📞

Bác sỹ điều trị F0 Covid-19: Chúng tôi coi bệnh nhân như người thân, bè bạn

Phương Hà 09:45 | 09/08/2021
Trở về nhà sau nhiều tuần điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang (Sở Y tế Hà Nội), như một thói quen, bác sỹ Lê Mạnh Trường vẫn nhắn tin qua Zalo hỏi han những bệnh nhân đang được điều trị.
Trong đợt dịch thứ 4, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã và đang điều trị cho hơn 400 bệnh nhân Covid-19. (Ảnh: MT)

Bác sỹ Trường chia sẻ: “Các bệnh nhân Covid-19 vẫn có thể tiếp cận được với thông tin dịch bệnh phức tạp thông qua điện thoại cá nhân, các phương tiện thông tin đại chúng. Đa phần đều vô cùng lo lắng. Tâm bệnh cũng là điều chúng tôi dễ dàng nhận thấy ở các bệnh nhân Covid-19. Nếu chỉ đơn thuần thăm khám và điều trị cho họ như những bệnh nhân bình thường thì e rằng mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ hơn. Chúng tôi coi họ như người thân, bè bạn,… quan tâm hỏi han để họ luôn cảm giác có người đồng hành, dù có chuyện gì xảy ra vẫn sẽ luôn bảo vệ họ”.

Tuyến đầu chống dịch

Bệnh viện đa khoa Đức Giang là một trong 4 bệnh viện được Sở Y tế Hà Nội giao nhiệm vụ tiếp nhận và điều trị bệnh nhân mắc Covid-19.

Bác sỹ Trường cho biết, tính từ đầu đợt bùng phát dịch thứ 4 đến nay, bệnh viện đã và đang điều trị cho hơn 400 bệnh nhân mắc Covid-19, thời điểm cao nhất là 160 bệnh nhân. Bệnh viện tiếp nhận và điều trị toàn bộ những bệnh nhân mắc Covid-19 từ không có triệu chứng đến nhóm bệnh nhân có triệu chứng nặng và nguy kịch; nhóm bệnh nhân Nhi, Sản, Ngoại, người nước ngoài mắc Covid-19.

Tất cả bệnh nhân mắc Covid-19 khi vào viện được đưa vào khu nhà C để theo dõi và điều trị. “Tại đây, chúng tôi áp dụng mô hình tháp điều trị F0. Khu điều trị nhà C có 3 tầng điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19 được chia theo mức độ bệnh, các yếu tố nguy cơ nặng, chỉ số chu kỳ xét nghiệm PCR SARS-CoV-2”, bác sỹ Trường chia sẻ.

Theo đó, tại tầng C6 tiếp nhận bệnh nhân mới, khám sàng lọc đánh giá để phân loại theo các nhóm yếu tố nguy cơ diễn biến nặng như: tuổi cao trên 60 tuổi; có bệnh lý nền; triệu chứng khởi phát rầm rộ như sốt cao liên tục, khó thở, độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi-Sp02 thấp < 96%.

Tầng C6 cũng là nơi điều trị cho nhóm bệnh nhân nặng và nguy kịch với đầy đủ trang thiết bị như: thở oxy gọng kính, thở oxy mask, thở máy HFNC (máy oxy lưu lượng cao), thở máy không xâm nhập, thở máy xâm nhập (đặt nội khí quản), lọc máu.

Nếu bệnh nhân không có các yếu tố nguy cơ trên thì sẽ được chuyển xuống tầng C5. Tầng C5 tiếp nhận và điều trị nhóm bệnh nhân trung bình và bệnh nhân đã được điều trị ổn định ở tầng C6 chuyển xuống. Cuối cùng, tầng C4 tiếp nhận nhóm bệnh nhân không có triệu chứng, bệnh nhân đã dừng thuốc điều trị ở C5 chuyển xuống và sẽ làm cho bệnh nhân ra viện khi bệnh nhân đủ điều kiện theo quy định.

Bác sỹ Trường và đồng nghiệp luôn phải túc trực 24/24 với các bệnh nhân Covid-19. (Ảnh: MT)

“Giai điệu” 24h

Guồng quay của bộ máy ấy làm việc không ngưng nghỉ 24/24, tiếng bước chân chạy vội của các bác sỹ vào phòng cấp cứu lúc 12 giờ đêm, tiếng máy thở tút tút khiến đêm như dài hơn, tiếng cười đùa hồn nhiên của những đứa trẻ,… tất cả là “giai điệu” của khu điều trị, nơi hàng chục bác sỹ cùng hàng trăm bệnh nhân nỗ lực từng giây chiến đấu với “kẻ thù” Covid-19.

Bác sỹ Trường kể: Hằng ngày, chúng tôi thăm khám từng bệnh nhân thường quy 2 lần/ngày và xử trí các bệnh nhân có diễn biến nặng như suy hô hấp phải thở oxy, nặng hơn nữa phải thở oxy mask, thở máy HFNC, thở máy không xâm nhập, có trường hợp nguy kịch cần phải đặt ống nội khí quản thở máy xâm nhập và lọc máu.

Đối với các bệnh nhân nặng cần can thiệp như thở máy và lọc máu, các bác sĩ phải thay nhau trực tại buồng bệnh để kịp thời xử trí sự cố của máy móc và diễn biến bất thường của bệnh nhân. Đối với bệnh nhân nặng cần có sự theo dõi sát của nhân viên y tế.

Ngoài việc điều trị bệnh cho bệnh nhân, chúng tôi thường xuyên nhắn tin vào nhóm Zalo phòng bệnh để động viên tinh thần cho các bệnh nhân để họ có thêm niềm tin vượt qua bệnh tật. Với chúng tôi, đây là cách để trấn an, giúp họ cảm thấy an tâm rằng luôn có chúng tôi bên cạnh, cùng họ vượt qua nỗi sợ hãi và lo lắng.

Hàng trăm bệnh nhân, mỗi người một câu chuyện, một diễn biến bệnh, một hoàn cảnh khác nhau, có những bệnh nhân khiến chúng tôi thực sự cảm động.

Trong quá trình điều trị vừa qua, tôi có tiếp nhận một gia đình gồm 2 ông bà là F1, 2 cháu nhỏ 2 và 3 tuổi là F0. Khi tôi hỏi bố mẹ của các cháu đang ở đâu, không vào chăm các con mà để 2 ông bà già vào chăm? Vì người già nếu nhiễm Covid-19 sẽ diễn biến nặng và nguy hiểm hơn so với người trẻ. Và tôi được biết, do bố mẹ cháu bị kẹt lại ở thành phố Hồ Chí Minh không thể ra Hà Nội chăm con được.

Lúc mới vào, cả hai ông bà đều không có triệu chứng nhưng sau khoảng 1 tuần, 2 ông bà đều biểu hiện sốt, ho và kết quả PCR SARCoV-2 dương tính. Sau đó, bà của 2 cháu bé diễn biến nặng hơn phải nằm phòng cấp cứu thở máy HFNC rồi phải lọc máu, khi đó, ông của 2 bé đã gửi 2 cháu nhỏ nhờ những người bệnh cùng phòng trông giúp.

Là bác sỹ điều trị trực tiếp cho cả gia đình, tôi nỗ lực điều trị tốt nhất để bà của 2 bé mau chóng khỏe lại! Cũng may mắn bệnh nhân đã đáp ứng với điều trị và hồi phục dần.

Trong quá trình điều trị và giải thích bệnh của bà cho ông, tôi cũng nói đến đến điều xấu nhất có thể là ông cũng có thể sẽ giống như bà. Sau đó, điều không mong muốn đã xảy ra, ông của 2 bé cũng diễn biến nặng lên, cũng phải thở HFNC và lọc máu. Vì 2 ông bà đều diễn biến nặng như vậy nên việc chăm sóc cho 2 cháu nhỏ đều cần đến sự giúp đỡ của các bệnh nhân khác.

Tôi luôn động viên 2 ông bà cố gắng để mau khỏe lại để chăm sóc cháu nhỏ. Sau một thời gian điều trị tích cực, sức khỏe của 2 ông bà đã ổn định, có thể chăm sóc được cháu. Đó là niềm vui không chỉ của gia đình bệnh nhân, mà còn là niềm hạnh phúc của nhân viên y tế chúng tôi.

Có những ngày làm việc gần như 24/24h cũng không thể đánh gục các chiến binh áo trắng. (Ảnh: MT)

Sứ mệnh đồng hành

Ngay từ khi bùng phát dịch Covid-19 tại Việt Nam, bác sỹ Trường và một số đồng nghiệp đã được giao nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 tại bệnh viện, mỗi lần có đợt bùng phát dịch bệnh, tất cả kíp điều trị đều sẵn sàng với tinh thần cao nhất quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.

Bác sỹ Trường chia sẻ: “Động lực quan trọng nhất đối với tôi luôn là gia đình nhỏ của mình, tiếp đó là mong muốn chữa khỏi bệnh cho người bệnh. Những ngày làm việc gần như 24/24h đương nhiên cũng làm chúng tôi mệt mỏi nhưng không thể gục ngã, chỉ cần người bệnh còn tin tưởng chúng tôi, chúng tôi sẽ còn chiến đấu vì họ”.

Bác sỹ Trường cho rằng: “Những ngày này, trong mỗi chúng ta ai cũng có chung một niềm mong mỏi đó là dịch bệnh sớm kết thúc để cuộc sống được sớm trở lại bình thường, được ra ngoài hít bầu không khí trong lành, trẻ em được đến trường học tập, vui chơi, và chúng tôi, những nhân viên y tế trên khắp cả nước được trở về nhà, được ôm vào lòng những đứa con nhỏ của mình,…

Để làm được điều đó, chúng ta không thể nỗ lực riêng lẻ. Điều mà mọi nhân viên y tế đang làm công tác chống dịch như chúng tôi mong muốn đó là người dân tuân thủ đúng các quy định phòng dịch của Bộ Y tế và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để dịch bệnh không lan rộng thêm nữa”.