Bà Kamala Harris đã đi vào lịch sử khi trở thành người phụ nữ, người da màu và người gốc Nam Á đầu tiên đảm nhận cương vị Phó Tổng thống Mỹ. (Nguồn: The Print) |
Năm 2021, nhà báo Chidanand Rajghatta đã ra mắt cuốn sách có tựa đề “Kamala Harris: Người phụ nữ phi thường”, kể về hành trình vươn đến đỉnh cao quyền lực của người phụ nữ da màu trong một nước Mỹ vốn in sâu tư tưởng phân biệt chủng tộc. Trong bài viết đăng trên trang Money Control, nhà văn, nhà nghiên cứu Chintan Girish Modi đã đúc kết từ cuốn sách một số bài học từ cuộc đời nhiều dấu mốc của nữ Phó Tổng thống.
Đừng bao giờ quên cội nguồn
Không ai có lỗi khi sinh ra là người da màu. Bà Harris tự hào về mọi di sản nghệ thuật, văn hóa và lịch sử mà bà được thừa hưởng từ người cha gốc Jamaica và cả cộng đồng người da màu.
Bà đặc biệt yêu thích những ngôi sao ca nhạc như Nina Simone hay Aretha Franklin.
Những điều này đều được ghi lại trong cuốn sách của tác giả Rajghatta.
Bà Harris từng theo học tại trường Đại học Howard ở thủ đô Washington D.C, nằm trong hệ thống các trường đào tạo dành cho người da màu (HBCU). Đại học Howard là niềm tự hào đối với người da màu, một số cựu sinh viên xuất chúng phải kể đến như Thurgood Marshall, Toni Morrison, Zora Neale Hurston và Walter Washington.
Harris lớn lên tại Berkeley, California cùng em gái và người mẹ gốc Ấn Độ. Gắn bó với nền văn hóa đa sắc tộc từ nhỏ, bà quyết định nhập học tại Đại học Howard ở tuổi 18.
“Bạn sẽ không có gì hối tiếc khi theo học ở đây”, nữ Phó Tổng thống nhớ lại quãng thời gian đến trường.
Bà được truyền cảm hứng từ những người thầy như Alain Locke, Ralph Bunche, Rayford Logan và E. Franklin. Quá trình học tập, tham gia phong trào chính trị ở trường, tiếp xúc với những tư tưởng tiến bộ và các tổ chức đấu tranh vì phụ nữ đã bồi đắp nhận thức và tinh thần cho vị Phó Tổng thống Mỹ.
Nữ Phó Tổng thống Mỹ "không có gì phải hối tiếc" khi là cựu sinh của Đại học Howard. (Nguồn: Đại học Howard) |
Hãy là người tiên phong thay đổi
Sau khi tốt nghiệp Đại học Howard, bà Kalama Harris tiếp tục học Luật tại trường Cao đẳng Luật Hastings, thuộc Đại học California. Bà bắt đầu sự nghiệp với tư cách là một công tố viên tại Văn phòng Biện lý quận Alameda.
Sinh ra là người da màu, tại sao bà Harris lựa chọn trở thành công tố viên của chính phủ Mỹ? Có phải vì những người thiểu số bị hệ thống đối xử bất công? Đó là câu hỏi mà Harris đã tự hỏi bản thân rất nhiều lần.
Cha mẹ bà là những người có tư tưởng “cấp tiến” tại Đại học Berkeley, thường tiên phong các cuộc tuần hành vì quyền công dân. Bà từng chứng kiến những công tố viên dũng cảm truy lùng những người da trắng cực đoan, những kẻ sa đọa làm nhơ nhớp xã hội và những chính trị gia tham nhũng từ khi còn đi học ở Washington D.C.
Người phụ nữ da màu nhận ra tiềm năng của sự thay đổi trong hệ thống chính trị đầy lỗ hổng ấy, và vai trò của bà là thay đổi chúng.
Nhà báo Rajghatta trích lời bà Harris, "khi các nhà hoạt động chính trị tiến về phía trước và đồng thời gõ cánh cửa, tôi muốn được làm người mở cửa cho họ".
Liệu người phụ nữ phi thường ấy sẽ làm được chứ? Có người tin là có, có người cho là không.
Tham vọng là dũng cảm
Tình trạng kỳ thị nữ giới trong lĩnh vực chính trị Mỹ gần đây đang trở nên nghiêm trọng. Vậy bằng cách nào mà bà Harris lại nổi lên như một nhà lãnh đạo đáng gờm trong môi trường ấy? Theo ông Rajghatta, nguyên nhân có lẽ đến từ sự tự tin mà bà dễ dàng có được từ sớm, là “phẩm chất bà thừa hưởng từ mẹ”.
Harris đã lấy cảm hứng từ những phụ nữ da màu khác, đặc biệt là các nhà văn và nhà hoạt động như Alice Walker và Maya Angelou, “những người từng có cuộc sống khó khăn, để rồi đứng dậy từ đau thương và vươn lên đến đỉnh cao”.
Theo nhà báo Rajghatta, bà Harris có thể vươn lên mạnh mẽ trong hành lang quyền lực do nam giới thống trị, bởi tham vọng chưa bao giờ là “từ cấm” trong “từ điển” của bà ấy.
Tại Hội nghị Black Girls Lead 2020, bà phát biểu: “Sẽ xuất hiện trở ngại trên con đường đến tham vọng của bạn, sẽ có người nói với bạn rằng bạn đang đi chệch hướng... Những kẻ đó đang gặp áp lực bởi họ chỉ đủ khả năng nhìn thấy bản chất bề ngoài của sự việc thay vì nhìn vào tiềm năng bên trong. Đừng để điều đó cũng trở thành gánh nặng cho bạn”.
Meena, cháu gái của vị nữ Phó Tổng thống cho biết, nhà Harris tôn trọng tham vọng, bởi nó đồng nghĩa với lòng dũng cảm và cho thấy mục đích sống của mỗi người.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tại Hội nghị An ninh Munich ngày 19/2/2022. (Nguồn: AP) |
Luôn làm chủ và tái định nghĩa công việc
Cuốn sách nhấn mạnh vai trò của Harris trong các quyết định quan trọng của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Bà thường tiên phong phát biểu tại các sự kiện công cộng trước lễ nhậm chức. Bộ phận truyền thông của Nhà Trắng cũng đề tên và chú thích về bà trong mọi công văn.
Nhà báo Rajghatta viết: “Trong phát ngôn về chính sách đối ngoại lớn đầu tiên của Biden, bà Kamala đã phát biểu đầu tiên và nối tiếp bằng những lời bình tại Lầu Năm Góc, trụ sở cơ quan quốc phòng của đất nước vốn từ lâu đã là địa bàn của nam giới”.
Đây là một bước ngoặt lớn vì ở Mỹ, các Phó Tổng thống thường chỉ thực hiện các vai trò lễ nghi theo lệnh của Tổng thống. Họ không có nhiều tiếng nói trong việc ra quyết định.
Trong giới chính trị, nơi phụ nữ và nam giới thường bị đánh giá theo các tiêu chuẩn khác nhau, bà Harris đã cố gắng ủng hộ quyền lãnh đạo của nữ giới trong các đảng phái.
Bà từng tổ chức một bữa tối cho tất cả 24 nữ thượng nghị sĩ Mỹ, lấy cảm hứng từ các bữa tiệc (potluck) lưỡng đảng hàng quý do thượng nghị sĩ Barbara Mikulski tổ chức lần đầu vào những năm 1990.
Theo nhà báo Rajghatta, nữ Phó Tổng thống đã cố gắng làm sống lại cuộc gặp như vậy để minh họa cho “ảnh hưởng của phụ nữ ở Mỹ”.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris chủ trì bữa tối với các nữ thượng nghị sĩ Mỹ, tháng 6/2021. (Nguồn: NY Post) |