📞

Bài học từ thảm họa thiên tai tại Indonesia

15:44 | 04/10/2018
​Ngày 28/9, một thảm họa thiên nhiên kép đã tàn phá đảo Sulawesi, Indonesia. 

Trận động đất 7,5 độ richter, mạnh nhất trong năm 2018 và một trận động đất mạnh 6,1 độ richter diễn ra sau đó đã tạo nên cơn sóng thần cao 6m khiến ít nhất 1.300 người thiệt mạng, phá hủy hàng nghìn dãy nhà và để lại một thảm họa nhân đạo khủng khiếp.

Indonesia không phải là một đất nước xa lạ gì với những trận động đất và sóng thần. Quốc gia này nằm trên vành đai lửa, nên hay chịu hoạt động mạnh của địa chất và núi lửa ngầm dưới biển. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến thảm họa kinh khủng tại một quốc gia đã quá quen với những thảm họa như thế?

Indonesia là một quốc đảo với mật độ dân cư dày, nên khi thảm họa xảy đến, chỗ trú ẩn cho người dân luôn bị hạn chế. Chính phủ Indonesia từ nhiều năm luôn phải tính toán đến việc xây dựng các tòa nhà kiên cố hơn trước các thảm họa tự nhiên. Thế nhưng, Indonesia còn là một nước nghèo, mật độ dân đông và phân tán, nên việc xây dựng hàng loạt những tòa nhà có thể chống động đất, sóng thần như những gì Nhật Bản đã làm không phải là một chuyện dễ dàng.

Quang cảnh tang hoang tại thị trấn Donggala, tỉnh Sulawesi, Indonesia. (Nguồn: Quartz)

Vị trí địa lý bất lợi của đảo Sulawesi, nhất là thành phố Palu – nơi chịu nhiều thiệt hại nhất cũng là một nguyên nhân khiến hậu quả của cơn sóng thần thêm nặng nề. Palu nằm cách tâm chấn của trận động đất nói trên 80 km về phía Nam, ẩn mình trong một con vịnh dài và không có những dải đất hay hòn đảo nào chắn phía trước. Con vịnh này vô hình chung như một đường dẫn, làm cho cơn sóng thần thêm hung dữ và nguy hiểm, trực tiếp ập vào thành phố.

Cấu hình phức tạp của vùng vịnh này cũng gây khó khăn cho việc dự báo khả năng và cường độ sóng thần, do đó rất khó để đưa ra cảnh báo kịp thời và chính xác. Có thể đó là lý do vì sao, hệ thống báo động đã không làm tốt nhiệm vụ của mình. 

Theo tờ New York Times, cảnh báo sóng thần sau động đất có thể đã được dỡ bỏ quá sớm khiến cho người dân địa phương mất cảnh giác, dẫn đến hậu quả thêm nặng nề. Ngoài ra, người dân địa phương cho biết, còi báo động đã không kêu và hệ thống tin nhắn SMS không phát đi cảnh báo vì tháp phát sóng di động đã đổ sập sau động đất.

Thảm họa sóng thần tại thành phố Palu là một ví dụ điển hình cho thấy các hệ thống cảnh báo sóng thần tại đây hoạt động không hiệu quả như mong muốn. Chúng không đưa ra dự đoán chính xác được có bao nhiêu trận động đất sẽ xảy ra, với mức độ thế nào, gây ảnh hưởng ra sao dưới lòng nước biển,… Tuy nhiên, không có hệ thống cảnh báo sớm nào có thể ngăn chặn được hậu quả của động đất, ngay cả một hệ thống lý tưởng cũng không thể phát đi thông tin một cách nhanh chóng, đầy đủ tới người dân.

Trước những thiệt hại to lớn tại thành phố Palu và thị trấn Donggala, tỉnh Sulawesi, Indonesia. Nhiều nước đã lập tức thể hiện tinh thần đoàn kết với chính phủ và người dân Indonesia. 

Ngày 02/10, Chính phủ Việt Nam đã quyết định viện trợ khẩn cấp 100.000 USD, góp phần hỗ trợ Chính phủ Indonesia và người dân vùng bị nạn khắc phục hậu quả.

(tổng hợp)