Nhiều ý kiến tâm huyết đã đóng góp cho Hội thảo 'Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế: Kinh nghiệm 35 năm đổi mới'. (Nguồn: VGP) |
Phát biểu khai mạc, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho biết, quá trình triển khai thực hiện một số chủ trương, chính sách liên quan đến đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế cho thấy nhiều kết quả tích cực.
Theo đó, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; tốc độ tăng trưởng đạt mức khá, mô hình tăng trưởng từng bước được chuyển đổi theo hướng kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu. Năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp và năng lực cạnh tranh quốc gia được cải thiện, cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực hơn.
Cơ cấu các ngành, lĩnh vực có sự chuyển dịch theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh của một số ngành, lĩnh vực Việt Nam có lợi thế trong tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Các vấn đề trọng tâm về cơ cấu lại nền kinh tế gồm cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức tín dụng đã tập trung thực hiện và đạt được một số kết quả bước đầu...
Tuy nhiên, việc chuyển sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu còn chậm so với yêu cầu đặt ra. Mô hình tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào các yếu tố đầu vào gồm: vốn, lao động, tài nguyên; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế còn hạn chế, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực ở cùng giai đoạn phát triển.
Năng suất lao động còn thấp và chênh lệch giữa năng suất lao động của Việt Nam với các nước còn tiếp tục gia tăng. Hiệu quả đầu tư công chưa cao và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Tiến trình thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm so với kế hoạch đề ra, tiến độ xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng còn gặp nhiều khó khăn...
Tại Hội thảo, các ý kiến phát biểu đã nhận diện, phân tích làm rõ kết quả đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và kinh nghiệm qua 35 năm đổi mới của Việt Nam; đánh giá đổi mới mô hình tăng trưởng và yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế với các trọng tâm ưu tiên để hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia; cơ cấu lại ngành, lĩnh vực.
Các đại biểu cũng thảo luận về bối cảnh, điều kiện mới của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030 để nhận diện rõ các bối cảnh tác động đến quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam; đề xuất các quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp lớn.
Với tham luận "Kinh nghiệm 35 năm đổi mới và đề xuất chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025", TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đã phân tích cụ thể những hạn chế trong mô hình tăng trưởng hiện nay về vốn, lao động, khoa học công nghệ, nông nghiệp, dịch vụ...
Từ thực tế này, TS Đặng Kim Sơn đề xuất một số định hướng lớn về mô hình tăng trưởng mới. Theo đó, môi trường vĩ mô phải sẵn sàng cho đổi mới sáng tạo; cơ cấu lại ngành kinh tế theo lợi thế vùng; cơ cấu lại các đô thị động lực theo hướng phân cấp và gắn kết; cơ cấu lại doanh nghiệp và tổ chức kinh tế; cơ cấu lại thị trường tài nguyên một cách lành mạnh để bắt kịp các quốc gia trong khu vực và trên thế giới thông qua việc xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển.
GS. TS Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhận định, kinh tế số là động lực tăng trưởng mới. Cụ thể, kinh tế số tạo dư địa và không gian tăng trưởng mới, là cách để thoát bẫy thu nhập trung bình và là con đường đi trong tương lai.
Gợi ý một số giải pháp để phát triển kinh tế số, GS. TS Trần Thọ Đạt cho rằng, cần có bản chiến lược khung để làm nền tảng cho các định hướng, hành lang pháp lý, thể chế cho việc chuyển đổi số; tạo điều kiện căn bản để thu hút được nguồn vốn dành cho đầu tư số hóa nền kinh tế, cụ thể là hạ tầng và dịch vụ số.
Bên cạnh đó, đổi mới hệ thống giáo dục - đào tạo với việc thay đổi từ cách thức quản lý, phương pháp, giáo trình dạy và cả những môn học mới gắn chặt với số hóa.
Đặc biệt, cần hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, công nghệ sản xuất; ứng dụng công nghệ số cho ngành công nghiệp chế biến chế tạo, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và bất động sản...
Trong bài tham luận về "Đổi mới mô hình tăng trưởng - Từ góc độ động lực phát triển kinh tế", PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh, những thay đổi cơ bản, nền tảng của nền kinh tế như: phát triển đồng bộ các loại thị trường, đặc biệt quan tâm phát triển các thị trường nguồn lực đầu vào, nhất là thị trường đất đai; xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển theo tinh thần phục vụ thị trường, phục vụ doanh nghiệp, thể chế quản trị phát triển hiện đại, phù hợp các cam kết hội nhập.
Ngoài ra, cần tuân thủ nguyên tắc "nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng" trong việc phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam và triển khai chiến lược thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); nỗ lực xây dựng thể chế tốt, khuyến khích đổi mới sáng tạo, coi khoa học công nghệ và trí tuệ con người là động lực phát triển quan trọng nhất của giai đoạn tới.
Ông Jonathan Pincus, Cố vấn kinh tế cấp cao, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đều rất nhỏ; doanh nghiệp tư nhân lớn lại không phải là doanh nghiệp chế biến, chế tạo, mà là doanh nghiệp bất động sản.
Do đó, cần tạo ra cơ chế và sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó đặc biệt quan tâm đến cơ chế tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ.
Kết luận Hội thảo, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, có tính khoa học sâu sắc của các chuyên gia, nhà khoa học.
Những ý kiến tham luận đóng góp tại Hội thảo sẽ được Ban Kinh tế Trung ương tiếp thu, tổng hợp, chắt lọc để tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định chủ trương, chính sách về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, sáng tạo và bao trùm trong thời gian tới.
| Chủ tịch nước đề nghị các Đại sứ, Tổng Lãnh sự tham mưu mô hình tăng trưởng, thu hút nguồn lực về cho đất nước Chiều 14/10, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Quyết định bổ nhiệm các Đại sứ Việt Nam ở nước ngoài ... |
| VietinBank đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo đột phá về hiệu quả hoạt động TGVN. Hướng tới mục tiêu là ngân hàng thương mại hàng đầu khu vực trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có ... |