Đội Con Nai chuẩn bị nhảy dù. |
Ngày 9/3/1945, phát xít Nhật tiến hành đảo chính Pháp trên toàn cõi Đông Dương, chính quyền thuộc địa của Pháp đã đầu hàng nhanh chóng, lực lượng quân đội Pháp hoặc bị bắt, hoặc bỏ chạy ra sang Trung Quốc.
Ở Việt Nam, chính phủ thân Nhật của Trần Trọng Kim hoang mang rệu rã. Nắm bắt tình hình đó, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp mở rộng và nhận định về thời cơ khởi nghĩa đang đến rất gần: “những cơ hội tốt đang giúp cho những điều kiện khởi nghĩa mau chín muồi” Đảng quyết định phát động cao trào chống Nhật cứu nước.
Chuyến đi bí mật
Trên thế giới, ở chiến trường châu Âu, Hồng quân Liên Xô đã chuyển sang giai đoạn phản công và giành được những thắng lợi quan trọng; quân đội đồng minh đã đổ bộ vào Normandie (nước Pháp)...
Nắm sát tình hình thế giới và trong nước, Hồ Chí Minh dự báo thời cơ khởi nghĩa ở Việt Nam đang đến rất gần, Việt Minh cần phải có sự liên lạc, hợp tác với quân đồng minh, một mặt để họ hỗ trợ, mặt khác nhằm buộc họ thừa nhận Mặt trận Việt Minh là lực lượng hợp pháp ở Việt Nam, hợp tác với đồng minh trên mặt trận chống phát xít, giải phóng dân tộc.
Thực hiện chủ trương đó, Hồ Chí Minh đã bí mật đến Côn Minh (Trung Quốc) để gặp gỡ, trao đổi và hợp tác chống phát xít Nhật với lực lượng đồng minh. Ngày 29/3/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh - đại diện cho Mặt trận Việt Minh và tướng Sê-nôn, Tư lệnh Sư đoàn không quân số 14 của Mỹ đã đạt được thỏa thuận: phía Việt Nam sẽ tăng cường lực lượng du kích và mở rộng phạm vi hoạt động của lực lượng này; phía Mỹ có trách nhiệm đưa các phái đoàn sang giúp huấn luyện về quân sự, đồng thời trang bị vũ khí, điện đài và các trang thiết bị khác.
Cũng trong chuyến công tác này, Người còn gặp nhiều sĩ quan Mỹ khác... Qua gặp gỡ, trao đổi, họ đều ấn tượng tốt đẹp về Bác Hồ và Việt Minh.
Hợp tác quan trọng
Trên cơ sở thỏa thuận giữa Hồ Chí Minh và lực lượng đồng minh, tháng 4/1945, Thiếu tá A.Patti (Archimedes Patti) chỉ huy nhóm sĩ quan OSS đã đến gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Cao Bằng, đề nghị Việt Minh giúp đỡ thực hiện nhiệm vụ giải phóng các tù binh Mỹ (các phi công Mỹ bị Nhật bắt khi oanh kích quân Nhật ở Việt Nam).
Việc xây dựng một sân bay đảm bảo cho sự liên lạc giữa hai bên Việt - Mỹ cũng được đặt ra. Tháng 6/1945, trước yêu cầu gia tăng hợp tác giữa Mặt trận Việt Minh và quân đồng minh, Hồ Chí Minh chỉ định hai đồng chí: Đàm Quang Trung và Lê Giản đi khảo sát, chọn địa điểm và lập kế hoạch xây dựng sân bay dã chiến ở Tuyên Quang; phối hợp với họ là một sĩ quan thuộc lực lượng Cứu trợ không quân Mỹ (AGAS).
Nhận chỉ thị của Người, đồng chí Đàm Quang Trung và Lê Giản cùng với viên sĩ quan Mỹ đi đến Lũng Cò (Tuyên Quang), xem xét địa thế và chọn nơi đây làm địa điểm xây dựng.
Ở Lũng Cò có một dải đất rộng chừng 4ha nằm giữa khe núi, bảo đảm cho các chuyến bay lên, xuống thuận tiện. Đồng ý với báo cáo về việc chọn địa điểm Lũng Cò, giữa tháng 6/1945, Hồ Chí Minh đã đến tận nơi để xem xét và chỉ đạo xây dựng.
Sân bay được thiết kế có chiều dài 400m, chiều rộng 20m, loại máy bay L5 của Mỹ có thể cất, hạ cánh được. Cuối tháng 6/1945, qua liên lạc bằng điện đài với Bộ chỉ huy đồng minh tại Côn Minh, Người đồng ý để một toán quân Mỹ nhảy dù xuống Tân Trào, với danh nghĩa huấn luyện cho Việt Minh về chiến thuật quân sự và cách sử dụng các loại vũ khí.
Chiều ngày 16/7/1945, toán quân biệt hiệu “Con Nai” (DEER) do thiếu tá Allison Thomas chỉ huy và người phụ trách điện đài, cùng ba sĩ quan đồng minh đã nhảy dù xuống làng Kim Lung (Tuyên Quang), được Việt Minh đón tiếp nồng hậu.
Đây là sự kiện đánh dấu hợp tác quan trọng giữa lực lượng Việt Minh với lực lượng đồng minh (đại diện là Mỹ). Theo Thiếu tá A. Patti: “Trong bảy tuần lễ ở đây, Thomas và các chuyên viên người Mỹ đã để ra bốn tuần lễ để huấn luyện cho khoảng 200 giải phóng quân về việc sử dụng vũ khí Mỹ mới nhất và chiến thuật du kích”. L.A. Patti cho rằng: “...ông Hồ đã thành công trong việc đề cao nhiệm vụ nhỏ bé của toán “Con Nai” lên thành một nhân tố tâm lý kỳ diệu".
Dù chỉ tiếp xúc và làm việc với Hồ Chí Minh trong thời gian ngắn, nhưng L.A. Patti đã nhận xét: “Đó là một nhà lãnh đạo vô cùng thông minh, thấu hiểu những vấn đề của đất nước, người thấu tình đạt lý và vô cùng tinh tế. Tôi cũng cảm thấy có thể tin tưởng ông như người bạn đồng minh đứng cùng chiến tuyến chống lại phát xít Nhật…”.
Trước diễn biến của tình hình thế giới và trong nước, tiên đoán Việt Nam sẽ giành được độc lập trong nay mai, Hồ Chí Minh chuẩn bị trước cho việc soạn thảo Tuyên ngôn độc lập. Theo học giả Mỹ Duiker, trước khi viết bản Tuyên ngôn lịch sử khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã đề nghị Trung úy Dan Phelan (ở Côn Minh) tìm cho Người bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ để Người tham khảo. Tuy nhiên, theo D. Phelan kể lại: “Có lẽ ông ấy biết về bản Tuyên ngôn còn rõ hơn tôi”.
Đội Con Nai hướng dẫn Việt Minh sử dụng súng. |
Kịp thời nắm bắt cơ hội
Đúng như nhận định của Người, tháng 7/1945, phát xít Đức, Ý đã thất bại trên chiến trường châu Âu. Ở châu Á, phát xít Nhật đang trên đường thảm bại, Đảng ta nhận định tình thế cách mạng đã xuất hiện. Đây là cơ hội giải phóng dân tộc ngàn năm có một: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Mặc dù đang ốm, lãnh tụ Hồ Chí Minh vẫn chỉ thị: “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được tự do, độc lập”.
Theo chỉ đạo của Người, từ ngày 13-14/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng với trên 30 đại biểu các Đảng bộ Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, họp tại Tân Trào, Tuyên Quang. Vừa ốm dậy, nhưng Người vẫn gượng chống gậy tới chỉ đạo Hội nghị và quyết định những việc cấp bách liên quan tới vận mệnh dân tộc như: thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc; thành lập Bộ chỉ huy Giải phóng quân Việt Nam; đề ra 10 chính sách lớn của Việt Minh, chủ trương đối ngoại với đồng minh; ban hành Quân lệnh số một...
Ngày 16/8, Đại hội Quốc dân (tiền thân của Quốc hội Việt Nam) khai mạc tại Đình Tân Trào, lãnh tụ Hồ Chí Minh được bầu vào Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội, quyết định toàn dân tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền; thông qua Lệnh Tổng khởi nghĩa; bầu Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời, do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Ngày 19/8/1945, Việt Minh giành được chính quyền ở Hà Nội; ngày 22/8/1945, Thiếu tá A. Patti dẫn đầu nhóm OSS đáp máy bay xuống sân bay Gia Lâm. A. Patty cùng nhóm người Mỹ là một trong những người nước ngoài đầu tiên có mặt tại Thủ đô Hà Nội và được chứng kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Đánh giá về ý nghĩa lịch sử và bài học của Cách mạng tháng Tám, nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn khẳng định: “Cách mạng tháng Tám thành công căn bản là do lực lượng chính trị của nhân dân kịp thời nắm lấy cơ hội thuận tiện nhất, khởi nghĩa giành chính quyền Nhà nước”. Bài học thắng lợi của Cách mạng tháng Tám cũng minh chứng uy tín, tài trí của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát huy sức mạnh dân tộc và tranh thủ sự ủng hộ của lực lượng quốc tế trong cách mạng Việt Nam.
| Hiệp định Geneva: thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam và những bài học còn vẹn nguyên giá trị Cách đây 68 năm, ngày 20/7/1954, Hiệp định Geneva về chấm dứt chiến sự và lập lại hòa bình ở Đông Dương đã được ký ... |
| Nhớ về ngoại giao Hồ Chí Minh tại 'thủ đô gió ngàn' Những hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1947-1954 tại Việt Bắc, trong đó có Thủ đô kháng chiến Tuyên ... |
| Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng hai chú voi cho Vườn bách thú Leningrad: Quyết định ngoại giao 'nhìn xa trông rộng' Hai chú voi đã đi mất hơn 1 năm từ Việt Nam để đến biên giới với Trung Quốc. Từ đây, voi được di chuyển ... |
| Chiến thắng lịch sử 30/4: Ý chí thống nhất đất nước và đóng góp của ngoại giao Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ là khát vọng, ý chí của toàn dân tộc Việt Nam. Khát vọng, ý ... |
| Nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh: ‘Giành thắng từng bước’ tiến tới thắng lợi hoàn toàn Đàm phán, thương lượng là nghệ thuật đấu tranh ngoại giao trực diện, là quá trình chuyển hóa sức mạnh chính trị, quân sự, thành ... |