Theo Yonhap, phán quyết mang tính lịch sử của Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc liên quan đến bê bối của bà Park Geun-hye đã để lại một khoảng trống quyền lực lớn trong bối cảnh Hàn Quốc vẫn chưa thể thoát khỏi những khó khăn về ngoại giao hiện tại.
Loay hoay trong tam giác Trung-Triều-Nhật
“Thật khó để có thể trông đợi vào bất kỳ một đột phá nào về mặt ngoại giao trong vài tháng tới. Các đối tác của Hàn Quốc sẽ không tiến hành bất kỳ một bước đi lớn nào vào thời điểm một Chính phủ và một Tổng thống mới sẽ nhậm chức chỉ trong vòng vài tháng tới”, ông Woo Jung-yeop, nhà nghiên cứu tại Viện Sejong nhận định.
Tổng thống Park Geun-hye (áo xanh). (Nguồn: Yonhap) |
Theo các chuyên gia, việc bà Park Geun-hye bị phế truất diễn ra vào thời điểm “không thể tệ hơn” đối với Hàn Quốc, nhất là trong những vấn đề ngoại giao mà nước này đang phải đối mặt- trong đó đáng chú ý nhất là mối quan hệ “cơm không lành, canh chẳng ngọt” với 2 nước láng giềng Nhật Bản và Trung Quốc.
Hồi tháng 1/2016, Nhật Bản đã triệu hồi Đại sứ nước này tại Seoul để phản đối việc Hàn Quốc dựng tượng một cô gái ngay bên ngoài Lãnh sự quán Nhật Bản. Bức tượng cô gái này tượng trưng cho những cô gái Hàn Quốc bị bắt làm “phụ nữ giải khuây” cho binh sĩ Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Ngoài ra, Nhật Bản cũng nhiều lần tuyên bố chủ quyền đối với nhóm đảo mà nước này gọi là Takeshima còn Hàn Quốc gọi là Dokdo.
Trong khi đó, quan hệ với Trung Quốc còn đáng lo ngại hơn và đã xuống mức rất thấp kể từ khi Hàn Quốc quyết định chấp thuận để Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại nước này bất chấp sự phản đối dữ dội của Trung Quốc.
Trong bối cảnh việc triển khai THAAD được đẩy nhanh, Trung Quốc cũng tăng tốc các biện pháp đáp trả, bao gồm việc cấm một số hàng hóa của Hàn Quốc nhập khẩu vào Trung Quốc và trừng phạt các công ty của Hàn Quốc làm ăn tại Trung Quốc.
Ngoài ra, Triều Tiên cũng tiếp tục tiến hành nhiều vụ thử tên lửa mà phía Hàn Quốc coi là “hành động cố tình khiêu khích Hàn Quốc". Việc thử tên lửa của Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh quan hệ Hàn-Trung-Nhật có những rạn nứt lớn.
Điều này khiến các chuyên gia lo ngại về việc Triều Tiên có những động thái khiêu khích nghiêm trọng hơn trong khi giới chức Hàn Quốc chưa kịp có những phản ứng răn đe mạnh mẽ trong thời điểm hết sức nhạy cảm này.
“Một điều rất đáng lo ngại là an ninh quốc gia có thể bị ảnh hưởng. Điều gì sẽ xảy ra nếu Triều Tiên có những hành động quân sự trên quy mô lớn đòi hỏi Chính phủ Hàn Quốc phải có những phản ứng mạnh mẽ? Việc thiếu vắng vị trí lãnh đạo trong bối cảnh cuộc bầu cử sắp diễn ra sẽ khiến giới chức Hàn Quốc khó có thể đưa ra những quyết định chính xác và nhanh chóng”, ông Woo Jung-yeop nhận định.
Trong bối cảnh đó, chuyến thăm Hàn Quốc của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson vào tuần tới được cho là có ý nghĩa cực kỳ quan trọng bởi ông Tillerson có thể gửi một thông điệp đến Triều Tiên rằng, quan hệ Mỹ-Hàn vẫn rất bền chặt và đủ sức răn đe mọi hành vi khiêu khích về quân sự của phía Triều Tiên.
Cơ hội vàng cho các ứng viên Tổng thống
Dù vậy, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc phế truất bà Park Geun-hye có thể giúp xóa bỏ những lo ngại liên quan đến vận mệnh của Hàn Quốc trong suốt nhiều tháng qua. Những chuyên gia này cho rằng, giờ thì Hàn Quốc có thể bỏ cuộc chiến pháp lý liên quan đến bà Park Geun-hye lại sau lưng và tập trung vào việc lựa chọn nhà lãnh đạo mới của mình.
“Tôi không cho rằng, mọi chuyện sẽ có nhiều thay đổi trong vòng vài tháng tới so với vài tháng trước đó do Hàn Quốc chưa thể có một Tổng Tư lệnh thực sự nắm quyền”, ông Chang Yong-seok, chuyên gia tại Viện nghiên cứu về Hòa bình và Thống nhất thuộc Đại học Quốc gia Seoul nhận định.
“Tuy nhiên, phán quyết của Tòa liên quan đến việc phế truất bà Park Geun-hye phần nào đó sẽ giúp xóa bỏ tâm trạng bất an của người dân Hàn Quốc và giúp họ có thể toàn tâm toàn ý lựa chọn Tổng thống tương lai của mình và giúp các ứng viên Tổng thống có thể nêu rõ quan điểm chính trị của mình trong những vấn đề then chốt”, ông Chang Yong-seok nói.
Các chuyên gia cũng thống nhất rằng, quyền Tổng thống Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn cần phải giữ được sự trung lập của mình để không bị tác động bởi bất kỳ ứng viên Tổng thống nào nhằm đưa ra các quyết định có lợi cho họ.
Họ cũng kêu gọi ông Hwang Kyo-ahn giữ vững ổn định đất nước cho đến khi cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra và quyền lực được chuyển giao một cách hòa bình cho nhà lãnh đạo mới của Hàn Quốc.
Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo ông Hwang Kyo-ahn không nên giữ thái độ “án binh bất động”. Việc giữ vững ổn định tình hình đất nước là rất quan trọng nhưng ông Hwang Kyo-ahn cũng không nên trì hoãn mọi việc cho đến khi Tổng thống mới được bầu.
"Chính quyền hiện tại cần phải duy trì trách nhiệm của mình cho đến khi có Tổng thống mới mà không để bị ảnh hưởng bởi bất kỳ tư tưởng dân túy hoặc những lý do chính trị nào khác”, ông Yang Wook, chuyên gia tại Diễn đàn An ninh và Quốc phòng Hàn Quốc nhận định.