàn ngày 31/5, ông Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, đại dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu với những diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường đã làm bộc lộ nhiều vấn đề của nền kinh tế cần phải khắc phục. Đồng thời cũng mở ra những hướng phát triển mới hướng tới mục tiêu vừa ứng phó với dịch bệnh hiệu quả, vừa duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm đời sống nhân dân.

Trong bối cảnh đó, yêu cầu cần tiếp tục thực hiện hiệu quả và thực chất các mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng được đặt ra một cách cấp thiết, giúp tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước trong trung và dài hạn.

Ông Phong thông tin, tiếp nối thành công của Diễn đàn trước, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Chính phủ tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 với chủ đề "Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới".

Dự kiến Diễn đàn sẽ thu hút khoảng 1.000 lượt đại biểu tham dự là lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và các địa phương; Đại sứ quán, Lãnh sự quán và tổ chức quốc tế; diễn giả, nhà khoa học uy tín và các doanh nghiệp.

Diễn đàn có 3 hội thảo chuyên đề, diễn ra song song, gồm: Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch Covid-19; Phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản; Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, phiên toàn thể và đối thoại chính sách cấp cao tại Diễn đàn sẽ tập trung thảo luận các nội dung chính liên quan đến: Kinh tế toàn cầu và những xu hướng lớn về hợp tác kinh tế quốc tế hiện nay; Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay: cơ hội và thách thức; Đào tạo nhân lực công nghệ số để tạo mũi đột phá về khoa học và công nghệ; Quản trị rủi ro quốc gia trong bối cảnh mới.

Tham gia đối thoại tại phiên toàn thể và đối thoại chính sách cấp cao có Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các chuyên gia, diễn giả trong nước và quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới, rất cần thiết phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập và hợp tác quốc tế. Nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế, để chống chịu trước những cú sốc từ bên ngoài, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế. Trong đó, việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trước hết phải độc lập, tự chủ về mặt công nghệ, chuyển đổi số.

"Hiện nay, tốc độ chuyển đổi số diễn ra rất nhanh, nếu không nắm bắt được, thực hiện quyết liệt thì nền kinh tế rất dễ bị tụt hậu phía sau. Ngoài ra, sau đại dịch, nền kinh tế toàn cầu bị đứt gãy chuỗi cung ứng, điều này tác động rất lớn đến nền kinh tế, hầu hết quốc gia đều bị ảnh hưởng. Qua đại dịch, hầu hết các quốc gia, doanh nghiệp lớn đều có chủ trương là đa dạng hoá chuỗi cung ứng, đây cũng là nội dung cần được thảo luận tại diễn đàn", ông Phương chỉ rõ.