Nhỏ Bình thường Lớn

Bác Hồ trong tim những người con xa xứ

Đối với những kiều bào mà tôi đã từng gặp gỡ, tiếp xúc, khi hỏi chuyện về tình cảm của họ với Hồ Chủ tịch, tuy mỗi người có một suy nghĩ, một kỷ niệm riêng về Bác nhưng tựu chung lại đó là tấm lòng yêu quý sâu nặng, một niềm kính trọng sâu sắc với Bác Hồ.


Xa quê đã lâu nhưng hình ảnh Bác Hồ không bao giờ phai mờ trong tim những người con xa xứ. Ông Phan Quốc Lợi, người đã tình nguyện dạy tiếng Việt không lấy tiền cho con em kiều bào ở Noong Khai (Thái Lan) từ năm 2002 đến nay, rất xúc động khi nhắc tới Hồ Chủ tịch: Không riêng gì tôi mà tất cả bà con Việt kiều ở đây đều rất kính trọng Bác Hồ và quyết đi theo lời Người dạy. Còn riêng tôi, tôi đã đọc rất nhiều về Bác và tôi có một cuốn sách 108 điều Bác Hồ dạy. Tôi vẫn coi cuốn sách thường xuyên để học tập.

Với cộng đồng người Việt ở Chiang Mai (phía Bắc Thái Lan), ngày sinh nhật Bác (19/5) được bà con xem như ngày họp mặt của cả cộng đồng. Bà con kiều bào ở đây thường kể cho nhau nghe về những câu chuyện Bác hoạt động trên đất Thái trong khoảng thời gian 1928-1930, với tên Thầu Chín. Cụ Nguyễn Thị Toái sống tại Udon - một tỉnh lưu lại nhiều kỷ niệm nơi Bác Hồ từng sống và hoạt động cách mạng. Ngôi nhà của cụ từng là nơi hội họp và hoạt động bí mật của các cán bộ cách mạng. Hưởng ứng cuộc vận động Ngày vì người nghèo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tuy tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng cụ đã trở về quê hương Quảng Bình, mang theo một số tiền dành dụm suốt mấy chục năm qua với mong ước duy nhất là xây dựng một ngôi trường cấp hai tại An Thủy, Lệ Thủy. Cụ nói: “Tôi không quên lời dạy của Hồ Chủ tịch Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người. Tôi thương tụi nhỏ và mong muốn cho chúng có một mái trường khang trang để học tập vì ngày mai lập nghiệp”.

Ông Nguyễn Phạm Điền, nguyên là chủ tịch Hội Việt kiều yêu nước tại Australia kể ông sang Australia học tập từ khi còn là sinh viên, sau đó ở lại định cư. Đã trở lại Việt Nam nhiều lần nhưng đối với ông, chuyến về thăm quê vào đầu năm 1976, tham dự cái Tết đầu tiên sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, non sông thu về một mối, là một kỷ niệm sau 32 năm ông vẫn không thể nào quên bởi một lẽ giản dị: Đất nước mình sau 30 năm chiến tranh, có hòa bình, được thống nhất, đang bắt đầu công cuộc xây dựng lại sau bao nhiêu năm tàn phá như vậy. Nó có một không khí rất phấn khởi và một niềm tin tưởng rất vững mạnh về tương lai là đất nước mình sẽ như lời Cụ Hồ nói là sẽ xây dựng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Cái đó là một niềm tin mà chúng tôi khi về đầu năm 1976 có một niềm tin rất mạnh về tương lai của đất nước mình.

Câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành động lực giúp người con xa quê có thêm niềm tin, niềm hy vọng về một nước Việt trong tương lai sẽ tươi đẹp, mạnh giàu, yên tâm tiếp tục học tập, làm việc và nếu có điều kiện hướng về Tổ quốc.

Cả cuộc đời Bác đã hy sinh cho quê hương, cho dân tộc. Kiên cường tranh đấu vì độc lập tự do của dân tộc, nhưng suốt cuộc đời Bác lại sống giản dị, trong sáng, thanh tao. Bà Lê Thị Mạnh, Phó Thư ký Hội công nhân và Lao động, thuộc Hội người Việt Nam tại Pháp, năm nay đã ngoại bát tuần, rưng rưng xúc động khi nhắc đến những kỷ niệm về Người: Lúc nào chúng tôi cũng nghĩ đến vị Cha già. Hồi Bác ở Pháp, trời lạnh Bác đốt từng viên gạch để sưởi. Bác ở đó, làm tờ báo Người cùng khổ. Anh chị em thuỷ thủ là một, công nhân là hai rất ủng hộ. Mà Bác ở cái phòng nhỏ xíu, ngõ Công-poanh. Nhà Bác ở đó, chúng tôi bảo quản được 6 năm trời. Công nhân có những cái gì của Bác là bảo quản.

Những tình cảm đối với vị Chủ tịch kính yêu mãi mãi vẫn vẹn nguyên trong tâm hồn những người công nhân Việt Nam tại Pháp. Với niềm kính yêu Bác vô hạn, bà Mạnh cất tiếng hát Nhớ Cha trong mùa phượng nở trong niềm xúc động nghẹn ngào: Bình minh lên nhuộm hồng con sông nhỏ. Rạng rỡ hàng phượng đỏ. Hoa phượng thân yêu gửi một nỗi niềm. Ấp ủ trong tim đậm đà theo năm tháng. Cánh phượng lung linh như tâm tình em thương nhớ. Dào dạt ngày đêm như con nước dâng đầy. Hỡi cánh chim bay cho tôi gởi lời này. Rằng chim có bay về phương Bắc ấy. Hãy nhớ ghé Ba Đình viếng Bác kính yêu. Chim hãy đừng quên, hãy hót thật nhiều. Bài hát thanh bình thống nhất non sông. Để Bác ta yên dạ vui lòng. Say trong giấc nồng trong bình minh rực rỡ.

Trong những ngày tháng 5 này, toàn thể dân tộc Việt Nam dù ở trong nước hay nước ngoài đều tỏ lòng thành kính đến Bác Hồ bằng những việc làm thiết thực, cụ thể. Bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là niềm tự hào của dân tộc mà còn là Danh nhân văn hóa thế giới được UNESCO vinh danh, ghi nhận.

Phương Lan