Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden lần thứ 3 tranh cử Tổng thống Mỹ. (Nguồn: AFP) |
Cựu Phó Tổng thống đã dễ dàng vượt qua chặng đua cuối cùng sau khi chiến thắng tại cuộc bầu cử sơ bộ ở 7 bang và thủ đô Washington D.C. Các đám đông ủng hộ Biden trong các cuộc vận động tranh cử của ông không đủ để lấp đầy sân vận động. Các ứng cử viên khác của đảng Dân chủ như Bernie Sanders, Elizabeth Warren và Pete Buttigieg mỗi người có những khoảnh khắc tỏa sáng, trong khi Biden dường như chỉ cố gắng bảo tồn nguồn lực của mình.
Nhưng Biden đã chính thức được đề cử đại diện cho đảng Dân chủ tại cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới.
Biden có thể kết nối tình cảm với những người đã từng trải qua mất mát cá nhân như ông. Và với tư cách là phó tướng của Barack Obama trong 8 năm, Biden nhắc nhở nhiều người trong đảng Dân chủ về việc một tổng thống cần phải làm gì.
Biden đã có màn khởi động tranh cử được coi là khá tệ khi chỉ xếp ở vị trí "chiếu dưới" trong các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ tại các bang Iowa, New Hampshire và Nevada. Bước ngoặt chỉ xảy ra sau khi ông thắng đậm tại bang Nam Carolina nhờ sự ủng hộ của các cử tri người Mỹ gốc Phi. Sau đó, các đối thủ đã rời khỏi cuộc đua, và trong vài ngày, liên minh ủng hộ ông đã được mở rộng để giúp ông thống trị cuộc đua giành phiếu đề cử chính thức vào tối 5/6 (giờ địa phương).
Nước Mỹ đang phải đối mặt với tình trạng bất ổn dân sự lớn sau cái chết của George Floyd, cùng lúc với tỷ lệ thất nghiệp gia tăng chưa từng thấy kể từ cuộc Đại suy thoái, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành, tác động lớn đến nền kinh tế. Những vấn đề này chắc chắn sẽ chi phối các cuộc bỏ phiếu vào tháng 11 tới. |
Đây là cách mà Biden đã giành chiến thắng.
Các cử tri ôn hòa
Đa số cử tri của đảng Dân chủ muốn đưa ra một chương trình nghị sự ôn hòa với các đề xuất chính sách thực tế thay vì một sự tự do với những ý tưởng táo bạo. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, vì 58% số người được hỏi ý kiến nói họ là những người ôn hòa hoặc bảo thủ. Đồng thời, các cuộc thăm dò cũng cho thấy một đa số mong manh (53%) chờ đợi một sự thay đổi kịch tính từ Washington, so với 45% muốn quay trở lại thời kỳ tiền Trump.
Các cử tri muốn khôi phục hệ thống chính trị đã ủng hộ Biden hơn bất kỳ ứng cử viên nào khác, cho dù họ muốn một vị tổng thống theo chủ nghĩa tự do hay trung dung. Sanders, Thượng nghị sĩ bang Vermont, tự mô tả mình là người theo chủ nghĩa xã hội dân chủ, đã có lợi thế hơn so với Biden trong số những người muốn có thay đổi cơ bản và một ứng cử viên tự do. Nhưng ngay cả trong số những người ủng hộ một sự thay đổi sâu rộng và các chính sách ôn hòa, chỉ có 38% đã ủng hộ Biden.
Các cử tri trung niên
61% cử tri tham gia cuộc bầu cử sơ bộ là ở độ tuổi 45 tuổi - một nhóm ủng hộ mạnh mẽ cho Biden. Lợi thế đó đã bù đắp điểm yếu của ông trong nhóm cử tri trẻ tuổi.
Thành phần nhân khẩu học của cử tri đảng Dân chủ là một rào cản đối với Sanders. Các cử tri dưới 30 tuổi là thành phần chủ chốt trong liên minh ủng hộ Sanders nhưng chỉ chiếm 15% tổng số cử tri. Mô hình tương tự giữa những người tự mô tả là theo trường phái tự do và những người thấy mình bị tụt lại phía sau trong nền kinh tế.
"Phao cứu sinh" ở Nam Carolina
Chính cuộc bầu cử sơ bộ hôm 29/2 ở bang Nam Carolina đã mang đến cho Biden một sự trở lại rất cần thiết. Đây là bang có nhiều người Mỹ gốc Phi đầu tiên có tiếng nói và 64% cử tri Mỹ gốc Phi ủng hộ Biden. Các cử tri của bang này nhiệt tình trong việc khôi phục kỷ nguyên Obama hơn so với các cử tri ở Iowa và New Hampshire.
Số phiếu bầu đại biểu đủ cao ở Nam Carolina đã gây chấn động. Trong vòng 72 giờ, Buttigieg, Klobuchar và tỷ phú Tom Steyer quyết định gác lại tham vọng trở thành tổng thống, dọn đường cho Biden thành lập liên minh của ông. Và Biden đã củng cố vị thế của mình vài ngày sau đó trong các cuộc bầu cử sơ bộ Siêu thứ Ba vào ngày 3/3. Ông đã giành chiến thắng tại 10 bang, trong đó có Texas, Massachusetts, Bắc Carolina và Virginia.
Đại dịch Covid-19 và cái chết của George Floyd
Xuyên suốt các cuộc bầu cử sơ bộ, các cử tri của đảng Dân chủ tuyên bố chăm sóc sức khỏe là vấn đề quan trọng nhất mà quốc gia phải đối mặt. Biến đổi khí hậu kéo dài xếp ở vị trí thứ hai. Nền kinh tế đứng thứ ba với khoảng cách khá xa.
Điều này có ý nghĩa trong thời điểm nước Mỹ đang trải qua giai đoạn tăng trưởng dài nhất trong lịch sử và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp trong nửa thế kỷ là 3,5%. Nhưng chưa đầy hai tuần sau cuộc bầu cử sơ bộ Siêu thứ Ba, mọi thứ đã thay đổi.
Đại dịch Covid-19 đã khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt lên 13,3%, một điều chưa từng thấy kể từ cuộc Đại khủng hoảng. Một cuộc khảo sát hồi tháng 5/2020 của Trung tâm nghiên cứu các vấn đề công của AP-NORC cho thấy, gần 70% người lao động bị mất việc theo dự kiến sẽ được tuyển dụng trở lại, so với gần 80% chỉ một tháng trước đó do thực tế đáng buồn của việc đóng cửa các nhà hàng và doanh nghiệp trở nên rõ ràng hơn.
Sau đó đã xảy ra một bước ngoặt khác vào tháng 5 sau cái chết của George Floyd ở Minneapolis, dẫn đến các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc trên khắp đất nước. Dân quyền hiện đã tham gia nền kinh tế như là một vấn đề quốc gia có tính chi phối.
Trong giai đoạn bầu cử sơ bộ, các mối quan hệ chủng tộc đã tụt hậu so với vấn đề chăm sóc sức khỏe, nền kinh tế và biến đổi khí hậu - là những vấn đề quan trọng nhất đối với đảng Dân chủ ở bang Nam Carolina. Tuy nhiên, các cử tri tin tưởng vào Biden nhất trong các về các vấn đề chủng tộc, 39% cho rằng ông sẽ là ứng viên Dân chủ tốt nhất để giải quyết vấn đề đó.
Cử tri ủng hộ ông Joe Biden tại Philadelphia, Pennsylvania ngày 10/3. (Nguồn: Getty Images) |
Sau nhiều tháng vận động từ căn cứ địa của mình, Biden đã xuất hiện trong tuần qua để có bài phát biểu tại Philadelphia.
“Chúng ta không thể để thời điểm này nghĩ rằng chúng ta có thể quay lưng lại và không làm gì cả”, ông nói. “Đã đến lúc đất nước chúng ta phải chống lại nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống. Đã đến lúc đối phó với sự bất bình đẳng về kinh tế đang gia tăng trong đất nước chúng ta”.
Trên trang cá nhân Twitter, Biden viết: “Đây là một giai đoạn khó khăn trong lịch sử nước Mỹ. Và hiện không có câu trả lời cho sự giận dữ của Donald Trump và sự chia rẽ về chính trị. Đất nước cần người lãnh đạo. Người lãnh đạo có thể giúp chúng ta đoàn kết. Người lãnh đạo có thể đưa chúng ta xích lại gần nhau”.