📞

Bắc Giang chủ động tháo gỡ khó khăn, tìm đầu ra cho nông sản giữa 'tâm dịch' Covid-19

Diệu Linh 14:34 | 11/06/2021
Tình hình dịch Covid-19 phức tạp đã tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là hoạt động tiêu thụ nông sản.

Tiêu thụ nông sản "gặp khó"

Trong 3 đợt dịch Covid-19 bùng phát trước, Bắc Giang dù xuất hiện các ca dương tính song đã kiểm soát, ngăn chặn rất kịp thời, không để lây lan ra cộng đồng. Tuy nhiên, đợt dịch thứ 4 bùng phát từ đầu tháng 5/2021, Bắc Giang trở thành một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với hàng nghìn ca mắc.

Diện tích vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang là 28.100 ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn. (Nguồn: VGP)

Tình hình dịch bệnh phức tạp đã tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là hoạt động tiêu thụ nông sản.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần một triệu con lợn, sản lượng thịt 44.000 tấn; gần 20 triệu gia cầm, sản lượng gần 10.000 tấn; trên 12 nghìn ha diện tích nuôi thủy sản, sản lượng gần 17.000 tấn.

Ngoài ra, tỉnh còn có trên 1.100 ha rau các loại, sản lượng khoảng 20.000 tấn; có 600 ha dứa, sản lượng 15.000 tấn; trên 33.000 ha nhãn, sản lượng khoảng 20.000 tấn; 22.000 ha na, sản lượng khoảng 15 nghìn tấn cho thu hoạch từ tháng 7 đến hết tháng 8/2021 và các sản phẩm nông sản khác như cam, bưởi, táo... cho thu hoạch từ nay đến cuối năm.

Riêng đối với vải thiều, diện tích vải thiều toàn tỉnh là 28.100 ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn (tăng khoảng 15.000 tấn so với năm 2020), trong đó vải chín sớm 6.050 ha, sản lượng ước 45.000 tấn, vải thiều chính vụ diện tích 22.050 ha, sản lượng ước đạt 135.000 tấn.

Do một số địa phương trong tỉnh thực hiện cách ly và giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, các nhà hàng, quán ăn, trường học, bếp ăn tập thể,… ở các tỉnh, thành phố khác cũng phải dừng hoạt động để phòng, chống dịch nên nhu cầu nông sản giảm dẫn đến việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản chậm.

Sự thiếu hụt về nhân công lao động thực hiện các công việc như thu hái, bốc xếp, sản xuất tại các cơ sở chế biến cũng gặp nhiều khó khăn trong khi các sản phẩm nông sản thường cần số lượng lớn lao động.

Trong khâu vận chuyển, các xe chở nông sản khi lưu thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ phải tuân thủ kiểm dịch, kiểm tra nhiều tại các chốt. Trong khi đó, nông sản có tính thời vụ, tiêu thụ ngắn ngày nên việc chậm vận chuyển gây phát sinh chi phí, hư hao chất lượng và giảm giá trị.

Những quy định khắt khe về vận chuyển, lưu thông hàng hóa an toàn từ vùng dịch tại các địa phương ngoài Bắc Giang khiến lái xe, chủ hàng có tâm lý lo ngại không vận chuyển được và thua lỗ. Thêm vào đó, khi từ vùng dịch trở về phải thực hiện cách ly theo quy định 21 ngày nên các thương lái sợ không trở lại thu mua nông sản được.

Triển khai đồng bộ các biện pháp hỗ trợ

Thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ, tỉnh Bắc Giang đã đề xuất và triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đặc biệt đẩy mạnh là hoạt động tiêu thụ nông sản.

Ngay khi tình hình dịch bệnh có chiều hướng xấu đi, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành các kế hoạch, văn bản hướng dẫn về sản xuất và tiêu thụ nông sản; thành lập các tổ chỉ đạo sản xuất an toàn, tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19; cấp giấy xác nhận vùng sản xuất an toàn.

Khu vực sơ chế vải thiều xuất khẩu tại huyện Lục Ngạn. (Nguồn: VTC)

Đáng chú ý, dịch Covid-19 bùng phát đúng thời điểm vùng vải thiều với sản lượng hơn 180.000 tấn đang vào vụ thu hoạch đặt Bắc Giang vào tình thế, phải bảo vệ vùng trồng vải an toàn trước dịch bệnh. Ngay lập tức, tỉnh đã kích hoạt các biện pháp đồng bộ để bảo vệ an toàn vùng trồng vải, giải quyết bài toán tiêu thụ vải giữa đại dịch.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương, thời điểm bắt đầu xuất hiện ca mắc trong cộng đồng, tỉnh đã xây dựng 2 phương án với mục tiêu bảo vệ vùng vải và tiêu thụ loại nông sản này. Ở mỗi phương án, tỉnh phân công trực tiếp một Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách.

Với phương án bảo vệ vùng vải an toàn, tỉnh nhanh chóng khoanh vùng vải sớm ở huyện Tân Yên và vải chính vụ ở huyện Lục Ngạn. Tại đây, các chốt kiểm soát, canh gác bảo vệ nghiêm ngặt các cửa ngõ ra vào vùng vải được thành lập sớm.

Ở bên trong vùng vải, tỉnh thực hiện các biện pháp làm sạch với mục tiêu tạo vùng vải không Covid-19. Tỉnh đã ra kế hoạch, nếu có ca mắc phải đưa ra ngoài điều trị, còn các trường hợp tiếp xúc gần sẽ đưa về thành phố để cách ly, đảm bảo không có dịch ở vùng vải.

Ông Lê Ánh Dương khẳng định: "Chúng tôi đã triển khai giám sát chặt chẽ, lập hồ sơ đăng ký, theo dõi, tổ chức xét nghiệm và tiêm phòng Covid-19 với người tham gia các công đoạn từ sản xuất, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển, thu mua vải thiều".

Khi đã có được vùng vải an toàn, để chứng minh độ an toàn của vải thiều, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng bộ hồ sơ chứng minh cho quy trình tạo sản phẩm trước khi xuất bán, cam kết với Chính phủ, người tiêu dùng về mức độ an toàn tuyệt đối của vải thiều.

"Quan điểm của tỉnh là chỉ đưa vải an toàn ra ngoài, tuyệt đối không vì bán thêm được ít vải mà mang dịch cho địa phương khác", Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh.

Riêng đối với sản phẩm vải thiều, hiện nay, tỉnh đang tập trung thực hiện “Kịch bản số 2: Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng trong tầm kiểm soát, sản lượng tiêu thụ là 70% tiêu thụ nội địa và 30% xuất khẩu”.

Theo đó, đối với thị trường nội địa, tỉnh đã tổ chức kết nối tiêu thụ với các hệ thống phân phối bán lẻ, các Tập đoàn, siêu thị lớn, các chợ đầu mối; tăng cường tiêu thụ nông sản thông qua kênh thương mại điện tử.

Đối với thị trường xuất khẩu, tỉnh phối hợp với Bộ Công Thương và Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia xuất khẩu vải thiều để kết nối, thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều; thành lập tổ thường trực hỗ trợ xuất khẩu vải thiều tại các cửa khẩu của tỉnh Lào Cai và Lạng Sơn; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các thương nhân Trung Quốc sang Việt Nam vào Bắc Giang khảo sát, đàm phán, thu mua vải thiều.

Không chỉ tập trung với sản phẩm vải thiều, tỉnh cũng đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc, thu hoạch, đóng gói, bảo quản các loại nông sản đảm bảo an toàn dịch bệnh. Đồng thời tổ chức thông tin, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp tỉnh Bắc Giang trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Các sở, ban, ngành tích cực tạo điều kiện, hỗ trợ các thương lái, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải các biện pháp phòng chống dịch như xét nghiệm, tập huấn về phòng chống dịch, khử khuẩn phương tiện...Khi đảm bảo điều kiện sẽ được cấp giấy chứng nhận an toàn phòng chống dịch Covid-19.

Vải thiều Bắc Giang được bày bán tại cửa hàng thuộc hệ thống Siêu thị MM Mega Market. (Nguồn: Báo Bắc Giang)

Ngoài ra, tỉnh còn tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thực hiện thu mua, sơ chế, chế biến nông sản như sấy khô, ép nước, cấp đông…Thiết lập, hỗ trợ người dân tham gia các kênh bán hàng online trên mạng xã hội (Zalo, Facebook...), các sàn giao dịch thương mại điện tử; kêu gọi các tập đoàn bán lẻ, hệ thống siêu thị, chợ đầu mối các tỉnh, thành phố tham gia tiêu thụ nông sản tỉnh Bắc Giang.

Các đơn vị chức năng phối hợp sát sao với bà con nông dân, thành lập kênh bán hàng tại các xã; tổ chức các điểm tập kết nông sản và hướng dẫn các phương tiện ra, vào khu tập kết đảm bảo các quy định về phòng chống dịch. Chỉ đạo tổ chức hỗ trợ sản xuất, thu hoạch, đóng gói, vận chuyển, tiêu thụ cho nông dân.

Những tín hiệu vui

Lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, với những nỗ lực của cả tập thể, bước đầu đã đạt kết quả quan trọng. Đầu tiên là tỉnh có vùng vải tuyệt đối an toàn với Covid-19, cả hai vùng vải Lục Ngạn và Tân Yên đều hoàn toàn không có bệnh nhân F0 và các trường hợp F1, F2.

Người tham gia trong chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ đều được kiểm soát về y tế, không sót một ai, đảm bảo thực hiện đúng phương án đặt ra. Điều đáng mừng về kết quả là mức độ tiêu thụ vải so với mọi năm không hề giảm từ sản lượng, số lượng tiêu thụ và giá cả vẫn đảm bảo duy trì như mọi năm.

Vải thiều Việt Nam xuất hiện tại các siêu thị ở Malaysia. (Nguồn: Bộ Công Thương)

Sau Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều diễn ra từ ngày 8/6 đến ngày 9/6, hàng loạt siêu thị lớn đã kích hoạt bán vải thiều Bắc Giang.

Theo, thông tin từ Trung tâm Xúc tiến Thương mại (Sở Công Thương), ngày 9/6, hàng loạt siêu thị lớn như MM Mega Market, Tập đoàn Central Retail đã bán vải thiều ở tất cả các cửa hàng của hệ thống với giá từ 23 nghìn đồng/kg trở lên (tùy loại).

Tập đoàn VinCommerce dự kiến thu mua 2.000 tấn vải thiều Bắc Giang và phân phối tại hệ thống hơn 2.500 cửa hàng và siêu thị VinMart, VinMart+ trên toàn quốc và trên trang thương mại điện tử.

Lượng vải thiều giao dịch trên sàn thương mại điện tử cũng tăng mạnh, lên đến hàng nghìn tấn thông qua các trang như: Sendo, Voso (Viettel Post), Tiki, Shopee, Postmart (VNpost), Lazada và Alibaba...

Được biết, đến nay, tổng sản lượng tiêu thụ vải thiều của toàn tỉnh đạt hơn 60 nghìn tấn, trong đó tiêu thụ trong nước gần 40 nghìn tấn, còn lại là xuất khẩu sang các thị trường như: Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản, Campuchia, Lào, Thái Lan...