Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski cho biết, nước này sẽ chi 5% GDP cho quốc phòng vào năm 2025. (Nguồn: X) |
Trong cuộc trả lời phỏng vấn Bloomberg, ông Sikorski nêu rõ: "Ba Lan chi 4% GDP cho quốc phòng vào năm 2024 và 5% GDP vào năm 2025. Chúng ta là số 1 trong NATO, tổ chức bao gồm cả Mỹ, rõ ràng theo tỷ lệ tương ứng, bởi chúng ta không còn sống trong hòa bình lâu dài thời hậu Chiến tranh Lạnh nữa".
Tuy nhiên, bất chấp sự chi tiêu hào phóng của Ba Lan, Ngoại trưởng nước này vẫn cảnh báo không nên sử dụng ngân sách quân sự làm phong vũ biểu. Lấy Iceland làm ví dụ, ông lưu ý, dù nước này không có quân đội nhưng vẫn đóng vai trò rất quan trọng do vị trí chiến lược.
Ông Sikorski đồng thời tiết lộ rằng, chính phủ Ba Lan đang đối thoại với cả nhóm của Donald Trump và của Tổng thống Biden.
Phát biểu trên đài truyền hình tư nhân TVN24 hôm 11/7, Thứ trưởng Quốc phòng Ba Lan Cezary Tomczyk thông báo nước này sẽ tăng ngân sách quốc phòng khoảng 10% vào năm 2025 lên mức cao kỷ lục.
Trước đó, ngày 10/7, tham mưu trưởng quân đội Ba Lan - Tướng Wieslaw Kukula - tuyên bố tại một buổi họp báo rằng, nước này cần chuẩn bị cho binh lính của mình trong một cuộc xung đột tổng lực. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Ba Lan tăng cường số lượng binh sĩ ở biên giới với Nga và Belarus.
Phát biểu họp báo, Tướng Kukula lập luận: “Hôm nay, chúng ta cần chuẩn bị lực lượng cho một cuộc xung đột toàn diện, chứ không phải là một cuộc xung đột kiểu phi đối xứng... Diễn biến này buộc chúng tôi phải tìm ra sự cân bằng giữa nhiệm vụ ở khu vực biên giới và duy trì cường độ huấn luyện trong quân đội”.
Trong khi đó, Thứ trưởng Quốc phòng Ba Lan Pawel Bejda xác nhận kể từ tháng 8, số lượng binh sĩ bảo vệ biên giới phía Đông nước sẽ tăng lên 8.000, từ mức 6.000 của hiện tại. Bên cạnh đó, lực lượng dự bị bổ sung gồm 9.000 người có thể được tăng cường trong vòng 48 giờ.
Mối quan hệ của Ba Lan với Nga và Belarus đã xấu đi nghiêm trọng kể từ khi nổ ra cuộc chiến ở Ukraine hồi cuối tháng 2/2022.
Hồi tháng 5, Ba Lan đã công bố thông tin chi tiết về “Lá chắn phía Đông” - chương trình trị giá 10 tỷ Zloty (2,5 tỷ USD) nhằm tăng cường phòng thủ dọc biên giới với Belarus và Nga, dự kiến hoàn thành vào năm 2028.