Ảnh minh họa. |
Cộng hòa Síp vừa trở thành nước thứ 5 ở Eurozone nhận gói cứu trợ từ các chủ nợ quốc tế. Ngược lại, Phần Lan có mức xếp hạng AAA và là điểm sáng của châu Âu.
Sự tương phản giữa những nền kinh tế nằm bên bờ biển Baltic (Đức, Phần Lan và khối nước thuộc liên minh Xô Viết cũ) và những nước bên bờ Địa Trung Hải (từ Hy Lạp đến Tây Ban Nha) đang ngày càng gia tăng. Ở Síp, người biểu tình giận dữ ra đường bảo vệ tiền gửi tại các ngân hàng, chỉ trích châu Âu (đặc biệt là Đức) đã đẩy họ vào thảm cảnh như hiện nay. Trong khi đó, ở Phần Lan, Thủ tướng Jyrki Katainen mời các lãnh đạo châu Âu đến 1 khu nghỉ dưỡng để thảo luận về việc đem lại nhiều công bằng hơn trong các mối quan hệ ở châu Âu. Tại đây, ông tuyên bố: "Không phải lúc nào những kẻ chơi đúng luật (đặc biệt là người Bắc Âu) cũng phải chi tiền cho những kẻ phá bĩnh (người Nam Âu)".
Nam Âu – tự cứu mình đi!
Các điều kiện đi kèm gói cứu trợ dành cho Síp chính là minh chứng hùng hồn nhất cho nỗi tức giận của các nước chủ nợ. Thời kỳ "miễn phí" đã chấm dứt. Cứu trợ bắt buộc phải đi kèm với sự hi sinh của các nhà đầu tư tư nhân. Những người nộp thuế ở Eurozone đã từ chối giúp đỡ các ngân hàng Síp. Kết quả là, người gửi tiền phải gánh chịu hậu quả từ khu vực tài chính phát triển quá mức.
Có lẽ Bắc Âu đã học được bài học xương máu từ Hy Lạp. Eurozone đã cho Hy Lạp mượn quá nhiều tiền, đến nỗi Athens sẽ không bao giờ trả được số nợ ấy. Cuối cùng thì các bên nắm giữ trái phiếu Hy Lạp chính là những người phải chịu nhiều thiệt thòi nhất.
Phần Lan, Hà Lan và Đức muốn Eurozone từ bỏ ý tưởng tăng cường thêm nghĩa vụ. Thay vào đó, họ muốn củng cố bộ khung căn bản của Eurozone: mỗi nước phải chịu trách nhiệm về chính sách kinh tế của chính họ. Quan điểm cứng rắn của Phần Lan bắt nguồn từ lịch sử của quốc gia này, khủng hoảng từ năm 1990 đến 1993, GDP sụt giảm 10%, giá nhà đất giảm 40% và đồng nội tệ mất 30% giá trị. Tuy nhiên, đất nước này không tìm kiếm sự trợ giúp từ bên ngoài. Các chuyên gia kinh tế lập luận rằng chính những cải cách thời kỳ khủng hoảng đã đặt nền móng cho sự phục hồi mạnh mẽ của đất nước này.
Gia nhập khối đồng tiền chung, thái độ của Phần Lan đối với các nước vùng Địa Trung Hải rất rõ ràng: Chấm dứt than phiền và bắt tay vào cải cách. Các nước Bắc Âu đã trải qua những gì tồi tệ nhất (suy thoái sâu, đồng nội tệ lao dốc) nhưng giờ đây đang tăng trưởng mạnh mẽ hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở EU. Rất nhiều quốc gia ở Địa Trung Hải bàn về việc rời khối đồng tiền chung nhưng các nước dọc bờ biển Baltic vẫn xếp hàng chờ gia nhập. Đối với lãnh đạo các nước này, những điều kiện tài khóa khắc khổ không phải là thảm họa. Đó là thứ bảo hiểm cho sự ổn định trong tương lai.
Cái khó của Bắc Âu
Cách mà Phần Lan để cho thị trường hoạt động tự do, đầu tư vào giáo dục và công nghệ trong khi cung cấp chế độ phúc lợi xã hội tuyệt vời mà vẫn tình hình tài chính vẫn được kiểm soát chặt chẽ là rất đáng ngưỡng mộ. Mặc dù vậy, bất kỳ nước nào cũng có khó khăn riêng của mình và Phần Lan cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. "Gã khổng lồ" hùng mạnh một thời của Phần Lan - Nokia đang ngày một yếu đi. Hơn nữa, đưa ra chính sách điều chỉnh nền kinh tế trong bối cảnh bị bó buộc vào liên minh tiền tệ và điều khó khăn, đặc biệt là khi các nước láng giềng đang lao dốc không phanh và thâm hụt ngân sách khổng lồ.
Mối đe dọa lớn nhất đối với sự tồn tại của Eurozone chính là mâu thuẫn chính trị phát sinh từ những gói cứu trợ. Người Bắc Âu có đầy đủ quyền hạn để yêu cầu những người nhận được sự giúp đỡ phải có trách nhiệm. Tuy nhiên, chính bản thân Bắc Âu cũng bị ràng buộc trách nhiệm. Bắc Âu phải chứng tỏ được tính khả thi của việc thiết kế các gói cứu trợ không gây nên những "vết thương" không đáng có; phải có đủ kiên nhẫn để trì hoãn chính sách thắt lưng buộc bụng trong khi các nước khác phục hồi và trên hết là phải xây dựng lại cấu trúc tài chính của Eurozone.
Nguyễn Trà (Theo Economist)