📞

Bác sĩ tâm huyết với người yếu thế

10:10 | 08/04/2017
Là một trong 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam 2017 do tạp chí Forbes bình chọn, bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh (Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng – SCDI) chia sẻ: “Sự ghi nhận này giúp tôi và đồng nghiệp tự tin rằng con đường chúng tôi lựa chọn có ý nghĩa với xã hội”.
Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng.

Hơn 10 năm qua, SCDI đã triển khai nhiều chương trình y tế công cộng với các mạng lưới ở hơn 40 tỉnh, thành. Có tên trong danh sách 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam 2017, chị có muốn “truyền lửa” cho những người định dấn thân vào con đường mình đang đi?

Tôi nghĩ mình chỉ là đại diện được trao danh hiệu này mà thôi. Đây là sự ghi nhận nỗ lực của tất cả các đồng nghiệp của tôi tại SCDI, các thành viên cộng đồng trên khắp cả nước mà chúng tôi đang làm việc cùng… Niềm vui này được nhân lên gấp bội vì tôi thấy con đường mình đang theo đuổi có nhiều bạn đồng hành.

Đây còn là lời khẳng định rằng những việc chúng tôi làm có ích, mang lại ảnh hưởng tốt đẹp đến cộng đồng, khiến chúng tôi cảm thấy có trách nhiệm, muốn đóng góp nhiều hơn cho xã hội.

Chúng tôi sẽ tiếp tục trao gửi tâm huyết đến những nhóm người yếu thế cho dù có được ghi nhận hay không.

Cùng với SCDI, chị đã âm thầm với công việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và nhận thức về HIV/AIDS của hàng ngàn người Việt Nam yếu thế trong xã hội, giúp họ tự tin thể hiện bản thân. Chắc hẳn, trong hành trình này, chị cũng gặp muôn vàn khó khăn?

Tôi vẫn thường hay nói với các đồng nghiệp của mình: “Nếu việc dễ thì đã có người làm rồi, chẳng đến lượt mình”. Công việc chúng tôi chọn đều hướng tới cải thiện cuộc sống của những người yếu thế. Chúng tôi góp nhặt những niềm vui của cộng đồng để làm năng lượng cho mình vượt qua khó khăn. Một nụ cười, một bức vẽ tươi sáng, thành tích học tập của một em bé có mẹ đi tù, hay đứa con mới chào đời của người thoát khỏi ma tuý,...  đều là cảm hứng, là động lực để chúng tôi tiếp tục làm việc.

Những giải thưởng của bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh

Năm 2005: là người Việt Nam đầu tiên được lựa chọn cho chương trình đào tạo lãnh đạo “Người đồng hành thế giới” (World Fellows) của đại học Yale.

Năm 2009: được bình chọn là “Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu” bởi Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Năm 2014: Giải thưởng Dedonder Clayton 2014 trong lĩnh vực nghiên cứu về HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm do Giáo sư Francoise Barre-Sinoussi – nhà khoa học đoạt giải Nobel y học do tìm ra vi-rút HIV và Viện Pasteur Paris trao tặng.

Năm 2016: Giải thưởng “Tầm nhìn 2016” - Câu lạc bộ Phụ nữ Quốc tế Hà Nội (HIWC). Năm 2017: “Thế hệ lãnh đạo kế tiếp của ASEAN” – Chuỗi phóng sự của Kênh Truyền hình châu Á (Channel News Asia).

Năm 2017: Danh sách 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam 2017 - Tạp chí Forbes bình chọn.

Dành trọn trái tim cho những người bị kỳ thị, dự định trong tương lai của chị chắc còn rất nhiều?

Chúng tôi có hai tiêu chí để quyết định có nên bắt đầu một công việc. Đó là, nếu làm việc này thì mang lại lợi ích gì cho những người yếu thế? Có ai khác làm và làm tốt hơn mình không?

Mục tiêu cơ bản trong các dự án của chúng tôi là hỗ trợ cũng như kết nối, sẻ chia, tạo môi trường thuận lợi cho các cộng đồng dễ bị tổn thương.

Bên cạnh đó, chúng tôi nhận thấy rằng, con em của những gia đình ấy gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Các em như những cây non gặp phải những yếu tố không thuận lợi cho sự phát triển. Do đó, SCDI đang có dự án tập trung vào các em nhỏ này; hỗ trợ học phí để các em được đến trường, phát triển những kỹ năng sống; hỗ trợ tâm lý, tài chính và pháp lý; kèm dạy học, giúp các em hòa nhập bằng các hoạt động văn hóa…

Chúng tôi đã cùng tổ chức Expertise France, với sự hỗ trợ của các chuyên gia Pháp để thực hiện dự án "Bảo vệ tương lai - Chiến lược mới nhằm ngăn ngừa lây nhiễm HIV trong thanh niên sử dụng ma túy ở Việt Nam", tập trung vào lứa tuổi từ 16 -24 có sử dụng ma tuý.

Ngoài ra, SCDI cũng đang mở rộng hoạt động trong lĩnh vực phòng, chống bệnh lao và sốt rét. Đồng thời, chúng tôi hướng đến việc chăm sóc sức khoẻ cho tù nhân, giảm nguy cơ tái phạm, giảm hậu quả đối với con cái và gia đình họ.

Có nhiều cách để mỗi người tự lựa chọn cống hiến cho cộng đồng. Là một trong những “phụ nữ truyền cảm hứng”, chị có trăn trở gì?

Mọi người bảo tôi là người truyền cảm hứng, nhưng cảm hứng của tôi lại đến từ các đồng nghiệp kiên cường vượt qua bao bỡ ngỡ, trở ngại để cống hiến.

Điều tôi trăn trở là nhiều người vẫn còn đang ở ngoài lề xã hội  do bị kỳ thị, không theo kịp phát triển về kinh tế, xã hội, không vượt qua được những rủi ro trong cuộc sống cũng như định kiến. Chúng tôi tiếp cận theo hướng “trao quyền”, ứng xử với họ một cách nhân văn, giúp họ tăng cường hiểu biết để tự bảo vệ bản thân và nâng cao chất lượng sống. Từ đó, các cộng đồng yếu thế và các nhà hoạch định chính sách có thể xích lại gần nhau, hiểu nhau hơn.

Làm thế nào để tất cả trẻ con đều được đến trường, đều được yêu thương, đều có cơ hội phát triển? Tôi nghĩ rằng trăn trở này sẽ không bao giờ hết, nhưng thêm một người khỏe mạnh, hạnh phúc là thêm một niềm vui, sự khích lệ cho chúng tôi. 

Cảm ơn chị!

(thực hiện)