📞

Bà con cần những chính sách cụ thể hơn

09:36 | 26/10/2015
Từng có nhiều năm học tập và làm việc tại Đông Âu, bà Phan Bích Thiện, Chủ tịch Quỹ vì quan hệ Hungary - Việt Nam đã trao đổi với TG&VN liên quan đến trách nhiệm và quyền lợi của người Việt Nam ở nước ngoài trong đóng góp cho văn kiện Đại hội Đảng lần này.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan gặp mặt chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tại Hà Nội, tháng 6/2015.

Theo bà, trách nhiệm và quyền lợi của một người Việt sinh sống ở nước ngoài trong góp ý cho văn kiện Đại hội Đảng được thể hiện như thế nào?

Theo tôi, việc văn kiện Đại hội Đảng được đưa ra để kiều bào đóng góp ý kiến đã thể hiện Đảng và Nhà nước Việt Nam coi trọng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), đúng với chủ trương coi người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Sau sự kiện NVNONN được đóng góp ý kiến cho Hiến pháp sửa đổi thì việc đóng góp ý kiến cho văn kiện Đại hội Đảng sẽ càng làm cho khối kiều bào cảm nhận mong muốn của Đảng hướng về tất cả các tầng lớp người Việt cho mục đích chung xây dựng và phát triển đất nước. Đó là điều làm chúng tôi, những người Việt Nam định cư ở nước ngoài rất phấn khởi vì thấy được mình có thể đóng góp phần nào cho sự định hướng, phát triển của đất nước. Điều này cũng khiến chúng tôi cảm thấy mình có trách nhiệm hơn đối với quê hương.

Bên cạnh đó, những ý kiến của khối người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ góp phần thể hiện sát hơn các vấn đề cần giải quyết hay điều chỉnh để tạo điều kiện tốt hơn hỗ trợ khối kiều bào. Điều đó phục vụ trực tiếp cho quyền lợi của NVNONN, đồng thời giúp khối kiều bào đoàn kết hơn để cùng hướng về xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Vậy, theo bà, dự thảo văn kiện hiện nay đã đề cập công tác đối với NVNONN như thế nào?

Trong Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng XII có nói tới việc đẩy mạnh công tác đối với NVNONN, khuyến khích và hỗ trợ đồng bào ta ở nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi để kiều bào tham gia xây dựng và bảo vệ đất nước... Điều này cũng chứng tỏ Đảng và nhà nước nhìn nhận được vị trí và tiềm năng đóng góp cho đất nước của khối kiều bào.

Việc dự thảo văn kiện cũng đề cập đến bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài đã thể hiện Đảng và Nhà nước không chỉ kêu gọi kiều bào đóng góp cho đất nước mà còn đảm nhiệm trọng trách bảo hộ kiều bào khi kiều bào cần. Theo tôi, đó là mối quan hệ, tương tác rất đúng, tạo điều kiện để sự liên kết với NVNONN phát triển bền vững.

Từ góc độ và kinh nghiệm là người Việt sống và làm việc lâu năm ở nước ngoài, theo bà, Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XII cần bổ sung những gì để hoàn thiện hơn công tác này?

Theo tôi, trong việc kêu gọi NVNONN đóng góp xây dựng đất nước, cần chú trọng tới khối trí thức, tiềm năng rất lớn của kiều bào. Lượng kiều hối hàng năm rất quan trọng đối với đất nước, nhưng tiềm năng chất xám của kiều bào còn có thể đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của Việt Nam.

Đặc biệt, Dự thảo Văn kiện đã đưa ra những hướng phát triển chính trong thời gian tới như đẩy mạnh phát triển khoa học – công nghiệp, công nghiệp hóa nông nghiệp, xây dựng nước Việt Nam với nền công nghiệp sạch... Trong những lĩnh vực này, kiều bào Việt Nam ở các nước trên thế giới có thể đóng góp được rất nhiều, từ kinh nghiệm cũng như kiến thức về các công nghệ tiên tiến cho đất nước.

Để phát huy tiềm năng nói trên, theo tôi, cần đưa ra những chính sách cụ thể để kiều bào trí thức đóng góp cho đất nước. Bên cạnh việc tạo điều kiện kêu gọi trí thức chuyên gia kiều bào về làm việc tại Việt Nam, cần có những chính sách và mô hình để những kiều bào trí thức vẫn đóng góp được cho đất nước mà không cần thiết phải chuyển về Việt Nam sinh sống.

Mặt khác, công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài cũng cần được thể hiện qua những chính sách cụ thể hơn nữa để bà con thực sự yên tâm là mình được bảo vệ khi cần thiết, trong bất cứ tình huống, sự vụ nào ở nước sở tại.

Ngoài ra, những chính sách liên quan đến đảm bảo quyền lợi của kiều bào khi về nước làm việc hay đầu tư cũng cần được cụ thể hóa hơn nữa.

Trong công tác đối ngoại, bên cạnh đối ngoại của Nhà nước, cần coi trọng hơn nữa vai trò của đối ngoại nhân dân, vì chính đối ngoại nhân dân thông qua NVNONN sẽ có hiệu quả sâu và rộng hơn để bạn bè, đối tác và người dân các nước hiểu hơn về Việt Nam và sẽ ủng hộ hỗ trợ hợp tác nhiều hơn đối với Việt Nam. Theo tôi, để phát huy được vai trò của đối ngoại nhân dân, công tác này cần phải được Nhà nước và các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, phối hợp với cộng đồng NVNONN triển khai.

Khánh Nguyễn (thực hiện)